Gánh nặng không đến từ hai vai

28/02/2016 09:30

Phụ nữ thời nào cũng vậy, đều mang trong mình đức tính yêu thương và chia sẻ nhưng nếu phụ nữ không nhận được điều tương tự thì trách nhiệm của gia đình và xã hội sẽ khoác lên họ những gánh nặng vô cùng lớn. Đặc biệt với người phụ nữ làm công tác Mặt trận như nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hà Thị Liên, gánh nặng lại càng nhân lên. 

Gánh nặng không đến từ hai vai

Bà Hà Thị Liên và người bạn đời ở quê nhà Cẩm Thủy, Thanh Hóa.

1. Tôi nghĩ mình là người may mắn khi được gặp bà Hà Thị Liên nhiều lần trong tư cách hai vai, vừa là người Mặt trận vừa là người phụ nữ của gia đình. Ở vai trò nào, bà cũng tạo ra cho người đối diện một cảm giác ấm áp nhưng thiết tha đến quyết liệt.

Cái cách bà đối diện với người khác cũng như khi bà đối diện với những khó khăn của cuộc đời. Đôi khi bạn được gọi bằng cái gì không quan trọng. Người ta có bắt tay bạn không, không quan trọng. Người ta để bạnngồi mâm nào cũng không quan trọng. Điều quan trọng là bạn ở đây và những việc mà bạn sẽ làm.

15 năm công tác ở Mặt trận, cái tên Hà Thị Liên được nhiều người biết đến khi bà gắn bó và có rất nhiều đóng góp quan trọng trong 2 cuộc vận động lớn do Mặt trận chủ trì: “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo”. Hai cuộc vận động được xem là “thương hiệu” của Mặt trận và nay được làm mới bởi cái tên: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Theo bà Liên, những kinh nghiệm quý của hai cuộc vận động này chính là tiền đề để Ban thường trực UBTW MTTQ Việt Nam phát động cuộc vận động mới. Bởi đây là những cuộc vận động hợp với lòng dân, ý Đảng. Trên cơ sở 5 nội dung của cuộc vận động, MTTQ các địa phương đã chủ động triển khai một cách thiết thực, bám sát đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ sở.

“Trong từng thời kì hoặc hàng năm, mỗi nơi đều chọn những nội dung trọng tâm để tổ chức thực hiện, làm chuyển biến rõ nét ở từng khu dân cư, tạo niềm tin cho cộng đồng. Nơi thì chọn nội dung xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người nghèo là trọng tâm; nơi thì chọn nội dung xây dựng đời sống văn hóa, chống hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm trọng tâm; lại có những nơi chọn nội dung bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội… tùy theo đặc điểm và tình hình ở địa phương mình”- bà Liên nhớ lại.

Điều bà trăn trở lúc này là những hạn chế từ 2 CVĐ này cần được rút kinh nghiệm sâu sắc trong cuộc vận động mới như tình trạng nhiều địa phương, cơ sở thực hiện còn chung chung, thiếu sáng tạo, thiếu chọn trọng tâm, trọng điểm cho nên dẫn đến việc bình bầu các danh hiệu thi đua nhiều nơi còn hình thức.

2. Hồi tưởng “một thời sôi nổi”, nhớ lại những nơi đã từng đi qua, những gương mặt đã gặp, bà Liên cho rằng, người Mặt trận phải là người không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đến với những người nghèo, những vùng gian khó…Đặc biệt, người Mặt trận phải là người biết khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau trong từng cộng đồng, từng địa phương, cơ sở.

Thấm thoắt thoi đưa, sau 15 năm cống hiến cho Mặt trận đến khi nghỉ hưu bà vẫn là thành viên trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, tham gia các hoạt động công tác của Mặt trận ở địa phương nơi cư trú, đặc biệt là ở quê nhà Thanh Hóa.

Ngay sau khi nghỉ hưu bà đã dành phần lớn thời gian để trở với mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên ở làng Ngọc , thuộc xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy tỉnh Thanh Hóa. Cẩm Thành là một xã miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống trong đó chủ yếu là người Mường, đời sống còn nhiều khó khăn. Bà bảo, cả một thời tuổi trẻ đã đi xa, ngoài 3 năm trong quân ngũ, rồi theo sự phân công của tổ chức sang làm dân vận rồi đến Mặt trận nhưng chưa khi nào hết nguôi ngoai thương nhớ quê nhà. Chỉ đến khi nghỉ hưu, bà mới thực sự được trở về.

Thế là chiều chiều, cái sân nhỏ trước cửa nhà “mẹ Thủy” (cách mà người dân tộc Mường gọi bà bằng tên của cô con gái đầu- PV) đông vui, nhộn nhịp chẳng khác nào sân nhà văn hóa thôn. Chả là “mẹ Thủy” rất hay tổ chức các hội thi cầu lông cho các cụ trong Hội người cao tuổi giao lưu thi đấu. Sáng sáng, chiều chiều lại có người tìm đến khi thì thăm nom sức khỏe khi thì nhờ “mẹ Thủy” tư vấn một số kinh nghiệm trong công việc cũng như trong đời sống. Có một điều rất thú vị mà bà chia sẻ, người dân ở đây, ai cũng biết bà nhưng phần nhiều đều không biết bà từng làm gì, ở đâu, như thế nào chỉ biết là “ở trung ương” và “hay lên tivi”. “Người dân tộc hiền lành, chất phác lắm. Họ đâu cần biết mình là ai, chức vụ ra sao, điều quan trọng là mình cư xử với họ thế nào mà thôi”- bà Liên chia sẻ.

Sự hồn hậu, chân thành của người Mường dường như chúng tôi vẫn luôn bắt gặp trong ánh mắt của bà, trong cái kẹo dúi vội vào tay những lúc công tác đường xa và ngay cả lắm khi bận rộn nhất giữa các kỳ cuộc của Mặt trận bà vẫn không quên ân cần hỏi thăm nhóm phóng viên trẻ chúng tôi, bao giờ cũng hỏi thăm sức khỏe của người thân trong gia đình rồi chia sẻ những khó khăn trong đời sống, công việc. Cho nên chúng tôi thường hay gọi Phó chủ tịch là “cô Liên”, rồi tự cho mình cái quyền “cô coi mình như con cháu trong nhà”.

3. Cuộc sống hiện đại, người phụ nữ có cơ hội thể hiện giá trị bản thân nhiều hơn. Nhiều người đã dũng cảm bước ra ngoài xã hội và trở thành những người thành đạt. Nhưng để vừa thành đạt ngoài xã hội, vừa chu toàn công việc gia đình quả thực là việc không mấy dễ dàng.

Người cán bộ Mặt trận là người làm công tác vận động quần chúng thì lại càng vất vả. Bà Hà Thị Liên rất “thấm” điều này. Trước hết, người phụ nữ ấy luôn phải nghĩ những công việc mình được giao sẽ phải thực hiện và thể hiện nó như thế nào qua hệ thống công việc của Mặt trận để tới được người dân. Bởi đã đi vận động thì phải ở góc độ quần chúng. Mà nói tới quần chúng là phải nói tới sự gần gũi, bám sát nhân dân, bám sát phong trào thì mới mong hoàn thành nhiệm vụ.

“Chính vì thế, điều mà tôi luôn tâm niệm trong suốt mấy chục năm làm công tác phong trào là không người phụ nữ nào có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình- với gia đình và xã hội- nếu như người chồng không chia sẻ” bà Liên tâm sự.

Nếu một người chồng không chia sẻ với vợ cũng như ngược lại vợ không chia sẻ với chồng chính là lúc tổ ấm không ấm nữa. Mọi trách nhiệm sẽ trở thành gánh nặng. Và chẳng ai có thể cố gắng mãi như thế. Cho nên, bà bảo, cuộc đời đã dành cho bà nhiều may mắn, trong đó là có được người bạn đời luôn ở bên cạnh và sẻ chia.

Chúng ta nói nhiều đến câu chuyện bình đẳng giới và xã hội Việt Nam đang thực hiện được điều này. Nhưng trên thực tế, bình đẳng mới chỉ ở một phía là ở các thành phố lớn. Còn ở vùng nông thôn, đặc biệt là miền núi, vùng sâu vùng xa, ngay ở quê nhà của bà câu chuyện bình đẳng đối với trẻ em gái, các cô, các chị vẫn còn nhọc nhằn lắm. Theo bà Hà Thị Liên lỗi một phần là những phong trào quần chúng để xây dựng gia đình hạnh phúc ở những nơi như thế chưa tốt.

“Hiện nay ở các khu dân cư chúng ta đều có các chi hội phụ nữ- thành viên của Ban Công tác Mặt trận. Đây là tổ chức gắn kết chị em, gắn kết với nhiều gia đình. Muốn bình đẳng giới, trước hết, các chi hội phải mạnh, các hội viên mới vững vàng” bà Liên khẳng định.

4. Tôi luôn nhớ dáng bà trong mảnh vườn nhỏ trước căn nhà ở làng Ngọc khi bà đang cùng vài người phụ nữ dân tộc Mường xới đất, trồng rau rộn ràng, tất bật không kém như khi bà đi vận động người dân xây dựng gia đình văn hóa, như những lúc lao vào bão lũ để chia sẻ với đồng bào bị thiệt hại. Khác là ở chỗ, người đàn bà mà tôi gặp ở trong khu vườn ấy, an nhiên vô cùng. Bằng cấp, chức vụ, vị trí, xuất thân không có nghĩa lý gì so với những tác động thực sự mà bà đã tạo ra đối với những người đang sống quanh mình.

Nhưng tôi cũng hiểu rằng, sau ngần ấy năm tháng, bà vẫn vậy, là người phụ nữ của gia đình, luôn mỉm cười trước mưa nắng cuộc đời, cũng là người Mặt trận chưa khi nào vơi cạn nhiệt huyết, khát khao. Và cứ thế, khiêm nhường- mạnh mẽ như cỏ cây hoa lá vẫn vươn lên trong nắng gió khắc nghiệt ở mảnh đất miền tây Thanh Hóa này.

Cho nên gánh nặng không đến từ hai vai, gánh nặng chỉ đến khi không còn sự chia sẻ.

Dạ Yến

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gánh nặng không đến từ hai vai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO