Giải bài toán sinh kế cho lao động yếu thế

Minh Hải 03/03/2017 08:00

“Thực trạng việc bảo đảm sinh kế bền vững cho nhóm lao động yếu thế tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” là chủ đề Hội thảo do Viện Công nhân và Công đoàn vừa tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, vấn đề cải thiện cuộc sống theo hướng bền vững cho nhóm lao động yếu thế được giới chuyên gia các ngành xã hội, kinh tế, giáo dục, luật “mổ xẻ” khá sát thực tế.

Lao động phổ thông nữ cần được hỗ trợ.

78% lao động chưa qua đào tạo

TS Vũ Minh Tiến-Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết: Lao động yếu thế chiếm khoảng 1/4 - 1/5 lực lượng lao động xã hội. Họ đang từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống bản thân và gia đình của họ - góp phần ổn định kinh tế - chính trị - xã hội và an sinh xã hội của địa phương và đất nước.

Tuy vậy, phần lớn họ đang gặp rất nhiều khó khăn về bảo đảm kế sinh sống lâu dài. Chúng ta có không ít chính sách nhằm tạo dựng sinh kế cho lao động yếu thế, mang lại những hiệu ứng tích cực, song cũng đặt ra vấn đề về hiệu quả, tính thiết thực và đặc biệt là bảo đảm sự bền vững về sinh kế.

Theo đó, lao động yếu thế ở đây được hiểu là yếu thế trong thị trường lao động với 5 nhóm chính:Lao động di cư; Lao động nghèo (gồm cả lao động trẻ em, là người tái hòa nhập cộng đồng); Lao động là người dân tộc ít người; Lao động là người khuyết tật và Nhóm lao động nghèo thuần túy.

Ở nhóm di cư, TS Nghiêm Thị Thủy – Viện Xã hội học cho rằng, di cư là kết quả tất yếu của công cuộc phát triển công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Tốc độ di cư lao động ngày càng tăng nhanh, đặc biệt là di cư nông thôn – đô thị và di cư tạm thời.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Thu Lan - Viện Công nhân và Công đoàn cho biết: Lao động di cư ở việt Nam chủ yếu là thanh niên, di cư từ nông thôn ra thành thị làm việc và tập trung ở các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất. Đáng chú ý là lao động di cư hầu như chưa được qua đào tạo nghề hay chuyên môn nghiệp vụ gì.

Thạc sĩ Hoàng Thị Vân Anh, Viện Công nhân và Công đoàn cung cấp thông tin: Điều tra Quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, có tới 1,75 triệu lao động trẻ em, trong đó trẻ em chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, còn lại là cac ngành dịch vụ.

Vì tuổi các em còn nhỏ, sự hiểu biết về pháp luật không có nên thường bị chủ sử dụng lao động trả lương thấp. Lao động trẻ em dưới 15 tuổi chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, từ 15-17 tuổi thì một bộ phận trẻ em chuyển dịch sang làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng.

Giải pháp nào?

Bàn về giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững cho nhóm lao động yếu thế tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến - Học viện Quản lí Giáo dục (Bộ GD-ĐT) nêu quan điểm: Về cơ bản, nâng cao vốn con người cho nhóm lao động yếu thế cần được thực hiện đồng bộ theo 3 hướng: Thứ nhất là nâng cao kiến thức, kỹ năng – Đây là hướng tốt nhất nhưng khó khăn nhất, vì đặc điểm hạn chế khá phổ biến của nhóm lao động yếu thế là thiếu chủ động, thiếu ý chí vươn lên, thiếu tinh thần tự cứu; Thứ 2 là nâng cao trình độ, kỹ năng thông qua hệ thống giáo dục và đào tạo chính quy, đảm bảo trang bị những kiến thức, kỹ năng chung – Đây là hướng rất phổ thông, là trách nhiệm chính của hệ thống giáo dục chính quy; Thứ 3 là nâng cao kiến thức, kỹ năng cụ thể: Tập huấn hướng dẫn kiến thức, kỹ năng thực sự cần thiết và phù hợp để giảm nghèo.

Bà Phạm Thị Thu Lan cho cho rằng, chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2012-2020 cần xác định rõ người lao động di cư là một trong các nhóm yếu thế cần được hỗ trợ. Do đóng góp của người lao động di cư đối với đất nước, nên lao động di cư cần được công nhận và ghi nhận trong các văn kiện chiến lược quốc gia thay vì coi lao động di cư là một hiện tượng cần kiểm soát.

Bởi vậy cần cân nhắc về lao động di cư và đặc thù cuộc sống của họ khi xây dựng chính sách pháp luật hay các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, việc làm, an sinh xã hội. Xóa bỏ các yêu cầu về hộ khẩu đối với người lao động di cư khi tiếp cận các chương trình, dịch vụ của nhà nước.

Có các chương trình bảo hiểm xã hội đặc thù cho lao động di cư ngoài chế độ hưu trí và tử tuất. Đối với người lao động phi chính thức (không có người sử dụng lao động đóng góp cho BHXH), cần có ưu đãi hơn về mức đóng góp và thụ hưởng an sinh xã hội của lao động di cư...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán sinh kế cho lao động yếu thế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO