Đoàn kết tôn giáo, chăm lo sức khoẻ cho nhân dân

Hoàng Yến - Quốc Định 19/01/2019 12:08

Ngày 19/1, tại Hội nghị biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần do UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã khẳng định tinh thần đoàn kết trong việc chăm lo sức khoẻ, cứu người của các tôn giáo.

Đoàn kết tôn giáo, chăm lo sức khoẻ cho nhân dân

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo tham gia công tác từ thiện, nhân đạo, nhất là việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các nghị quyết của Đảng như Nghị quyết số 25/2003/NQ-TW, Nghị quyết số 15/2012/NQ-TW; các nghị định của Chính phủ như Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo…đã đặt cơ sở cho các tổ chức tôn giáo tham gia sâu rộng vào hoạt động khám, chữa bệnh.

Hiện nay trên toàn quốc có 60.000 cơ sở khám chữa bệnh của các tổ chức và cá nhân tôn giáo, trong đó bao gồm các cơ sở khám chuyên khoa và cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền. Các cơ sở này đã phục vụ ước tính 710.261 lượt người khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và hầu hết là miễn phí.

Đạt được những thành công này, người đứng đầu MTTQ Việt Nam cho rằng, có 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo không ngừng được hoàn thiện và được triển khai mạnh mẽ trên thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều cho các tổ chức tôn giáo hoạt động trong các lĩnh vực nhân đạo, từ thiện, bao gồm tham gia vào giáo dục, đào tạo và khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Điều này hoàn toàn phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và tạo được sự đồng thuận và ủng hộ trong xã hội.

Thứ hai là sự phối hợp hiệu quả giữa Chính phủ, đặc biệt là Bộ Y tế, chính quyền các tỉnh, thành phố và các Sở Y tế với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc hướng dẫn về thủ tục, chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ về trang thiết bị y tế và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh và cấp thuốc từ thiện theo đúng quy định cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS v.v...

Đặc biệt các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế một cách nghiêm túc và đúng tôn chỉ, mục đích. Các cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư, trang bị và quản lý khá tốt. Đội ngũ nhân viên y tế, cộng tác viên, tình nguyện viên có chứng chỉ hành nghề phù hợp, được đào tạo từ các trường chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, nhiệt tình, hết lòng thương yêu, chăm sóc bệnh nhân, vì vậy tạo dựng được niềm tin của người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội. Nhiều tổ chức và cá nhân đã nhiệt tình ủng hộ và đóng góp công sức và tài chính cho các hoạt động đầy ý nghĩa này.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, những hoạt động này đã góp phần cùng với Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chăm lo khám, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe cho nhân dân và thực hiện tốt an sinh xã hội.

Người đứng đầu MTTQ Việt Nam cũng trân trọng gửi lời cảm ơn những nỗ lực, dấn thân của các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo và các tổ chức tôn giáo trong công tác chăm sóc, khám, chữa bệnh cho nhân dân, qua đó thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc.

Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia chăm sóc sức khỏe,khám, chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hoạt động vận động hiến mô, tạng... Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật quy định việc các tổ chức tôn giáo hoạt động trong lĩnh vực khám, chữa bệnh theo hướng cụ thể hóa, thống nhất các quy định trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân.

Bộ Y tế sớm có giải pháp khắc phục thực trạng xin cấp phép thành lập, xin cấp chứng chỉ hành nghề và các thủ tục liên quan đến hoạt động của các cơ sở còn nhiều lúng túng, vướng mắc để các cơ sở hoạt động đúng pháp luật. Đồng thời phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa các ngành, các cấp trong việc kiểm tra, hướng dẫn các hoạt động khám, chữa bệnh của các tổ chức tôn giáo.

Hiện nay tại một số địa phương, cơ sở y tế của tôn giáo vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn về chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh, thành phố, các Sở Y tế, các tổ chức tôn giáo quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ sở khám, chữa bệnh vượt qua khó khăn, phát triển theo đúng mục tiêu, tôn chỉ.

Đồng thời thực hiện việc xã hội hóa trong lĩnh vực y tế trên cơ sở chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qua đó đóng góp ngày càng nhiều và hiệu quả hơn cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đề nghị tiếp tục quan tâm tới công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tôn giáo phát triển, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các địa phương chính là điều kiện thuận lợi để các tổ chức và cá nhân tôn giáo có điều kiện tốt hơn nữa thực thi sứ mệnh của mình trong công tác chăm sóc, chữa bệnh cứu người.

Đoàn kết tôn giáo, chăm lo sức khoẻ cho nhân dân - 1

Đoàn kết tôn giáo, chăm lo sức khoẻ cho nhân dân - 2

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và Bộ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân tại Hội nghị.

Khẳng định vai trò của các Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, Mặt trận các cấp cần tiếp tục tích cực phối hợp với ngành y tế, các tổ chức thành viên, các ban, ngành chức năng và các tổ chức tôn giáo trong việc tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh.

Đặc biệt là quan tâm, hỗ trợ các cơ sở để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân, trong đó chú trọng đến người yếu thế trong xã hội để họ có điều kiện được khám, chữa bệnh và chăm sóc y tế phù hợp và kịp thời.

“Sau Hội nghị này, Ủy ban MTTQ Việt Nam và ngành y tế các cấp cần xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để tiếp tục phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình tốt, các bác sỹ, y sỹ, lương y, tình nguyện viên của các tổ chức tôn giáo trong việc tham gia chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là những người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa y tế của Đảng và Nhà nước ta”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn các tôn giáo cùng chung tay giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội để đảm bảo Tết đến với mọi người, đến với mọi nhà trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Đoàn kết tôn giáo, chăm lo sức khoẻ cho nhân dân - 3

Tại hội nghị, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Y tế đã vinh danh và tặng thưởng bằng khen cho 35 cá nhân và tổ chức tôn giáo đã có nhiều đóng góp trong các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đoàn kết tôn giáo, chăm lo sức khoẻ cho nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO