Cán bộ Mặt trận cần có kỹ năng giám sát và phản biện xã hội

Quốc Định 26/07/2017 18:24

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng: Để hoạt động giám sát và phản biện xã hội được hiệu quả, cần bồi dưỡng kỹ năng giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ Mặt trận các cấp.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực với bài giảng “Thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Nằm trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2017 cho cán bộ Mặt trận cấp tỉnh, huyện của các tỉnh, thành từ Huế trở vào phía Nam, được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức tại TP HCM, ngày 26/7, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã có bài giảng quan trọng của khóa học. Bài giảng với chủ đề “Thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội (PBXH) của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, giám sát của MTTQ Việt Nam được quy định tại khoản 1, Điều 25, Luật MTTQ Việt Nam. Theo đó, giám sát của MTTQ Việt Nam là việc Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật.

Còn PBXH được quy định tại Điều 32, Luật MTTQ Việt Nam. Theo đó, PBXH của MTTQ Việt Nam là việc Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước.

Giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam không mang tính quyền lực nhà nước mà mang tính nhân dân với cơ chế là “theo dõi, phát hiện, kiến nghị”. Mục đích của giám sát và PBXH nhằm xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Kịp thời phát hiện sai sót, khuyết điểm, yếu kém, các nhân tố mới, mặt tích cực. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, hoạt động giám sát, PBXH cần bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và cơ quan liên quan.

Quá trình giám sát không làm cản trở công việc, sinh hoạt của tổ chức, cá nhân. Hoạt động giám sát phải bảo đảm công khai, khách quan, minh bạch theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Việc giám sát còn đòi hỏi có sự theo dõi đến cùng việc thực hiện các kiến nghị, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, cải tiến công tác, làm cho việc giám sát có hiệu lực và đạt hiệu quả thiết thực.

Dựa theo quy định của Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam thì đối tượng giám sát bao gồm: Hoạt động của cơ quan nhà nước, các tổ chức của Đảng, các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp, đại biểu dân cử, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.

Giám sát được thực hiện dưới ba hình thức, đó là vận động nhân dân giám sát; tham gia giám sát với Quốc hội, hội đồng nhân dân và tổ chức đoàn giám sát.

“Để hoạt động giám sát và PBXH được hiệu quả, cần bồi dưỡng kỹ năng giám sát, PBXH cho cán bộ Mặt trận các cấp; thực hiện tốt tổng hợp báo cáo kết quả giám sát và PBXH; có chương trình phối hợp cụ thể với báo, đài, các cơ quan truyền thông tạo sức mạnh công khai của giám sát và PBXH; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chế tiếp thu ý kiến, kiến nghị của MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội các cấp; quy chế tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp” - Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cán bộ Mặt trận cần có kỹ năng giám sát và phản biện xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO