Mặt trận làm việc Dân mong, Đảng cần

Cẩm thúy (thực hiện) 24/11/2017 18:45

Việc gì mà Nhân dân mong, việc gì mà Đảng thấy cần thì Mặt trận phải coi đó là nhiệm vụ quan trọng. Nói như thế thì bây giờ việc then chốt nhất là Mặt trận phải góp phần vào xây dựng - chỉnh đốn Đảng- Ông Phạm Thế Duyệt – nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.


Ông Phạm Thế Duyệt.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc vừa qua Đảng tiến hành kỷ luật hàng loạt cán bộ, kể cả những cán bộ cấp cao và kết quả công khai của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của nhiều cán bộ đảng viên ở cấp trung ương quản lý?

Ông Phạm Thế Duyệt: Những sự việc vừa qua đã thể hiện quyết tâm lớn của Đảng ở Khóa XII này, đã được nỗ lực cố gắng ở Khóa XI nhưng sang nhiệm kỳ khóa XII này chúng ta mới nhìn thấy những kết quả rõ rệt. Tôi nhấn mạnh là nhiệm kỳ Khóa XII nhé, vì chúng ta đã để trượt đi tới mấy nhiệm kỳ, ít nhất là 2 nhiệm kỳ, công tác cán bộ của chúng ta chưa thực hiện tốt. Cho nên những cán bộ xấu, hư hỏng, biến chất vẫn được đề bạt cất nhắc, đưa vào vị trí quan trọng, kể cả cấp cao. Cái đó dân có biết không, cán bộ đảng viên ở cơ sở có biết không? Người ta biết cả. Nhưng không lắng nghe, là một điều rất thiệt thòi cho Đảng. Cho nên bây giờ phải quyết tâm, bây giờ Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải thực hiện. Nhiệm kỳ Khóa XI tôi coi như khởi động, Khóa XII thực hiện quyết liệt, cố gắng làm. Chính vì để tích tụ nhiều năm không làm cho nên mới dồn lại những cán bộ hư hỏng cứ vẫn được coi là tốt, cán bộ yếu kém vẫn gánh vác công việc. Đây là hệ quả của quá trình công tác cán bộ chúng ta làm chưa tốt. Cho nên mới để bộ phận không nhỏ, nói không nhỏ nhưng lại là bộ phận rất quan trọng, rơi vào toàn các vị trí to, toàn người quan trọng thì nguy quá.

Thưa ông, đúng là qua nhiều vụ việc vừa qua, thì sai phạm của các cá nhân không phải đột nhiên từ trên trời rơi xuống, thậm chí có trường hợp những khuyết điểm xảy ra từ lúc họ đảm nhận vị trí lãnh đạo thấp hơn nhiều so với vị trí hiện tại. Tuy nhiên, sau đó, vẫn lần lượt được đưa lên những vị trí cấp cao, quan trọng. Điều này, như ông nói là sự tích tụ nhiều năm công tác cán bộ được làm chưa tốt…

- Công tác cán bộ rất khó, rất quan trọng, nó quyết định sự nghiệp của Đảng. Nói tổ chức tức là phải nói cán bộ trước, có cán bộ tốt việc gì cũng xong, trong Sửa đổi lề lối làm việc của Bác nói rồi. Có nghị quyết đúng, phải thực hiện đúng thì mới có kết quả.

Tôi nói nhiều năm tích tụ lại, chúng ta để công tác cán bộ trượt dài tới mấy nhiệm kỳ, là bởi vì bây giờ đụng vào đâu cũng thấy có chuyện. Không phải bây giờ mới có tham nhũng, tiêu cực; không phải bây giờ cán bộ mới suy thoái, biến chất. Mà nó là một quá trình chúng ta đã buông lơi công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, chúng ta đã chạy theo hình thức trong học tập noi gương Bác, hình thức trong đánh giá cán bộ. Rõ ràng vừa mới Đại hội Đảng các cấp xong, bầu bán vào các vị trí, thế thì ai cũng tốt cả chứ.

Nhưng các cán bộ bị xử lý kỷ luật vừa rồi đều ở Đại hội được bầu ra chứ có ở đâu ra. Đây rõ ràng là vấn đề rất hệ trọng. Tây Nam bộ, Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Yên Bái, rồi Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công thương… đụng vào đâu cũng có chuyện, cũng có cán bộ bị xử lý kỷ luật. Trước khi phát hiện ra sai phạm của họ, các cán bộ này đều được cấp ủy nhận xét tốt. Đây là bài học đau đớn và sâu sắc về đánh giá cán bộ, chuẩn bị cán bộ, bồi dưỡng cán bộ, rèn luyện cán bộ.

Tôi đã từng nói đào tạo một người thợ giỏi có thể không cần thời gian lâu lắm, chỉ cần 5-7 tháng, 1-2 năm, người thợ đó chưa chắc đã thua những người thợ hàng chục năm. Nhưng đào tạo một người cán bộ lãnh đạo chắc là không thể giản đơn. Không thể chỉ có bằng cấp, không thể chỉ có những cái mang tính qui trình, qui chế, mang tính hình thức. Trước đây đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hay nói “tráng men”, tức là đưa về cơ sở, rồi bảo thế là đã kinh qua rèn luyện, đã có kinh nghiệm lãnh đạo. Làm người lãnh đạo khó lắm, đâu có đơn giản như vậy.

Tôi nhấn mạnh là không phải bây giờ cán bộ mới hư hỏng, mới tham nhũng tiêu cực mà chính là do quá trình tích tụ. Chúng ta đã thiếu đấu tranh kiên quyết, thiếu chú ý từ trên cấp cao. Trên đã không làm tốt thì dễ ảnh hưởng đến dưới. Trung ương mà nghiêm thì các tỉnh, thành chắc sẽ nghiêm, các tỉnh, thành nghiêm thì quận huyện sẽ nghiêm. Trung ương nghiêm thì các bộ ngành chắc cũng nghiêm. Tôi không dám phủ nhận công lao khó nhọc của các đồng chí lãnh đạo trong các nhiệm kỳ vừa qua. Nhưng đứng về góc độ xây dựng chỉnh đốn Đảng tôi vẫn phải nói, chúng ta phải nhìn cho đúng, đánh giá cho chân thực.

Các cấp, các ngành tự phát hiện, xử lý đi, đừng chỉ đợi Ủy ban kiểm tra Trung ương vào cuộc.

Hệ quả lớn nhất, theo đánh giá của ông, về việc công tác cán bộ được làm chưa tốt, cho đến hiện nay là gì?

- Như đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tham nhũng tiêu cực, suy thoái biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đang là thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng, đang là thách thức với chế độ. Uy tín của Đảng có còn hay không, chế độ xã hội chủ nghĩa này có còn hay không đều là do cán bộ quyết định. Tình hình hiện nay, về kinh tế - đời sống của dân không phải khó lắm đâu, dân người ta vẫn yên tâm với sự ổn định, vẫn có thể chấp nhận đời sống như hiện nay, vẫn thừa nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận đối với những nơi khó khăn như vùng lũ lụt, miền núi, người nghèo… Nhưng cái người ta lo lắng là chế độ này đi theo hướng nào, lo lắng là Đảng ta có giữ được Đảng của Bác Hồ không? Uy tín của Đảng với cán bộ Đảng viên, uy tín của Đảng với nhân dân, uy tín của Cộng sản Việt Nam với thế giới có còn được hình ảnh như trước không?

Này cô có muốn hỏi tôi, tình hình như thế này thì có suy nghĩ gì…

Vâng, thưa ông, điều khiến ông trăn trở trong những tháng năm này của đất nước?

- Tôi lúc nào cũng nghĩ đến xây dựng chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng vững mạnh, trong sạch được càng tốt, ngày càng có uy tín với dân, lấy lại được lòng tin với dân. Trước hết là lấy lại được lòng tin với nhân dân, với đảng viên trong toàn Đảng… Đối với tôi đó là điều phải suy nghĩ nhiều. Nhưng tôi phải nói rõ là tôi không mất niềm tin đâu nhé. Tôi tin rằng cách làm như hiện nay được Trung ương quyết tâm, người đứng đầu các bộ ngành quyết tâm, bí thư các tỉnh, thành quyết tâm, thì chắc sẽ có kết quả lớn. Nhưng nếu chỉ có cấp cao, chỉ có Tổng bí thư quyết tâm, chỉ có Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban nội chính Trung ương… quyết tâm mà không có sự hưởng ứng của toàn đảng, toàn dân, không có sự chuyển biến đồng bộ ở các cấp thì mặc dù bây giờ đã có kết quả đấy nhưng tôi vẫn chưa yên tâm được.

Ông lo ngại cho sự đơn độc của những người đang quyết tâm chỉnh đốn Đảng phải không ạ? Từng là một trong những người giữ cương vị quan trọng trong cuộc chỉnh đốn Đảng ở khóa VIII (bằng nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII), ông có thể chia sẻ điều gì?

- Có một điều nhiều người cũng đặt ra, là trong tình hình phức tạp như thế này thì có sợ kỷ luật hết không có cán bộ làm việc không? Làm như thế có sợ đụng chạm nhiều quá không? Tôi phải nói, kiểm tra, đánh giá, làm rõ sai phạm như vừa qua cho thấy diện cán bộ vi phạm không ít, cấp trên có cấp dưới có. Nhưng tôi bao giờ cũng nghĩ, nếu làm đúng thì dù có phải kỷ luật bao nhiêu cán bộ cũng không sợ. Đánh giá đúng cán bộ, xử lý đúng cán bộ, sử dụng đúng cán bộ mới quan trọng. Miễn là đừng có làm sai, đừng vì phong trào, đừng vì thiên lệch, cảm tính, cá nhân trong suy nghĩ, nhận thức mà xử lý không đúng đắn. Tôi không sợ chuyện xử lý kỷ luật nhiều hay làm ít mà tôi sợ xử lý không đúng. Làm đúng, đánh giá đúng, xử lý đúng, bồi dưỡng luân chuyển cán bộ đúng thì tốt, chứ đừng có tráng men, đại khái, hình thức.

Những vấn đề của Đảng hiện nay ai cũng thấy, Trung ương đã nêu cụ thể trong những đánh giá của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết trung ương 4 khóa XII. Tôi chỉ mong làm sao toàn Đảng phải đồng tâm nhất trí với đồng chí Tổng bí thư, đồng tâm nhất trí dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị. Có nhiều việc không phải chờ đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, không phải chờ đến Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng mà ngay từ cấp dưới hãy tự làm, tự xử lý thì nó sẽ rất nhẹ nhàng. Chứ việc gì cũng chờ đến các đồng chí chủ chốt của Đảng nói ra thì mới thực hiện thì nguy quá. Nhiều việc các tỉnh, các bộ, các ngành tự làm đi, đâu cũng làm, đâu cũng tự giải quyết thì thấy thanh thản nhẹ nhàng, chứ việc gì cứ phải chờ Ủy ban kiểm tra Trung ương đánh giá kết luận rồi mới xong. Tôi tin nếu có nhìn nhận đúng, cách làm đúng thì ở dưới sẽ sát hơn, đánh giá công tâm hơn.

Trở lại với câu chuyện đề bạt cán bộ, nhân dân luôn đặt câu hỏi vì sao những trường hợp hư hỏng, thoái hóa biến chất vẫn tiếp tục được đề bạt cao hơn? Có lợi ích nhóm, có tham nhũng – tiêu cực ngay trong công tác cán bộ, thưa ông?

- Tôi cho rằng không phải nhân dân suy diễn khi người ta đặt dấu hỏi vì sao có chuyện đó đâu. Cho nên cũng đừng có ngại khi nhìn nhận đánh giá tham nhũng tiêu cực trong xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đề bạt cất nhắc cán bộ, tức là đây mới chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Tôi nói các đồng chí làm công tác tổ chức cũng đừng tự ái, mà phải thấy thực tế vừa rồi có chuyện mua quan bán chức, chuyện hậu duệ, chuyện quan hệ tiền tệ trên cả đạo đức, cả trí tuệ. Ngay cả có trí tuệ mà không có đạo đức thì cũng vứt đi nữa là. Phải nói rằng nếu làm công tác cán bộ mà không lấy đạo đức và trí tuệ làm gốc thì sẽ hỏng. Mà làm cán bộ chỉ nghĩ đến bôi trơn đánh bóng, dùng tiền mua phiếu, dùng tiền tranh thủ uy tín… thì về bản chất đã là không có đạo đức rồi. Thế mà còn đưa những kiểu cán bộ đấy lên thì làm sao tốt được. Kể cả công tác cán bộ, cũng phải biết dựa vào dân thì mới có kết quả tốt được.

Việc con ông cháu cha được đẩy lên những vị trí quan trọng sớm hơn bình thường, có phải là cách ứng xử của một số lãnh đạo thời nay đã khác hẳn thời trước không thưa ông?

- Phải nói cho công bằng là nếu truyền thống con ông cháu cha mà có phương pháp bồi dưỡng sử dụng đúng thì rất nhiều người đã thành đạt một cách xứng đáng, từ trước đến nay đều có cả. Đấy là có quá trình thử thách rèn luyện cả về lý luận, thực tiễn. Ví dụ như trước đây là được rèn luyện ở chiến trường, rồi được bồi dưỡng trở thành người lãnh đạo có quá trình từ thấp lên cao, chứ không phải chỉ dựa vào cái “mác” con ông cháu cha. Nhưng nếu làm như một số nơi vừa rồi, đánh giá cán bộ trẻ đơn giản một chiều không có quá trình thì cuối cùng sẽ vấp thôi. Ai cũng hiểu, chỉ có điều các đồng chí lãnh đạo cấp trên phải biết lắng nghe, đừng thiên vị con em mình, người khác thì đừng nể nang, né tránh.

Ở trên ông có nói đến việc ngay cả làm công tác cán bộ của Đảng, cũng phải biết dựa vào nhân dân, cụ thể là như thế nào? Thưa ông!

- Thực tiễn cho mình những bài học rất sâu sắc. Biết dựa vào nhân dân để mà thực hiện nhiệm vụ cách mạng nói chung, kể cả công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ, nếu biết dựa vào dân thì mới có kết quả. Nếu không có chắc chắn sẽ bị hạn chế, không dễ gì tốt được.

Tôi nói ví dụ thực tiễn vừa qua phản ánh chúng ta đã không có quan tâm đúng mức tới công tác cán bộ từ vấn đề đào tạo, rèn luyện thử thách, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt, cất nhắc. Chúng ta đã đơn giản trong vấn đề đánh giá cán bộ. Và đứng góc độ của một người từng làm công tác quần chúng, công tác Mặt trận, công tác Đảng tôi rất quan tâm tới cái đánh giá của quần chúng, đánh giá của đảng viên hưu, đánh giá của đảng viên bên dưới về cán bộ. Nếu có cách làm thẳng thắn, thì chắc chắn quần chúng nhân dân và cán bộ đảng viên ở cấp cơ sở sẽ có ý kiến rất tốt cho công tác cán bộ của chúng ta. Còn nếu đề bạt cán bộ chỉ bằng qui trình của tổ chức thì chắc chắn sẽ hạn chế, tốt thì có cái tốt nhưng bảo thế là đã yên tâm thì không dễ. Thế cho nên phải có giảm sát - phản biện. Giám sát – phản biện xã hội đừng chỉ nghĩ là đi giám sát về môi trường hay phản biện vấn đề chính sách nọ kia, mà giám sát là giúp cho Đảng, qua tai mắt của nhân dân, nhìn thấy ông cán bộ này chưa xứng đáng, ông kia tốt…

Ông đang nói về giám sát – phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể. Thưa ông, có thể hiểu như thế nào về việc Mặt trận góp phần tham gia vào công tác cán bộ của Đảng?

- Mặt trận từ trước đến nay vẫn đang làm đấy thôi. Quốc hội đại diện cho quyền lực của nhân dân. Nhưng đại diện cho nhân dân một cách rộng rãi nhất định phải là Mặt trận. Vì bầu đại biểu vào Quốc hội cũng do Mặt trận hiệp thương lựa chọn cơ mà, chứ Quốc hội không tự chọn đại biểu Quốc hội. Từ cái lý lẽ đó để mà suy nghĩ, biết dựa vào Mặt trận biết phát huy dân chủ trong dân, thì sẽ không có kết quả bầu cử nhiều nơi vẫn còn chưa thực chất, bầu xong thì lại phải bãi miễn, bầu xong thì đại biểu lại bị Đảng kỷ luật. Vừa rồi đến vài đại biểu Quốc hội rơi vào vòng lao lý phải đưa ra khỏi Quốc hội… Những cái đó cho chúng ta bài học đắt giá trong hiệp thương, lựa chọn.

Thưa ông, nhiều cán bộ mặt trận ở cơ sở tâm sự rằng đôi khi lực cũng bất tòng tâm?

- Tất nhiên, tôi nói không phải để phán xét anh em. Mặt trận còn có hạn chế thì chính tôi là người có trách nhiệm trong việc đó. Mặt trận mà chưa làm tốt được là có trách nhiệm của tôi. Nhưng tôi nghĩ phải có 2 vế, không thể chỉ từ phía Mặt trận mà Đảng cũng phải cố gắng tạo điều kiện để Mặt trận được phát huy vai trò của mình là đại diện cho nhân dân.

Tôi nghĩ dứt khoát Đảng phải nắm công tác cán bộ, Đảng phải sử dụng cán bộ nhưng Đảng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, phải biết dựa vào lực lượng cán bộ đảng viên bên dưới, cán bộ hưu, Mặt trận và các đoàn thể để lựa chọn cán bộ cho xứng đáng. Mặt trận nếu có phương pháp làm thì sẽ tập hợp được rất nhiều ý kiến phản ánh báo cáo cho Đảng, còn Đảng tiếp thu đánh giá thẩm định thế nào là quyền của Đảng, đó là nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu chỉ thực hiện quyền của đại hội, của cấp ủy mà không có những ý kiến đóng góp thật sự của nhân dân thì sẽ khó tránh được việc để lọt những người không đủ năng lực và phẩm chất vào những cơ quan lãnh đạo.

Dứt khoát Mặt trận phải thể hiện rõ trách nhiệm trong việc chọn người xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội. Nếu làm hình thức thì thế nào cũng gật. Nhưng nếu Mặt trận làm đúng, làm tốt, thì Đảng có quyền lãnh đạo, có quyền giới thiệu, có quyền gợi ý, nhưng Mặt trận phải có trách nhiệm trong việc thẩm định, trong việc nghe ý kiến của nhân dân qua 3 vòng hiệp thương, xem qua các vòng hiệp thương thì thực sự người dân có ý kiến về cán bộ thế nào. Đây tôi nhấn mạnh chữ thật sự, chứ còn nếu làm cho đủ các bước, cho phải phép, cho đủ lệ, đủ qui trình thì nó sẽ có kết quả như chúng ta đã thấy là có những người sai phạm, không đủ phẩm chất và năng lực vẫn được giới thiệu và bầu làm đại biểu Quốc hội.

Tôi thường suy nghĩ nhiều đến việc Mặt trận phải phát huy được toàn dân. Làm thế nào để các đoàn thể đều mạnh thì Mặt trận mới mạnh được. Đảng lãnh đạo Mặt trận, nhưng Đảng cũng tự nhận là thành viên Mặt trận thì lề lối quan hệ thế nào để biết lắng nghe Mặt trận, lắng nghe thực sự, chú ý đúng mức, quan tâm đúng mức đến việc mặt trận và nhân dân góp phần vào để giải quyết vấn đề then chốt của Đảng là công tác xây dựng Đảng. Điều tôi suy nghĩ nhiều là Đảng có hơn 4 triệu đảng viên, nhưng nhân dân ta thì hơn 90 triệu người, có phải chăng trong nhân dân không còn những người xứng đáng? Rất nhiều vị trí cần phải có chính sách để đưa được người ngoài đảng tham gia vào các công việc của đất nước. Tôi không nhầm lẫn việc Đảng phải nắm công tác cán bộ, nhưng nên học Bác là sử dụng tất cả những người giỏi người tài, người yêu nước có đạo đức để tham gia vào công việc của đất nước.

Thưa ông, nếu đưa ra một gợi ý, ông cho rằng trong thời điểm này, việc cần đến vai trò của Mặt trận trong hệ thống chính trị là gì?

- Tôi bây giờ nghỉ hưu hàng chục năm nay rồi nên nói việc gì Mặt trận nên làm thì lại khiến mọi người hiểu nhầm. Nhưng theo tôi việc gì mà nhân dân mong, việc gì mà Đảng thấy cần phải làm thì Mặt trận phải coi đó là nhiệm vụ quan trọng. Một trong những việc quan trọng Mặt trận phải góp phần vào là xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Tôi lúc nào cũng mong muốn Mặt trận giúp cho Đảng giải quyết được những khó khăn của Đảng, giúp cho dân giải quyết được những mong muốn của nhân dân.

Tôi đi đến đâu gặp anh em làm công tác mặt trận cũng thấy tâm huyết, nhưng các cấp ủy cũng phải tạo thế, tạo cơ chế để Mặt trận hoạt động. Vận động nhân dân đoàn kết, xóa đói giảm nghèo là việc Mặt trận đã làm rất tốt, nhưng nếu còn chưa góp phần vào xây dựng chính quyền mạnh, xây dựng tổ chức Đảng mạnh, chọn và bố trí cán bộ xứng đáng vào các cấp các ngành trong hệ thống chính trị thì Mặt trận chưa làm được hết vai trò và trách nhiệm của mình.

Xin trân trọng cảm ơn ông, kính chúc ông sức khỏe!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận làm việc Dân mong, Đảng cần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO