Dừng nhà máy gây ô nhiễm, dân vẫn bế tắc về sinh kế

Thanh Tùng 15/03/2018 08:00

Chiều 14/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) tổ chức buổi đối thoại với 340 hộ dân sống quanh 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc trên địa bàn xã Hòa Liên của huyện Hòa Vang nhằm tìm hướng ổn định sinh kế của người dân sau khi UBND TP chính thức công bố chủ trương đóng cửa 2 nhà máy gây ô nhiễm này vào đầu tháng 3 vừa qua.

Dừng nhà máy gây ô nhiễm, dân vẫn bế tắc về sinh kế

Nhà cửa của người dân Hòa Liên quanh nhà máy thép Dana Ý đã bị đập phá, chờ di dời. Ảnh Thanh Tùng.

Đây là cuộc đối thoại thứ 3 giữa đại diện chính quyền, tổ chức Mặt trận với hàng trăm hộ dân chịu ảnh hưởng ô nhiễm ở xã Hòa Liên từ cuối tháng 2/2018 đến nay.

1.500 công nhân mất việc

Như Đại Đoàn Kết đã phản ánh, sau những căng thẳng kéo dài 12 năm giữa người dân xã Hòa Liên với nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc về tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm tiếng ồn do 2 nhà máy này gây ra; từ cuối năm 2017 đến đầu tháng 2/2018 liên tục có các cuộc đối thoại giữa đại diện lãnh đạo TP với người dân nhằm tìm hướng giải quyết tích cực nhất.

Ngày 2/3 (2 ngày sau khi diễn ra cuộc đối thoại với 340 hộ dân 2 thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 chịu ảnh hưởng ô nhiễm từ nhà máy thép Dana Ý), ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tiếp tục có mặt ở xã Hòa Liên, công bố quyết định đóng cửa 2 nhà máy thép. Việc UBND TP quyết định đóng cửa ngay lập tức 2 nhà máy thép khiến lãnh đạo 2 nhà máy và hàng trăm hộ dân có mặt tại buổi họp công bố rơi vào bế tắc.

Từ năm 2006, khi TP Đà Nẵng có chủ trương mở rộng cụm công nghiệp Thanh Vinh, nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc được dời về đây. Để doanh nghiệp yên tâm lắp đặt nhà xưởng, máy móc, đầu tư cho sản xuất; cơ quan có trách nhiệm của TP Đà Nẵng lúc bấy giờ cam kết giải phóng mặt bằng, di dời dân, bố trí hành lang an toàn quanh 2 nhà máy nhằm đảm bảo không gây ô nhiễm.

Cùng thời điểm, 340 hộ dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 cũng được thông báo chủ trương di dời đến nơi ở mới, nhường lại mặt bằng cho 2 nhà máy thép. Do có chủ trương di dời nên 12 năm qua hàng trăm hộ dân xã Hòa Liên không thể đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà cửa. Nhiều hộ dân lỡ đập phá nhà cửa để di dời đến nơi ở mới cũng không còn điều kiện dựng lại nhà.

Hàng trăm ha đất đai, đồng ruộng bị ô nhiễm nặng nề, không thể sản xuất được cũng trở nên hoang hóa. Nhà cửa tạm bợ, đất đai đồng ruộng không sản xuất được; phần lớn các hộ dân chỉ còn trông chờ vào tiền lương của con em họ đang làm việc trong 2 nhà máy thép.

Việc UBND TP Đà Nẵng nhanh chóng ra quyết định đóng cửa nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc cũng đồng nghĩa với việc 1.500 con em dân cư địa phương bỗng chốc mất việc làm

Quyết định đóng cửa một cách hết sức nhanh chóng 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc gây ô nhiễm ở xã Hòa Liên cũng đặt doanh nghiệp vào hoàn cảnh hết sức bi đát bởi nguyên liệu bị tồn đọng, sản phẩm bị từ chối tiêu thụ cùng với đó là nợ lương, nợ bảo hiểm của công nhân, nợ ngân hàng. Quan trọng hơn cả là doanh nghiệp không biết đi đâu, về đâu sau quyết định đóng cửa, dừng hoạt động của UBND TP Đà Nẵng.

340 hộ dân điêu đứng

Ngày 14/3, chúng tôi trở lại thôn Vân Dương 2, chứng kiến những hệ lụy rất rõ ràng từ việc UBND TP đột ngột ra quyết định đóng cửa 2 nhà máy thép gây ô nhiễm. Dọc con đường liên thôn, bên những ngôi nhà bị đập phá dở dang hay xuống cấp; là những người dân với cái nhìn mỏi mệt, âu lo.

Khi còn lựa chọn nhà máy thép, địa phương đã chọn khu vực Hòa Liên 6 để xây dựng nơi tái định cư cho 340 hộ dân, tuy nhiên khu đất này đến nay vẫn còn là đồng ruộng. Trong khi tâm thế của 340 hộ dân hướng vào việc di dời, tránh xa nhà máy thép ô nhiễm chính quyền lại quyết định đóng cửa 2 nhà máy thép, dừng di dời dân.

Có thể nói, 340 hộ dân thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 của xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang đang ở vào một nghịch cảnh hết sức trớ trêu. Nhà cửa xuống cấp, ruộng đồng không sản xuất được, không có cơ hội chuyển đổi nghề; trong khi đó 1.500 con em các hộ dân đang lao động trong 2 nhà máy thép bỗng chốc bị mất việc làm, không tìm ra cách gì khác để có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày.

Ông Mai Xuân Thọ, trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Vân Dương 2 cho biết, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và nguồn nước đối với dân cư 2 thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2, xã Hòa Liên bắt đầu từ năm 2006 khi nhà máy thép Dana Ý chính thức đi vào vận hành.

12 năm qua, đã có rất nhiều cuộc đối thoại giữa đại diện chính quyền, chủ doanh nghiệp và người dân được tổ chức nhưng không có giải pháp tích cực nào được đưa ra. 12 năm qua, người dân kiên trì chờ đợi chính quyền tổ chức di dời 340 hộ dân đến nơi ở mới thì lại bất ngờ nhận được quyết định ngừng di dời khiến cuộc sống càng thêm bất an.

Đến cuối buổi chiều ngày 14/3, cuộc đối thoại, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của Ủy ban MTTQ huyện Hòa Vang với 340 hộ dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2, xã Hòa Liên vẫn khá căng thẳng bởi chưa thể tìm ra giải pháp khả thi về về sinh kế ổn định trước mắt cho hàng ngàn nhân khẩu ở địa phương này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dừng nhà máy gây ô nhiễm, dân vẫn bế tắc về sinh kế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO