Có nên vận động bầu cử qua mạng xã hội?

Thành Luân Ảnh: Hồng Phúc 20/04/2016 11:39

“Hiện nay Luật quy định không cấm những người ứng cử vào đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và bầu cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân (ĐB-HĐND) các cấp sử dụng mạng xã hội làm kênh vận động bầu cử. Tuy nhiên từ kinh nghiệm thực tiễn thì chúng tôi cho rằng, kênh này chưa chắc có hiệu quả và những người ủng hộ trên mạng chưa chắc là những người cầm lá phiếu để đi bầu cử cho người vận động bầu cử qua mạng”.

Có nên vận động bầu cử qua mạng xã hội?

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN
trao đổi với phóng viên, biên tập viên các báo bên lề buổi tập huấn.

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQVN) nhấn mạnh như vậy tại buổi tập huấn báo chí tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 do Hội đồng Bầu cử Quốc gia phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) và Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức vào ngày 20/4 tại TP HCM.

Buổi tập huấn kỹ năng tuyên truyền về bầu cử dành cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khu vực các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Pha cho biết, cho đến thời điểm hiện nay thì Mặt trận đã tổ chức xong công tác Hiệp thương lần 3 để bàn giao cho Ủy ban Bầu cử và Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét đưa vào danh sách ứng viên chính thức.

Giải thích về cơ cấu người ứng cử là nữ thường thấp hơn so với người ứng cử nam giới, ông Pha cho biết, theo quy định thì người ứng cử thường là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

“Nhưng chúng tôi đi làm Hiệp thương, hướng dẫn các cơ quan thì thấy thực tế là người đứng đầu nhiều việc lắm. Nên chăng để cấp phó tham gia ứng cử vào ĐBQH, đại biểu HĐND vì họ có nhiều thời gian hơn để mà tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến của họ phản ánh. Cũng do thực tế nêu trên mà cũng chính là lý do mà cơ cấu đại biểu nữ thường không nhiều là vì như thế”, ông Pha giải thích.

Có nên vận động bầu cử qua mạng xã hội? - 1

Ông Nguyễn Văn Pha chia sẻ kinh nghiệm công tác Hiệp thương do MTTQ tổ chức.

Cũng theo ông Pha, kinh nghiệm vừa qua ở UBTƯ MTTQVN thì có một tổ chức rất bài bản là Tổng hội Y học Việt Nam. Các vị tại Tổng hội thì đa số làm công tác chuyên môn, khoa học thôi nhưng cái cách họ làm trong công tác chọn người ứng cử lần này thì rất bài bản, khoa học và dân chủ.

“Khi đưa ra Tổng hội để chọn người ứng cử đại diện thì những người ứng cử phát biểu chương trình hành động của mình. Các bài phát biểu này được đánh giá rất cao, tất cả đều xứng đáng, mà tổng hội thì chỉ được một người ứng cử thôi. Kết quả rất “ngang tài ngang sức”, người được 12/25, người được 13/25 phiếu. Đây là một biểu hiện của việc bầu cử rất dân chủ”, ông Pha dẫn chứng.

Đối với một số người bị loại khỏi các vòng hiệp thương thường phàn nàn là: “Cử tri tại nơi cư trú được mời có mấy chục người đến, sao đủ tính đại diện mà căn cứ vào đó loại chúng tôi khỏi danh sách?”.

Ông Pha cho rằng, đây là vấn đề của luật. Và, một khi một người nào đó không có uy tín tại nơi cư trú thì cũng không thể đại diện cho cử tri của cả một địa phương.

“Tôi cho rằng, Mặt trận chọn 55 người ở nơi cư trú đến dự các vòng hiệp thương là vừa đủ. Họ sẽ là người đánh giá xem anh (người ứng cử - PV) có hách dịch, cửa quyền hay không, có tham gia tích cực vào các hoạt động của nơi sinh sống hay không?;…”.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQVN cũng cho rằng, những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND vượt qua Hiệp thương lần 3 thường thắc mắc rằng: Có vận động bầu cử trên mạng được không?

“Theo luật thì không cấm, nhưng tôi nghĩ không có tác dụng nhiều. Vì chưa chắc những người ủng hộ trên mạng lại là những người cầm lá phiếu đi bầu cử, vì là bầu cử theo khu vực cư trú. Theo chúng tôi thì những người ứng cử nên tận dụng gặp gỡ cử tri tại các Hội nghị tiếp xúc cử tri và thứ hai là thông qua các kênh thông tin báo chí tuyên truyền về bầu cử. Đó là cách đến gần nhất với cử tri”, ông Pha chia sẻ.

Với kinh nghiệm của mình trong công tác bầu cử, ông Pha cũng chia sẻ về tình trạng đi bầu hộ, bầu giùm; ủy ban bầu cử ở các cấp có hiện tượng nể nang;… “Chúng tôi đi nhiều nơi giám sát công tác bầu cử và thấy rằng như những năm trước đây thì nhiều thanh niên rất thờ ơ với hoạt động bầu cử; cử tri nữ cũng ít quan tâm và viện lý do nấu nướng, nội trợ, đồng áng. Vì thế mà hiện tượng một người đi bầu hộ cho nhiều người là rất phổ biến. Hơn thế, nhiều ủy ban bầu cử các cấp thì cũng nể nang, để cho người đi bầu hộ, bầu giùm thoải mái”.

Một bất cập khác cũng được ông Pha chia sẻ kinh nghiệm, là hiện nay cùng một lúc cử tri phải tham gia bầu cử cả 4 cấp. Tức là, cử tri được cung cấp danh sách tiểu sử của 20 người. Cử tri cần 4 lá phiếu, không biết đọc được mấy phút, rất ít người đọc được kỹ. “Tôi công tác MTTQ nhiều năm rồi, tôi rất băn khoăn là điều kiện để cho cử tri bầu cử vẫn hết sức khó khăn”.

Có nên vận động bầu cử qua mạng xã hội? - 2

Ông Lưu Đình Phúc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Báo chí
phát biểu tại buổi tập huấn.

Tại Hội nghị, ông Lưu Đình Phúc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Báo chí nhấn mạnh, thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt việc tuyên truyền về bầu cử QH và HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, nhấn mạnh công tác lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong QH và HĐND là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân năm 2016.

“Báo chí cũng cần chủ động đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu, hoạt động chống phá bầu cử, chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân dân ta. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bầu cử; tạo sự thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong toàn xã hội, bảo đảm thực hiện thành công cuộc bầu cử”, ông Phúc nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên vận động bầu cử qua mạng xã hội?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO