'Chắp cánh' cho nông nghiệp phát triển

Nhã Phương (thực hiện) 19/02/2017 08:35

Trở thành một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về xây dựng Nông thôn mới (NTM) cũng như tập trung đầu tư thành lập mới các HTX, tổ hợp tác, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, phát huy thế mạnh của hệ thống Mặt trận trong giám sát các chính sách liên quan đến nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Đó là khẳng định của ông Bùi Nhân Sâm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh với PV báo Đại Đoàn Kết.

Theo ông Bùi Nhân Sâm, trong các hoạt động giám sát về nông nghiệp - nông thôn - nông dân giai đoạn 2011 - 2016, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đã phối hợp với Ban Dân vận tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của nhân dân về tình hình, kết quả thực hiện 26 chính sách của tỉnh Hà Tĩnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM.

Trên cơ sở đó đã tiến hành phản biện việc sửa đổi, bổ sung các chính sách; đề xuất bãi bỏ, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách và tích hợp chung thành một chính sách mới trong giai đoạn 2017-2021 cho sát với điều kiện thực tế và yêu cầu phát triển của tỉnh nhà, tránh trùng lắp, chồng chéo và bị lợi dụng trong quá trình thực hiện. Kết quả thực hiện được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá rất cao.

Đây là điểm nhấn hết sức quan trọng để Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới. Tại kỳ họp cuối năm 2016, HĐND tỉnh đã họp và thông qua chính sách chung đó.

PV:Trong quá trình xây dựng nông nghiệp - nông thôn - nông dân, Hà Tĩnh cũng đã tập trung phát triển mô hình HTX kiểu mới, tổ hợp tác. Vậy tỉnh đã có chính sách hỗ trợ như thế nào để thúc đẩy nhiều hơn nữa sự phát triển của các mô hình kinh tế trên?

Ông Bùi Nhân Sâm: Chúng tôi có rất nhiều những chính sách hỗ trợ HTX, tổ hợp tác như chính sách hỗ trợ ngoài hàng rào tức là khi xây dựng các HTX, tổ hợp tác, đặc biệt là các HTX nông nghiệp sẽ hỗ trợ hạ tầng ngoài hàng rào để các HTX, tổ hợp tác có điều kiện xây dựng trụ sở, xây dựng hệ thống trang trại.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng hỗ trợ lãi suất trong vay vốn; hỗ trợ kỹ năng về nghiệp vụ cho Ban quản lý và các xã viên của HTX; hỗ trợ tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ trong xây dựng các mô hình, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt theo quy trình sản xuất hiện đại; hỗ trợ quỹ phát triển HTX và hàng năm tỉnh đều trích ngân sách để đảm bảo mỗi HTX khi thành lập mới đều được hỗ trợ vay vốn.

Có thể nói, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh xây dựng mô hình HTX gắn với xây dựng NTM đứng đầu cả nước hiện nay. Vậy, trong năm 2016, tốc độ phát triển mô hình HTX kiểu mới, tổ hợp tác được thực hiện đến đâu tại tỉnh Hà Tĩnh, thưa ông?

- Hiện nay toàn tỉnh có hơn 1.200 HTX các loại. Vừa rồi, Nghị quyết Đại hội tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 phấn đấu hàng năm mỗi xã thành lập mới ít nhất 3 HTX và 5 - 10 tổ hợp tác, ưu tiên các tổ hợp tác trong nông nghiệp - nông thôn.

Trên cơ sở Nghị quyết chung toàn tỉnh, UBND tỉnh cũng có một chương trình hành động cụ thể để hỗ trợ cho HTX. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo kinh tế tập thể của tỉnh cũng được kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động để trên cơ sở đó tập trung xây dựng, kiện toàn Liên minh HTX tỉnh để Liên minh HTX được hoàn thiện cả về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất cũng như cơ chế chính sách để Liên minh HTX, thực sự trở thành “bà đỡ” cho sự phát triển các loại hình HTX trên địa bàn tỉnh.

Vậy theo ông, nhân tố tích cực nào khiến Hà Tĩnh trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM cũng như thành lập HTX, tổ hợp tác?

- Một trong những nguyên nhân khiến tỉnh thành công trong nông nghiệp - nông thôn - nông dân như ngày hôm nay là do sự quan tâm, chỉ đạo tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Tỉnh cũng đã quán triệt sâu sắc các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể nói chung và phát triển các loại hình HTX nói riêng.

Bên cạnh đó, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thành lập các mô hình HTX, tổ hợp tác để từ đó nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác được xây dựng, hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao được nhân dân tin tưởng, tạo động lực, tiền đề để các cho các mô hình HTX khác ra đời và phát triển.

Sự khác nhau giữa mô hình HTX kiểu mới và mô hình HTX kiểu cũ cũng đã rất rõ ràng, trong quá trình hoạt động khó khăn mà HTX kiểu mới gặp phải lớn nhất là gì, thưa ông?

- Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là cơ sở vật chất và nguồn lực ban đầu để các HTX hình thành, phát triển. Khi ra đời HTX kiểu mới thì các thành viên của HTX đó tự góp vốn, tự xây dựng chương trình, kế hoạch, mô hình để sản xuất kinh doanh trong khi kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ quản lý cũng như các thành viên HTX còn hạn chế. Đó có lẽ là những khó khăn lớn nhất mà HTX kiểu mới đang gặp phải.

Trong quá trình xây dựng HTX, tổ hợp tác cũng như xây dựng NTM nói chung, ông có kiến nghị gì để mô hình HTX, tổ hợp tác phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động trong thời gian tới?

- Để HTX, tổ hợp tác phát huy hiệu quả cũng như thế mạnh của mình trước hết tỉnh cần quán triệt một cách sâu sắc các chỉ đạo từ Trung ương, Luật HTX năm 2012 đến tất cả các tổ chức thành viên, đến tất cả các tầng lớp nhân dân, đến các cấp, ngành để mọi người nhận thức được vai trò của kinh tế tập thể nói chung, mô hình HTX kiểu mới nói riêng trong phát triển kinh tế – xã hội để trên cơ sở đó cần phải có cơ chế, chính sách một cách cụ thể, tạo cơ hội cho các mô hình HTX kiểu mới được tham gia, được hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, một trong những yếu tố quyết định sự sống còn của các HTX, tổ hợp tác đó là đầu ra cho các HTX, đặc biệt là các HTX sản xuất cần phải có được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX phát huy thế mạnh và hoạt động hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Chắp cánh' cho nông nghiệp phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO