Gió mới ở một miền nghèo

Hà Giang 16/08/2016 21:42

Trước đây, khi nói đến Tát Én, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, ghi nhận của nhiều người khi đến là sự đói nghèo. Thế nhưng ngày nay, Tát Én đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo, trở thành mô hình điểm của tỉnh, huyện.

Gió mới ở một miền nghèo

Người Dao Tát Én trồng rừng tăng thu nhập.

Trong tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Lục Yên nói riêng, Tát Én là nơi định cư thuần nhất của người Dao đỏ. Bản Tát Én có 32 hộ, 172 nhân khẩu, thế nhưng cũng đã từ rất lâu đói nghèo đã bao trùm lên toàn bộ đất này.

Tát Én nghèo đói, ngoài trình độ thâm canh, tư duy kinh tế còn trì trệ thì nguyên nhân cơ bản nhất đem lại cho đất này một sự tụt hậu đó chính là các phong tục tập quán lạc hậu. Ngày chưa được chú ý, các phong tục tập quán này được đà phát triển, vây hãm người dân, đưa cuộc sống vào vòng đói nghèo lạc hậu.

Tình trạng cưới xin thách treo nặng nề, đám ma linh đình, đàn ông là trụ cột chính nhưng thường có tập quán “nhường việc” cho phụ nữ và cánh con trẻ nên đã làm cho những thửa ruộng, đám nương không được sới cầy đúng vụ. Đồng nghĩa với việc này là cây trồng không được gieo trồng kịp thời gian, ruộng đất không được luân chuyển, hạt thóc, bắp ngô cũng ít về nhà hơn. Lương thực sụt giảm, đói nghèo đã trở thành căn bệnh thâm căn cố đế, kìm hãm người dân.

Nhiều người cứ nghĩ Tát Én sẽ mãi dừng chân ở đó. Thế nhưng thật diệu kỳ và có thể coi là may mắn cho Tát Én ấy là khi phong trào “toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được Đảng, Nhà nước đặc biệt là Mặt trận tổ quốc triển khai. Từ phong trào này đã có những “luồng gió” mới được “thổi” đến với Tát Én.

Phong trào đến, sau nhiều lần vận động và trao đổi, người dân Tát Én đã nhanh chóng nhận ra được “căn bệnh” cũng như nguyên nhân đói nghèo của mình. Ai cũng thấy việc đói nghèo là xấu hổ, muốn phát triển tinh thần cần phát triển ngay kinh tế. Tát Én rầm rộ thực hiện phong trào một cách hết sức tự nguyện và tự giác.

Người dân “nắm tay nhau” chung sức chung lòng xây dựng phong trào. Các phong trào xây dựng làng, bản, xóm thôn văn hóa được người dân cam kết và triển khai. Những phong tục tập quán được đưa ra bàn thảo, cái gì hợp với đời sống mới thì giữ lại, cái nào lạc hậu thì được người dân đồng tình loại bỏ. Các hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện sống, đặc điểm dân tộc được xây dựng.

Tục cưới xin, thách treo nặng nề bằng bạc trắng bị xóa bỏ. Nam nữ thanh niên đến độ tuổi được tự nguyện tìm hiểu nhau mà không bị can thiệp bởi cha, mẹ hay họ hàng như trước nữa. Riêng với đám ma, thay cho thủ tục kéo dài hàng tuần gây tốn kém, mất vệ sinh cũng đã được người dân thống nhất lại. Gia đình có tang, người chết chỉ được giữ lại trong nhà không quá 30 tiếng cùng thủ tục gọn nhẹ.

Song song với xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát triển kinh tế cũng được triển khai. Lúa, ngô đã được tận dụng gieo trồng làm 2 vụ, cùng với đó là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Nhờ sử dụng hợp lý quỹ đất đai, đưa giống mới và khoa học kỹ thuật, phân bón, thuốc trừ sâu vào đồng ruộng nên người dân đã chủ động và nâng cao nhanh chóng năng suất cây lương thực cho mình. Từ năng suất vỏn vẹn có 32 tạ/ha vào những năm trước thì đến nay năng suất lúa của Tát Én đã đạt tới 42 tạ/ha. Nhờ năng suất này mà hiện nay Tát Én chỉ còn 2 hộ nghèo.

Nhờ những nỗ nực này mà Tát Én đã có trên 80% số hộ đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa. Nhờ sự phát triển văn hóa, tinh thần cũng như kinh tế nên người dân Tát Én luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Với những gì đã đạt được, từ một xã nghèo, yếu kém, Tát Én đã vinh dự được bầu chọn là Làng văn hóa tiêu biểu để tham dự Hội nghị tuyên dương làng, bản, tổ dân phố văn hóa của tỉnh Yên Bái.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gió mới ở một miền nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO