Dựa vào dân để giám sát

Tuệ Phương (thực hiện) 18/09/2017 08:15

Cần có một chế độ đối thoại, tiếp xúc giữa cán bộ, đảng viên với người dân ở nơi mình sinh sống để hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau và cùng giúp nhau tiến bộ. Đó là ý kiến của ông Lê Truyền- nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với báo Đại Đoàn Kết.

PV: Ông đánh giá như thế nào về giám sát cán bộ, đảng viên, công chức ở khu dân cư đang được thực hiện hiện nay?

Ông Lê Truyền: Bất cứ ai khi làm việc ở nơi này, nơi khác, dù chức vụ to hay nhỏ thì họ đều là người dân tại cộng đồng dân cư. Cộng đồng dân cư hết sức bình đẳng và dân chủ với nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Trong bối cảnh hiện nay rất nhiều sự việc chúng ta phải dựa vào cộng đồng dân cư để giải quyết. Nếu công tác giám sát dựa vào cộng đồng dân cư sẽ thực sự phát huy được quyền dân chủ của nhân dân vì thông qua hoạt động này mọi người có thể giám sát lẫn nhau.

Đảng ta vẫn nói cần phải có một chế độ tiếp xúc, đối thoại với nhân dân của cán bộ, đảng viên và công chức nhưng trước hết là đối thoại ở ngay nơi mình sinh sống.

Đối thoại ở đây để hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, cùng giúp nhau tiến bộ. Nếu đặt ra mục đích như thế sẽ rất đoàn kết, đi đến sự hiểu biết, gắn bó lẫn nhau, nhất là sẽ tạo ra sự đồng thuận xã hội mà đồng thuận xã hội là tiêu chí quan trọng để xây dựng xã hội hiện đại.

Việc giám sát này sẽ tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên thực hiện tốt các quy ước của cộng đồng dân cư và gương mẫu thực hiện trách nhiệm công dân ở nơi cư trú.

Giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú đang gặp khó khăn vì hiện nay nhiều cán bộ ít tham gia sinh hoạt tại cộng đồng dân cư, sống khép mình, xa rời nhân dân, thưa ông?

- Đối với việc này, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự thấy trách nhiệm của mình, thấy được vinh dự của mình là được nhân dân giám sát chứ không phải nhìn nhận giám sát là cái gì đó đen tối, không tốt đẹp. Nếu nhìn nhận như thế thì giám sát mang tính xây dựng của người dân đối với cán bộ, đảng viên lại trở nên vô nghĩa.

Muốn giám sát tốt, người dân phải xác định được quyền và nghĩa vụ của mình. Đây là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Đảng ta đã quy định người cán bộ sống phải gương mẫu, phải chịu sự giám sát của nhân dân và phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân.

Ngoài quy định cán bộ, đảng viên phải sinh hoạt thường xuyên tại cộng đồng dân cư thì mỗi dịp 18/11 - ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thì cán bộ, đảng viên phải cùng về dự sinh hoạt với người dân tại KDC nơi mình sinh sống.

Đây thực sự trở thành ngày hội để cán bộ được tiếp xúc, được đối thoại với nhân dân. Với ý nghĩa tích cực như vậy, nhân dân sẽ hưởng ứng và cán bộ, đảng viên với trách nhiệm của mình cũng sẽ thực hiện tốt hơn mọi việc.

Thời gian gần đây dư luận cho rằng có nhiều cán bộ có khối tài sản rất lớn nhưng chỉ kê khai ở cơ quan mà không kê khai ở cộng đồng dân cư cho nên người dân không biết đâu mà giám sát. Ông nhận định thế nào về việc này?

- Đảng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự trung thực trên tất cả lĩnh vực, trong đó có cả việc kê khai tài sản. Tuy nhiên, hiện nay việc kê khai tài sản còn mang tính hình thức, chưa được thực hiện quyết liệt.

Tài sản của cán bộ, đảng viên ở khu dân cư nếu cán bộ đó không kê khai đầy đủ thì người dân cũng không thể nào giám sát hết được.

Hiện nay, có rất nhiều việc mà người dân cảm thấy chưa hài lòng vì còn mang tính hình thức và nhiều việc cũng chưa được thực hiện công khai, dân chủ.

Vì vậy, yêu cầu bức thiết hiện nay là phải tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ thông qua các hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên đang sinh hoạt tại cộng đồng dân cư.

Vậy theo ông cần phải có giải pháp như thế nào để phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống Mặt trận trong giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư?

- Để làm tốt việc này, quan trọng nhất vẫn phải xây dựng được mối quan hệ nề nếp giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân và nhân dân với cán bộ, đảng viên.

Việc giám sát này được đặt ra trong bối cảnh xã hội đang dần tiến đến sự dân chủ và tiến bộ hơn, góp phần hình thành nề nếp, thói quen sinh hoạt của con người cũng như xây dựng, thúc đẩy mối quan hệ tương tác giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân.

Trong quá trình giám sát có giám sát thường xuyên nhưng cũng có lúc phải đặt ra nội dung giám sát cụ thể như vào các dịp cán bộ, đảng viên phải tiến hành kê khai tài sản hay các kỳ bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp thì vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên ở địa bàn dân cư lại trở thành một kênh giám sát quan trọng góp phần giúp Đảng, Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chính phủ và Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch về quy chế “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”.

Hoạt động giám sát này là dịp để giúp cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức trên địa bàn nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện mình quản lý, kịp thời xử lý những sai phạm, ngăn chặn và phòng ngừa những hiện tượng tiêu cực; đồng thời có hướng bồi dưỡng, xây dựng văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dựa vào dân để giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO