‘Họp họ’ có phải báo cáo chính quyền?

Anh Vũ Ảnh: Doãn Hùng 22/03/2016 12:14

Dẫn điều 11 dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định đại diện nhà thờ dòng họ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với UBND cấp xã trước 10 ngày về các hoạt động tín ngưỡng tập trung đông người, ông Nguyễn Hữu Oanh - Nguyên Phó ban tôn giáo Chính phủ đặt vấn đề: Việc “họp họ” sao phải báo cáo?.

‘Họp họ’ có phải báo cáo chính quyền?

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình chủ trì buổi góp ý.

Ngày 22/3, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn về tôn giáo - UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức góp ý vào dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình chủ trì buổi góp ý.

Tại buổi góp ý các thành viên Hội đồng tư vấn về tôn giáo đều khẳng định qua dự thảo lần thứ 5 Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã được tiếp thu ý kiến của các cơ quan ban ngành.

Dự thảo Luật đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con, quyền công dân trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về tín ngưỡng tôn giáo và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Dự thảo có nhiều điểm mới, thông thoáng hơn, đảm bảo tốt hơn quyền tự do, tín ngưỡng của công dân.

Tuy nhiên các thành viên Hội đồng tư vấn cũng cho rằng, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay chưa rõ ràng và chồng chéo. Việc thiếu vắng một cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước đối về tín ngưỡng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát triển tự phát, lệch chuẩn của một số tín ngưỡng thời gian gần đây, lợi dụng tín ngưỡng để vi phạm pháp luật.

Theo Phó Chủ nhiệm hội đồng tư vấn về tôn giáo Trần Đình Phùng, dự thảo Luật chưa chỉ được cơ quan Nhà nước nào chịu trách nhiệm quản lý về tín ngưỡng tôn giáo. Nên chỉ rõ cơ quan nào quản lý về tôn giáo, giao trách nhiệm cụ thể cho một cơ quan chức năng quản lý về tín ngưỡng, quản lý về giáo dục, y tế trong các tôn giáo.

Về điều 47 quy định về đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo, ông Phùng cho rằng đất đai trong tôn giáo là vấn đề vô cùng nhạy cảm. Cần khẳng định Nhà nước quản lý đất đai về tôn giáo và giao quyền sử dụng đất đai cho các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng do Nhà nước công nhận.

Ông Nguyễn Hữu Oanh - Nguyên Phó ban tôn giáo Chính phủ, thành viên Hội đồng tư vấn cho rằng hiện nay chưa quản lý được hoạt động tín ngưỡng nhiều điện thờ cá nhân và không ai kiểm soát, không ai chứng minh được năng lực của họ để lập đền, lập phủ.

Dự thảo Luật cần quy định việc ứng xử của Nhà nước với những người lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để vi phạm pháp luật.

Liên quan đến điều 11 dự thảo Luật quy định đại diện nhà thờ dòng họ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với UBND cấp xã trước 10 ngày về các hoạt động tín ngưỡng tập trung đông người, ông Oanh cho rằng việc “họp họ” sao phải báo cáo với UBND cấp xã. Nhà nước không cần điều chỉnh can thiệp, quản lý đến cả việc họp của các dòng họ.

Ông Trịnh Xuân Giới - thành viên Hội đồng tư vấn đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ việc Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, quy định rõ các chính sách khuyến khích để các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hiệu quả vào các hoạt động xã hội hóa cho cộng đồng.

Nếu dự thảo Luật mở ra cho các tôn giáo tham gia vào giáo dục, y tế… là hoàn toàn có lợi cho đất nước, cho nhân dân.

Đặc biệt ông Giới đề nghị cần để cao vai trò giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong xây dựng, thực thi pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng, trong vận động nhân dân và các tín đồ tôn giáo thực hiện luật pháp. Mặt trận phải là đầu mối để đối thoại với các tôn giáo, đề xuất giải quyết những bức xúc để tạo sự đồng thuận, đoàn kết các tôn giáo.

Trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình khẳng định sẽ tập hợp những ý kiến trình Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi tới cơ quan soạn thảo

Để thực hiện chức năng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, theo Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, Hội đồng tư vấn về tôn giáo cần có văn bản đề nghị Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam có buổi làm việc, đối thoại giữa Hội đồng tư vấn và Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về dự thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo trước khi trình ra Quốc hội.

“Hội đồng cần có lộ trình xây dựng kế hoạch phân công các thành viên theo từng chuyên môn đóng góp ý kiến cụ thể cũng như mời thêm các chuyên gia của các Hội đồng tư vấn khác để tạo nên tiếng nói phản biện chặt chẽ của Mặt trận”, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Họp họ’ có phải báo cáo chính quyền?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO