Dấn ấn tiên phong

ĐĐK 28/12/2016 09:00

LTS: Năm 1941, Trung ương Đảng chủ trương xuất bản một tờ báo làm cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, phát hành rộng rãi trong các tổ chức của Mặt trận. Ngày 25/1/1942, báo Cứu Quốc số 1 – Cơ quan cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng minh ra đời. Báo Cứu Quốc ra số đầu tiên, dày 4 trang, tại làng Xuân Kỳ (Sóc Sơn – Hà Nội) do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp viết bài và phụ trách nội dung tờ báo.

Trải qua lịch sử 75 năm hết sức vẻ vang, Cứu Quốc – Giải Phóng - Đại Đoàn Kết ở thời kỳ nào cũng đứng ở vị trí tiên phong, không ngừng phát triển, trở thành tờ nhật báo lớn xứng đáng là tiếng nói của khối Đại đoàn kết dân tộc. Trong niềm tự hào và phấn khởi, kể từ số báo này, Đại Đoàn Kết trân trọng giới thiệu các bài viết hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày ra số báo Cứu Quốc đầu tiên, bằng trách nhiệm tiếp nối truyền thống vẻ vang của những người làm báo Đại Đoàn Kết hôm nay.

Trong lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam, Cứu Quốc giữ một vị trí đặc biệt trong những tháng năm đặc biệt của lịch sử dân tộc. Trong số các cơ quan báo chí hiện nay, Cứu Quốc – Đại Đoàn Kết là tờ báo ra đời từ rất sớm, do chính các nhà cách mạng nổi tiếng của Đảng trực tiếp phụ trách như Trường Chinh, Lê Quang Đạo, Xuân Thủy…Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Cứu Quốc là tờ báo đầu tiên vinh dự được đăng những bài báo của Bác Hồ. Kể từ đó cho tới năm 1955, Bác Hồ đã viết và gửi đăng trên Cứu Quốc khoảng 400 bài với nhiều bút danh khác nhau.

Trước khi Cách mạng thành công, Cứu Quốc xuất bản bí mật. Ngày 24/8/1945, tòa soạn Cứu Quốc trở về Hà Nội và lần đầu tiên Cứu Quốc ra công khai tại Hà Nội, chỉ một tuần sau báo đã xuất bản hàng ngày và trở thành tờ nhật báo lớn nhất nước hồi ấy dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh, là tờ báo hàng ngày của Đảng, Chính quyền, Mặt trận…

Trong suốt những năm chống Pháp, Cứu Quốc vẫn được xuất bản đều đặn ở nhiều địa điểm, trên chiến khu kháng chiến. Cứu Quốc chia thành Cứu Quốc trung ương và báo Cứu Quốc ở các khu, liên khu, có mối liên hệ với báo Cứu Quốc trung ương về mặt nghiệp vụ. Tờ báo có ảnh hưởng rất lớn trong lòng bạn đọc, phát hành vào vùng tạm chiếm tới mức từng có những tờ Cứu Quốc giả được thực dân Pháp phát hành nhằm đánh lừa người dân.

Sau năm 1954, Cứu Quốc từ tờ báo hàng ngày trở thành báo tuần, báo Nhân dân từ báo tuần trở thành báo hàng ngày. Các chi nhánh báo Cứu Quốc cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, chỉ còn duy nhất một tờ Cứu Quốc, đóng trụ sở tại 66 Bà Triệu, Hà Nội.

35 năm xuất hiện với tên gọi Cứu Quốc trước khi sáp nhập với báo Giải Phóng trở thành Đại Đoàn Kết ngày nay, Cứu Quốc để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ, đứng ở vị trí tiên phong trong tuyên truyền vận động nhân dân đứng lên cứu nước ở thời kỳ bí mật và trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Điều đặc biệt mà những thế hệ Đại Đoàn Kết ngày nay luôn luôn tự hào và phấn đấu tiếp nối là Cứu Quốc đã có một đội ngũ những người làm báo kỳ cựu với những tên tuổi nổi tiếng.

Rất nhiều cán bộ, phóng viên Cứu Quốc đã được phân công đi tham gia xây dựng những tờ báo khác. Như sau năm 1954, Cứu Quốc từ nhật báo trở thành tuần báo đổi vị trí cho báo Nhân Dân từ tuần báo trở thành nhật báo, Chủ bút báo Cứu Quốc Nguyễn Thành Lê và một số cán bộ đã được đưa sang báo Nhân Dân. Năm 1964 Tổng biên tập báo Cứu Quốc Trần Phong và một số cán bộ được đưa vào Nam gây dựng báo Giải Phóng – cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đến tháng 5-1975, cán bộ phóng viên báo Giải Phóng chính là những người thực hiện những số báo Sài Gòn Giải Phóng đầu tiên và gây dựng tờ Sài Gòn Giải Phóng thuộc Thành ủy TP Hồ Chí Minh…

Ngày 5/2/1977, tờ báo của Mặt trận hợp nhất từ Cứu Quốc và Giải Phóng, lấy tên là Đại Đoàn Kết ra số đầu tiên, theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tờ báo chung của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Từ Cứu Quốc – Giải Phóng đến Đại Đoàn Kết trải qua nhiều thời kỳ với những tên gọi riêng nhưng là một dòng chảy liên tục, chưa bao giờ ngừng nghỉ. Vẫn luôn luôn giữ vị trí tiên phong, bước vào thời kỳ đổi mới, Đại Đoàn Kết là tờ báo đi đầu trong sự nghiệp Đại Đoàn Kết toàn dân, trong tiến trình dân chủ và đổi mới đất nước.

Ngày 1/1/2012, sau nhiều năm là một tờ “tuần báo chính trị” (chữ dùng trong quyết định của Ban Bí thư năm 1977 về tờ báo chung của Mặt trận), Đại Đoàn Kết vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập đã trở thành tờ báo xuất bản hàng ngày, tiếp nối truyền thống Cứu Quốc xuất bản hàng ngày trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp. Có thể nói đây là mong mỏi của nhiều thế hệ những người làm báo Đại Đoàn Kết trước đó.

Ngày 18-6-2015, trong xu thế mới của thời đại công nghệ thông tin, báo Điện tử Đại Đoàn kết được phát triển trên nền trang thông tin điện tử đã chính thức khai trương. Đây là một bước tiến mới đánh dấu sự trưởng thành của tờ báo có bề dày lịch sử, bắt kịp với xu hướng thông tin của thời đại mới. Tin tức mới mẻ, hấp dẫn nhưng vẫn bám sát tôn chỉ hoạt động của tờ báo Mặt trận.Tiếng nói của Mặt trận Tổ quốc tới nhân dân, cầu nối giữa nhân dân, Đảng và Nhà nước nhanh nhạy hơn, kịp thời hơn.

Từ năm 2014, ấn phẩm Tinh hoa Việt phiên bản mới phát hành mỗi tháng 2 kỳ đã trở thành ấn phẩm được chờ đợi đối với độc giả. Bán nguyệt san Tinh hoa Việt được cải tiến mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức, hấp dẫn bởi những bài viết sâu sắc, nhân văn, độc đáo…

Khó khăn lớn nhất trong công việc làm báo hôm nay, của một tờ nhật báo xuất bản hàng ngày là áp lực thông tin, là sự cạnh tranh khốc liệt của báo chí thời kinh tế thị trường. Trong bối cảnh ấy, Đại Đoàn Kết tự hào luôn đảm bảo được sự chuẩn mực và nghiêm cẩn của một tờ nhật báo chính trị, nói tiếng nói của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, giữ gìn thương hiệu của một tờ báo lớn có truyền thống lịch sử, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấn ấn tiên phong

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO