Mặt trận Quảng Nam với công tác giảm nghèo bền vững

Nguyễn Văn Long  (Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Nam) 09/05/2017 09:40

Nhằm xây dựng Đề án “Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017-2021” (gọi tắt là Đề án) đem lại hiệu quả cao nhất, góp phần thoát nghèo bền vững, UB MTTQ tỉnh tổ chức phản biện xã hội, thông qua lấy ý kiến của đội ngũ chuyên gia nhiều lĩnh vực và các tầng lớp nhân dân góp ý vào dự thảo Đề án trước khi trình HĐND tỉnh, tại Kỳ họp lần thứ 4, khóa IX.

Để có cơ sở phản biện dự thảo Đề án, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch, tiến hành triển khai khảo sát kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2010 - 2015 và thực trạng hộ nghèo, cận nghèo năm 2016 tại nhiều khu dân cư.

Các đoàn khảo sát đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, để nắm thông tin về việc thực hiện quy trình bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo với bộ công cụ điều tra đánh giá theo chuẩn nghèo đa chiều; kết quả việc thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2010 - 2015; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng; khảo sát thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt tiêu chí thu nhập và thiếu hụt các chỉ số đo lường mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản tại các khu dân cư đến thời điểm hiện nay.

Qua kết quả điều tra năm 2016, toàn tỉnh Quảng Nam có 45.330 hộ nghèo; tỉ lệ 11,13%; trong đó có 43.972 hộ nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập, đã chiếm tỉ lệ 10,8%; còn 1.358 hộ nghèo thiếu hụt về chỉ số của 5 loại dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ chiếm tỉ lệ 0,33%. Nguyên nhân nghèo về thu nhập do người dân không có đất sản xuất, không có việc làm, không có kiến thức và kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh.

Như vậy, để Đề án đảm bảo tính khả thi; các cơ chế, chính sách khuyến khích cần tập trung vào những nhóm hộ cụ thể. Theo đó, đối với hộ nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập, chúng ta cần tập trung ưu tiên vốn ngân sách nhà nước của các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh; nhất là vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập ổn định cho hộ nghèo thoát nghèo nhanh, bền vững.

Đối với hộ nghèo không thiếu hụt tiêu chí thu nhập mà thiếu hụt các chỉ số của 5 loại dịch vụ xã hội cơ bản, tập trung hỗ trợ, giải quyết theo từng chỉ số thiếu hụt để đảm bảo hộ dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nhóm đối tượng này. Đối với hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, không thể thoát nghèo thì chúng ta cần tập trung giải quyết tốt các chính sách an sinh xã hội như trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, chính sách về bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch và công trình vệ sinh, tiếp cận thông tin, hỗ trợ tiền điện...; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia giúp đỡ, hỗ trợ.

Về cơ chế, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tránh bao cấp; khi ban hành các cơ chế, chính sách phải góp phần tạo ra động lực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tự mình vươn lên thoát nghèo, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tự nguyện đăng ký phấn đấu, có cam kết vươn lên thoát nghèo bền vững trong xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đặc thù từ ngân sách của tỉnh phải tạo ra động lực mạnh mẽ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Ưu tiên hỗ trợ lãi suất vốn vay, cùng với cơ chế cho vay theo thế chấp, bổ sung thêm cơ chế cho vay theo tín chấp; nâng mức vay, kéo dài thời gian vay để người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh với mục đích giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.

Tiếp tục duy trì việc hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí cho người học theo thời gian của quá trình đào tạo. Không nên thực hiện việc thưởng bằng tiền mặt cho hộ dân mà chuyển qua hỗ trợ cho các hộ nghèo thoát nghèo bền vững bằng phương tiện sản xuất như cây giống, con vật nuôi, hỗ trợ phương án tổ chức sản xuất... phù hợp với nhu cầu của mỗi hộ. Tránh trường hợp hộ không có đất đai lại cấp giống cây trồng; việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phải phù hợp thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu vùng miền. Tăng cường hỗ trợ khoa học- kỹ thuật cho nhân dân trong việc chăm sóc cây trồng, con vật nuôi vì hiện nay bà con vùng miền núi trồng trọt, chăn nuôi chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống, sản xuất đạt năng suất thấp, hiệu quả kém.

Cần có thêm nhóm cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ hợp tác xã, nhóm hộ gia đình vay vốn (có hỗ trợ lãi suất) để tổ chức sản xuất, mở rộng cơ sở sản xuất nhằm tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo được đào tạo nghề, có việc làm ổn định nhưng không phải đi làm ăn xa, có thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để thực hiện Đề án có hiệu quả, ngoài 6 nhóm giải pháp của Đề án cần chú trọng công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm.

Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam với vai trò nòng cốt, chủ động, phối hợp với các đoàn thể CT-XH và các tổ chức thành viên sẽ làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội trong triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách về giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận Quảng Nam với công tác giảm nghèo bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO