Mặt trận huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh: Phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân

Hải Nhi (thực hiện) 02/06/2017 09:05

Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Khi triển khai các phong trào, các cuộc vận động tại huyện đảo Vân Đồn, Mặt trận đặc biệt chú trọng tới việc phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Huệ.

PV: Thưa bà, nhằm đẩy mạnh các phong trào, các cuộc vận động, Mặt trận Tổ quốc huyện Vân Đồn đã tuyên truyền, vận động nhân dân như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Huệ: MTTQ huyện đẩy mạnh triển khai đến nhân dân Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Xã nông thôn mới, phường, thị trấn văn hóa” với chủ trương phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân, đề cao sự đóng góp của nhân dân. Thực hiện phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, năm 2016, nhân dân đã đóng góp :3.510m2 đất, 6.681m3 cát đá sỏi, 1.860 ngày công, 1.828,6 triệu đồng. Tổng huy động tính thành tiền đạt trên 5, 5 tỷ đồng. Doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí làm đường 807,5 triệu đồng. Kết quả làm được tổng số 142.314m đường giao thông nông thôn, 2.012m2 sân nhà văn hóa.

Tháng 4/2017, huyện triển khai xây dựng Nông thôn mới với tiêu chí nông thôn kiểu mẫu và vườn mẫu mới. Chúng tôi khảo sát và chọn xã Đông Xá làm xã nông thôn kiểu mới. Đô thị văn minh là thị trấn Cái Rồng, 2 đơn vị này làm điểm. Mỗi xã lại chọn một thôn khu làm điểm, xã Đông Xá chọn thôn Đông Trung làm điểm thôn mẫu, vườn mẫu. Thị trấn Cái Rồng chọn khu 6 làm điểm. Bước đầu chúng tôi tuyên truyền để người dân nắm được tiêu chí.

Bên cạnh đó, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được MTTQ huyện phối hợp với UBND, các cơ quan ban, ngành, đoàn thể của huyện xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, đến nay tư tưởng dùng hàng ngoại đã dần dược thay đổi, hàng Việt chất lượng cao đã được người dân cơ bản tin dùng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã tham mưu cho Thường trực Huyện ủy kiện toàn Ban Chỉ đạo Cuộc vận động và xây dựng Quy chế hoạt động rất rõ ràng.

Được biết, mô hình tổ tự quản ở các khu dân cư hoạt động khá tích cực tại huyện đảo Vân Đồn. Bà có thể cho biết đôi nét về hoạt động này?

- Xác định khu dân cư là hạt nhân của công tác Mặt trận. Do đó, chúng tôi đã duy trì hoạt động các mô hình “Tổ liên gia đoàn kết tự quản” ở khu phố 4 Thị trấn Cái Rồng; “Khu dân cư chấp hành pháp luật” thôn Đài Mỏ, xã Vạn Yên, mô hình “Sáng – Xạch – An toàn” thôn 7,9, 12, 13 xã Hạ Long, thôn Đông Trung- xã Đông Xá; mô hình “Dòng họ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tự quản về an ninh trật tự” xã Bình Dân, mô hình “thôn dân cư chấp hành pháp luật” ở xã Ngọc Vừng.

Đáng chú ý, các tổ liên gia tự quản còn thường xuyên tham gia giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống thường ngày, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, các tổ liên gia tự quản cũng hỗ trợ tích cực cho lực lượng công an xã trong nắm bắt tình hình, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Từ năm 2016, huyện Vân Đồn bắt đầu thí điểm Đề án “Xây dựng cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội cấp huyện”. Sau một thời gian triển khai huyện Vân Đồn đã gặp những khó khăn gì cần sớm khắc phục, thưa bà?

- Có thể nói, chúng tôi đã nghiêm túc tiếp thu, chủ động nghiên cứu Đề án của tỉnh nhằm cụ thể hóa xây dựng Đề án đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quán triệt để tạo sự đồng thuận thống nhất trong tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và cán bộ công chức khối MTTQ và các đoàn thể.

Tuy nhiên, về hoạt động Mặt trận ở cơ sở, qua kiểm tra một số xã, các xã phản ánh tình hình số lượng đoàn viên, hội viên đến sinh hoạt có giảm. Vì chi trưởng, chi phó của các phân khu cho rằng họ bị cắt phụ cấp. Do đó họ hoạt động không tích cực, đoàn viên, hội viên cũng giảm, việc tổ chức các cuộc họp chệch choạc. Trước kia, ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh có quy định phụ cấp hỗ trợ các cán bộ ở thôn khu. Nhưng theo Đề án mới thì các chi trưởng, chi phó bị cắt phụ cấp, chỉ có Bí thư, trưởng thôn và trưởng Ban Công tác Mặt trận có phụ cấp. Mất một thời gian khá dài chúng tôi phải tuyên truyền vận động để họ trở lại với công việc.

Còn tại Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện, trước kia chưa có Đề án thì Mặt trận được bố trí 4 biên chế, theo Đề án mới cũng có 4 biên chế nhưng chính thức chỉ có 3,5 biên chế vì Chủ tịch Mặt trận kiêm Trưởng ban Dân vận. Liên quan tới biên chế đương nhiên là liên quan đến công việc. Trước kia Chủ tịch Mặt trận điều hành, chỉ đạo trực tiếp. Bây giờ Chủ tịch lại ngồi ở Ban Dân vận, tất cả những nội dung công việc liên quan tới công tác Mặt trận thì Phó Chủ tịch Thường trực phải tổng hợp toàn bộ nhiệm vụ tỉnh, huyện, ngành triển khai phối hợp sau đó báo cáo với Chủ tịch.

Điều đó gặp không ít khó khăn, đơn cử khi Chủ tịch Mặt trận theo đoàn công tác của Ban Dân vận đi kiểm tra, giám, sát cùng Huyện ủy, HĐND thì công việc của Mặt trận chắc chắn sẽ bị chậm lại. Do đó, chúng tôi rất cần sự điều chỉnh của Mặt trận cấp trên để hoạt động sao cho hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh: Phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO