Cầu nối của nhiều phong trào

Anh Tuấn 30/05/2016 06:35

Có lẽ không phải địa phương nào cũng làm được như Xuân Thiện, huyện Kim Sơn (Ninh Bình), khi bất cứ gia đình nào trong xã tổ chức chuyện vui, hay xảy ra chuyện buồn đều có mặt gần như đầy đủ lãnh đạo Đảng, chính quyền đến chung vui, chia sẻ. Người thiết lập nhịp cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân để cùng giữ vững an ninh, trật tự trong thôn xóm, phát triển kinh tế xã hội không ai khác chính là những người làm công tác Mặt trận.

Gia đình ông Quân, thôn Như Sơn, xã Xuân Thiện có nhiều con cháu học hành đỗ đạt.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế

Dân số xã Xuân Thiện chỉ có khoảng gần 3.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào theo đạo Công giáo chiếm tới 86,2%, sinh hoạt ở hai giáo xứ và 8 giáo họ. Bà con sinh sống chủ yếu bằng việc canh tác cây nông nghiệp trên tổng diện tích 357,59ha đất.

Tuy điều kiện kinh tế ở từng gia đình chưa phải đã hết khó khăn nhưng người dân sống chan hòa tình cảm giữa làng trên, xóm dưới, giữa người Công giáo và các tôn giáo khác đều không có khoảng cách. Xuân Thiện có 7 thôn, tới nay cả 7/7 thôn đều đã được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”.

Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của Chính quyền, UBMTTQ xã Xuân Thiện và các tổ chức thành viên đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập hợp xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân trong đó có đồng bào công giáo. Động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Khoảng 30% cư dân Xuân Thiện đã chuyển đổi sang trồng các loại cây dược liệu, các loại cây màu có giá trị kinh tế cao. Đến nay trên địa bàn xã hộ giàu, hộ khá tăng làm cho khoảng cách giàu - nghèo đang dần bị xóa nhòa.

Ông Phạm Đức Thảo - Chủ tịch UBMTTQ xã Xuân Thiện cho biết, các tổ chức thành viên như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên đứng ra tín chấp cho các gia đình hội viên vay tổng số vốn trên 16 tỷ đồng để sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, tín chấp phân bón, thóc giống, thuốc bảo vệ thực vật...

Từ sự nỗ lực đó, đến nay đời sống ở khu dân cư có nhiều thay đổi. 100% đường giao thông nông thôn và 85% đường nội đồng được bê tông hoá. Các công trình thuỷ lợi, thuỷ nông được củng cố, toàn xã kè được 1,5km đường trục chính và đường trục thôn, 100% các hộ có điện thắp sáng và được dùng nước sạch... Tốc độ phát triển kinh tế đạt 9,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, MTTQ xã Xuân Thiện phối hợp cùng các Ban phát triển thôn xóm tổ chức vận động đồng bào công giáo hưởng ứng cuộc vận động, đóng góp sức người, sức của đổ đường bêtông thôn xóm. Trong đó, riêng năm 2012-2013, cả xã đổ bêtông được 8,1km đường giao thông xóm.

Nhân dân hiến 2,45ha đất, đóng góp gần 4,3 tỷ đồng và trên 3.000 ngày công. Tiêu biểu, giáo họ Dũng Thuý đã tự nguyện tháo dỡ một căn nhà diện tích 69m2, (25m2 mái bằng), hiến 100m2 đất. Tiếp đó, năm 2014, cấp ủy, chính quyền, khối các đoàn thể cùng nhân dân hoàn thành chương trình dồn điền đổi thửa, giao ruộng lại cho nhân dân. Huy động nhân dân đóng góp 1,5 tỷ đồng làm thủy lợi...

Chăm lo sự nghiệp “trồng người”

Điều kiện kinh tế ở Xuân Thiện cơ bản thuần nông nên bà con nơi đây đang tập trung đẩy mạnh việc chăm lo học tập đối với lớp trẻ. Nếu như trước đây, con số học sinh vào được các trường đại học có thể đếm được trên đầu ngón tay thì những năm gần đây, bình quân có từ 10-15 em thi đỗ đại học. Ngoài ra còn có hàng chục học sinh học các trường cao đẳng, dạy nghề.

Ông Phạm Đức Thảo dẫn chúng tôi tới thăm gia đình ông Trần Văn Quân (74 tuổi, trú thôn Như Sơn, xã Xuân Thiện) là một trong những hộ đông con cháu đỗ đạt nhất. Gợi chuyện học hành của các cháu, nét mặt ông Quân trở nên tươi vui hơn bao giờ hết.

“Cơ bản, các cháu của tôi đều đã tốt nghiệp đại học. Cháu Trần Văn Duy đã tốt nghiệp đại học hiện đang làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài về mảng kiến trúc. Cháu Trần Thị Trâm, Trần Văn Lực cũng học Đại học Kiến trúc Hà Nội, cháu Trần Thị Nga đang học ở Trường Đại học Mỏ địa chất…”- ông Quân kể.

Để động viên tinh thần hiếu học đối với con em địa phương, hàng năm MTTQ xã phối hợp với các tổ chức thành viên, gia đình và dòng họ ở các khu dân cư gặp mặt, trao phần thưởng cho các cháu thi đỗ vào đại học, cao đẳng. Theo ông, Lưu Quốc Sửu - Phó Chủ tịch MTTQ xã Xuân Thiện, đối với học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, động viên đã tạo nên phong trào xã hội hoá giáo dục trong cộng đồng dân cư.

Đến nay xã đã xây dựng được Trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn I và Trường THCS cao tầng, khang trang.

Trong các phong trào hoạt động khác, 5 năm qua, toàn xã quyên góp, vận động được trên 50 triệu đồng để tặng 58 sổ tiết kiệm; hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó 20 suất quà với tổng số tiền 8 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng 5 nhà đại đoàn kết và nhà tình nghĩa. Đạt được những kết quả nêu trên không thể không nói tới vai trò của ông Phạm Đức Thảo - Chủ tịch MTTQ xã Xuân Thiện.

Những năm qua, ông Thảo đã cùng các Ban công tác Mặt trận xây dựng các mô hình Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội. Đến nay cả 7/7 Khu dân cư không có người nghiện, là xã xóa trắng được tệ nạn ma túy.

Mô hình đoạn sông tự quản tại thôn Huệ Địch được thực hiện rất tốt đã góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về môi trường để nhân rộng ra toàn xã. Tất cả 2 xứ và 8 giáo họ đều đạt xứ họ đạo tiên tiến…

Với những thành tích nêu trên, ông Phạm Đức Thảo đã được nhiều cơ quan, đơn vị từ địa phương đến Trung ương khen thưởng; trong đó ông Thảo đã hai lần được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen vào năm 2010 và 2014.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cầu nối của nhiều phong trào

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO