Bịt lỗ hổng trong luân chuyển cán bộ

Nguyên Khánh 15/10/2017 06:00

Những bức xúc về việc bổ nhiệm cán bộ “thần tốc”, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ bị kỷ luật về Trung ương, về địa phương làm lãnh đạo, sẽ không còn nữa khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ.

Luân chuyển cán bộ là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng ta được thực hiện từ nhiều năm nay và đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Nhiều cán bộ thực sự đã trưởng thành từ thực tiễn, ghi dấu nhiều thành tích tại các địa phương, đơn vị đến công tác.

Tuy nhiên nhiều điểm hạn chế của công tác này đã được bộc lộ trong thời gian qua. Tình trạng chuyển đổi vị trí công tác, “lướt qua cơ sở”, luân chuyển trong thời gian ngắn có đủ điều kiện bổ nhiệm, thăng chức, hoặc lợi dụng luân chuyển để “chèn ép” cán bộ. Thậm chí có cả việc “chạy luân chuyển”, cán bộ sau khi bị kỷ luật lại được luân chuyển sang nơi khác, thậm chí lên vị trí cao hơn… Đó là những “khoảng tối” trong công tác cán bộ, đặc biệt ở khâu luân chuyển. Thế nên, Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý mới ban hành được nhận định là kịp thời và trúng những “vấn đề rất thời sự” hiện nay.

Thực tế chứng minh, việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số nơi chưa dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch cán bộ, chưa có tiêu chí cụ thể. Việc luân chuyển nhiều khi không xuất phát từ mục đích, yêu cầu nhiệm vụ mà từ ý muốn chủ quan của một người hoặc một số cán bộ chủ chốt. Thế nên đổi mới công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng chắc chắn ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ... là yêu cầu bức thiết đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Việc Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành một quy định riêng về luân chuyển cán bộ với những quan điểm, nguyên tắc và quy trình 5 bước rõ ràng, chặt chẽ được kỳ vọng tạo sự minh bạch trong công tác cán bộ. Bởi ngoài những quy định chung, có những điểm nhấn được chú trọng như cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị. Hoặc không điều động từ Trung ương về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu… Quy định rõ ràng điều kiện, tiêu chuẩn những đối tượng luân chuyển. Kèm theo đó là việc đưa ra những nội dung cụ thể về thời gian, độ tuổi luân chuyển... Đây được xem là giải pháp quan trọng góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế lâu nay, tránh việc cảm tính, là một liều thuốc tốt để chấm dứt một số bệnh trầm kha trong công tác cán bộ.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về luân chuẩn cán bộ ra đời khi Hội nghị BCH Trung ương 6 họp và xem xét thông qua “Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” sẽ là cơ hội để các cấp ủy Đảng nghiêm túc nhìn nhận lại những tồn tại trong công tác cán bộ thời gian qua. Bởi cùng với sự cồng kềnh, còn là chất lượng cán bộ yếu kém sẽ là nguy cơ lớn với đất nước. Cùng với xây dựng các tiêu chí rõ ràng để đánh giá cán bộ luân chuyển nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng cơ chế giám sát trong - ngoài để không còn cán bộ vi phạm. Và cũng sẽ không còn những “câu chuyện đau lòng” về cán bộ có vấn đề, nhưng đã “đi” qua tất cả các khâu trong công tác cán bộ để đến những vị trí khác rồi tiếp tục vi phạm, thiếu sót nhưng vẫn “đúng quy trình” khiến dư luận bức xúc.

Với Quy định mới về công tác luân chuyển cán bộ lần này, hy vọng trong thời gian tới công tác cán bộ sẽ khắc phục được những mặt còn hạn chế, yếu kém. Chúng ta cũng kỳ vọng những bức xúc của nhân dân về những trường hợp cán bộ cụ thể sẽ được lắng xuống bởi sẽ không còn kẽ hở để cho những sự việc tương tự có thể xảy ra.
Sau đây, xin giới thiệu một số ý kiến xung quanh vấn đề này.


Ông Thang Văn Phúc


NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ THANG VĂN PHÚC:
Không “tráng men” trong luân chuyển cán bộ
Quy định mới của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, trong đó có nội dung đáng chú ý, không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu. Thực ra không phải bây giờ mới vấn đề về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý mới được đưa ra, điểm khác là vấn đề được văn bản hóa bằng quy định của Đảng. Nói như vậy để thấy đây không phải là vấn đề lâu nay chúng ta bỏ trống.

Trong công tác cán bộ, chúng ta cũng không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có những trường hợp để lọt mà người dân hay dùng từ “con voi chui lọt lỗ kim”. Cái đó là do công tác kiểm tra, kiểm soát chưa được chặt chẽ.

Trong quy định của Bộ Chính trị có nêu rõ thời gian luân chuyển cán bộ ít nhất là 3 năm đối với một chức danh cũng giúp việc luân chuyển không hình thức. Mục đích của luân chuyển cán bộ là để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm cho cán bộ để sử dụng, đề bạt họ vào vị trí cao hơn.

Đây là vấn đề vừa khoa học vừa thực tiễn. Việc luân chuyển cán bộ cần phải có thời gian để người được luân chuyển phải thực sự thực thi chức trách, nhiệm vụ ở cương vị mới, môi trường mới, đồng thời thu thập kiến thức từ hoạt động thực tiễn. Còn như người cán bộ luân chuyển chỉ làm từ một đến một năm rưỡi rồi được đưa vào vị trí cao hơn thì giống như kiểu “tráng men”. Để người cán bộ được luân chuyển thực sự thực thể hiện được khả năng thì tối thiểu phải ba năm, nếu như được cả một nhiệm kỳ (5 năm) là tốt.

Tuy nhiên ba năm cũng là quãng thời gian đủ để người được luân chuyển thể hiện khả năng trong công việc cũng như tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn để bố trí vào vị trí cao hơn.

Với quy định mới này vấn đề được kỳ vọng nhất đó là để tránh tiêu cực trong công tác cán bộ gây bức xúc trong dư luận. Nhưng đây cũng chỉ là một khâu của công tác cán bộ, muốn bịt các lỗ hổng trong công tác cán bộ tránh tiêu cực thì phải thực hiện cả những giải pháp khác. Bởi thời buổi công nghệ thông tin phát triển nhiều vấn đề đặt ra, có thể hành động tiêu cực đó được thực hiện một cách tinh vi, không gián tiếp, nhiều khi lợi ích người ta vẫn gắn lại với nhau, việc kiểm tra, kiểm soát thế nào… Để kiểm soát cần phải có các công cụ khác nữa đặc biệt phải đặc biệt coi trọng công tác giám sát.

Quy định của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý là chủ trương trong Đảng, để vận hành đồng bộ Nhà nước cũng cần phải pháp luật hóa cụ thể hơn. Khi đã có quy định cụ thể sẽ buộc người có trách nhiệm ra các quyết định bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt cán bộ phải có ý thức tuân thủ, nếu không chấp hành sẽ vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước.



Ông Lê Thanh Vân.


ÔNG LÊ THANH VÂN - ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TÀI CHÍNH NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI:
Cán bộ có uy tín mới thu phục được nhân tâm
Tôi thấy đây là quy định mới của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ thể hiện tư duy rất mới của Đảng về thưởng - phạt đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, một người đã bị kỷ luật dù vì bất cứ lý do gì, cũng không được đảm nhiệm vị trí ở nơi công tác mới vì sẽ gây phản cảm. Họ đã không còn uy tín trong con mắt đồng chí, đồng nghiệp. Cán bộ đã mất uy tín thì làm sao có thể thu phục nhân tâm của người khác nữa?

Tôi đề xuất, đối với cán bộ bị kỷ luật khiển trách thì nên hạ cấp chức vụ một bậc; còn kỷ luật từ cảnh cáo trở lên thì tổ chức không nên giao chức vụ lãnh đạo, quản lý cho người đó nữa. Người nào phạm phải những lỗi đặc biệt nghiêm trọng, thì không chỉ bị khai trừ mà còn phải truy tố trước pháp luật.

Hơn lúc nào hết, Đảng phải sử dụng có hiệu quả cơ quan tổ chức và kiểm tra, bởi đó là hai cơ quan quan trọng giúp Đảng duy trì kỷ cương và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Đây không phải chủ trương mới mà đã tiến hành qua nhiều khóa Trung ương. Tôi thấy một vấn đề quan trọng là trong khi cán bộ đi luân chuyển, cần tránh hai thái cực, hoặc là giữ gìn thận trọng chờ ngày về, hoặc là lao vào công việc thì bị hiểu lầm động cơ, mục đích.

Lần này, Bộ Chính trị ban hành quy định về luân chuyển, với một số quy định mới, khắc phục những bất cập, hạn chế từ thực tiễn. Tôi tin tưởng quy định luân chuyển lần này sẽ khắc phục được vấn đề phát sinh trong thực tế, đơn cử như lấp kín kẽ hở để không có những trường hợp về địa phương bằng “đường tiểu ngạch” như Trịnh Xuân Thanh; chọn đúng người có đức, có tài đưa đi rèn luyện, thử thách trong thực tiễn.

Tôi cho rằng, trong quá trình luân chuyển cán bộ, Trung ương cần theo dõi, giám sát chặt chẽ và can thiệp kịp thời để bảo vệ cán bộ liêm chính, thẳng thắn, tránh trường hợp bị trù dập, cản trở; có cơ chế đánh giá khách quan về đóng góp của người được đưa đi luân chuyển. Cuối cùng, phải coi cán bộ luân chuyển là người của Trung ương đưa đi đào tạo, không nên coi là cơ cấu của địa phương (như tinh thần chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp vừa qua). Theo đó, người được đi luân chuyển chỉ cần có số phiếu quá bán là đạt yêu cầu, nhất là ở địa bàn phức tạp.

Việc luân chuyển cán bộ cần phải có thời gian để người được luân chuyển thực sự thực thi chức trách, nhiệm vụ ở cương vị mới, môi trường mới, đồng thời thu thập kiến thức từ hoạt động thực tiễn. Còn như người cán bộ luân chuyển chỉ làm từ một đến một năm rưỡi rồi được đưa vào vị trị cao hơn thì giống như kiểu “tráng men”.

Luân chuyển cán bộ là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng ta được thực hiện từ nhiều năm nay và đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Việc Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành một quy định riêng về luân chuyển cán bộ với những quan điểm, nguyên tắc và quy trình 5 bước rõ ràng, chặt chẽ được kỳ vọng tạo sự minh bạch trong công tác cán bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bịt lỗ hổng trong luân chuyển cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO