Hợp tác xã kiểu mới - mệnh lệnh từ cuộc sống: Bài 1: Những ký ức vui buồn

Bài 2: Loay hoay “lột xác” 08/12/2015 09:10

Xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) kiểu mới đang là một đòi hỏi của thực tiễn. Nhằm cung cấp thêm thực tế phục vụ công tác hoạch định chính sách, tạo điều kiện phát triển mô hình kinh tế tiến bộ, từ số này báo Đại Đoàn Kết khởi đăng loạt bài xung quanh câu chuyện về HTX nông nghiệp nhìn từ Nam Định.

Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, nông dân không thể hội nhập,cần có sự liên kết.

Tính từ tháng 3/1955, khi 45 HTX đầu tiên được thành lập thí điểm ở miền Bắc, sau đó được thành lập đại trà, đến nay mô hình kinh tế này đã có lịch sử hình thành ở nước ta tròn 60 năm. Với nhiều thế hệ, ký ức về HTX thật lắm vui buồn.

Ông Nguyễn Thế Khanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế của UB MTTQ tỉnh Nam Định, kể: mới 14,15 tuổi- như hầu hết mọi người cùng trang lứa- ông đã tham gia HTX ở quê (xã Nam Hồng, huyện Nam Trực) với vai trò là lao động phụ. “Ngày đó HTX là HTX cả làng, cả xã. Vào HTX quan trọng đến mức ai đi học đại học mà hồ sơ ghi bố mẹ chưa tham gia HTX là rất gay. Thế hệ chúng tôi ăn gạo của HTX, lớn lên từ HTX, nhiều người trưởng thành từ HTX”, ông Khanh nhớ lại.

Khi đó, HTX nông nghiệp đóng vai trò là đơn vị kinh tế chủ lực ở nông thôn. Hầu hết các hộ gia đình ở đây đều đóng góp ruộng đất cùng các tư liệu sản xuất khác như trâu bò, cuốc cày, liềm hái, quang gánh…cho HTX để phục vụ việc sản xuất chung. Ở các làng quê, hầu hết công dân đến tuổi 18 đều trở thành xã viên HTX.

Các HTX khi ấy được tổ chức với nhiều quy mô khác nhau, có khi mỗi thôn có một HTX, có khi hai, ba thôn có chung một HTX, nhưng nhiều nhất là HTX toàn xã, nghĩa là mỗi xã có một HTX với số lượng xã viên lên đến vài nghìn người. Mọi công việc liên quan đến sản xuất đều do Ban Chủ nhiệm HTX chỉ đạo, tổ chức.

Dưới mỗi HTX được tổ chức thành các đội sản xuất, thường là theo lũy tre xanh. Tùy độ tuổi, sở trường, giới tính, yêu cầu thời vụ, các đội sản xuất lại tổ chức xã viên thành các tổ nhóm như tổ cày bừa, tổ cấy, tổ thủy nông, tổ chăn nuôi….Ngoài việc tổ chức sản xuất nông nghiệp tập thể, HTX khi đó còn làm chức năng quản lý một số lĩnh vực như đất đai, điện nước…

Theo ông Khanh, bản chất của HTX khi đó là xã viên đóng góp tư liệu sản xuất rồi làm thuê cho HTX và được trả công bằng hình thức tính công điểm. Trong một thời gian dài, mô hình sản xuất này đã có những đóng góp rất lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong kháng chiến chống Mỹ, không đâu khác, chính các HTX nông nghiệp đã sản xuất, gửi ra chiến trường hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm mỗi năm để nuôi bộ đội.

Khắp các làng quê, các HTX nông nghiệp ở miền Bắc khi đó luôn dương cao khẩu hiệu thi đua “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, ra sức đẩy mạnh sản xuất, làm thủy lợi, làm bèo hoa dâu, sản xuất phân hữu cơ…, với những lá cờ đầu đến nay vẫn được nhắc đến như “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”…

Với bà Trần Thị Vang ở thôn Bái Dương, xã Nam Dương (Nam Trực - Nam Định), ký ức về HTX là những lần được cùng hàng nghìn xã viên khác tham gia “chiến dịch” làm thủy lợi, đào đất, nạo vét kênh mương, vất vả nhưng rất vui; là những lần hồi hộp dắt trâu đi thi ở sân HTX; là những buổi tối rủ nhau ra sân HTX họp đội; xem kịch, xem phim. “Kho HTX”, “sân phơi HTX”, “trâu, bò HTX”, “tiếng kẻng Hợp tác”…là những hình ảnh thân quen, gắn bó với bà Vang cũng như hầu hết người dân nông thôn khi đó.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, trong một thời gian dài hoạt động theo cơ chế kinh tế quan liêu, bao cấp, mô hình kinh tế HTX nông nghiệp cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Do không gắn liền trách nhiệm, quyền lợi; cái gì cũng chung, làm chung, hưởng chung; người tích cực, nhiệt tình quyền lợi được hưởng cũng chỉ như những người chây ỳ; xuất hiện tình trạng làm ăn gian dối dẫn tới HTX không còn động lực phát triển. Hậu quả là hầu hết các HTX nông nghiệp lâm cảnh “cha chung không ai khóc”, hiệu quả sản xuất thấp; xã viên không còn gắn bó, thiết tha…

Lịch sử ghi nhận, trong cơn “bĩ cực” của phong trào HTX khi đó, một số địa phương như ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng đã thực hiện “khoán chui”, mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Đây là thực tế để trong các năm 1981, 1988 Trung ương đã lần lượt ban hành Chỉ thị 100 rồi Nghị quyết 10- những quyết sách được xem là có tính lịch sử- với sự đột phá bằng việc giao đất ổn định và quyền tự chủ sản xuất tới từng hộ nông dân. Kể từ đó, vai trò cũng như tinh thần chủ động, tích cực của các hộ nông dân được phát huy. Quyền lợi, trách nhiệm gắn liền với ruộng vườn, chuồng trại nên nông dân khắp nơi ra sức thâm canh, tăng vụ.

Những cánh đồng từ đó cũng được hồi sinh, từ chỗ chỉ đạt 5 tấn thóc/ha đã được xem là một kỳ tích, sau này nhiều địa phương đạt trên dưới 100 tấn ha/năm. Từ một nước thiếu đói, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Khi kinh tế hộ phát triển cũng là lúc vai trò của các HTX nông nghiệp trở nên mờ nhạt. Từ chỗ chỉ đạo, tổ chức mọi khâu sản xuất, hoạt động của các HTX nông nghiệp dần co lại, hầu hết chỉ còn đảm nhiệm một số khâu dịch vụ đầu vào như làm đất, thủy nông, cung cấp vật tư trong bối cảnh phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường. Sức cạnh tranh yếu, nhiều HTX đã không đủ sức hoạt động, lâm cảnh “chết mà không thể khai tử”…

Nhưng cuộc sống thì luôn biến động. Ngày nay, xu thế hội nhập đặt ra cho hoạt động sản xuất nông nghiệp những yêu cầu mới, cao hơn. Việc giao đất ổn định cho từng hộ nông dân một thời đã tạo động lực phát triển, giúp nhiều hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo giờ không còn phù hợp. Theo đó, hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, lạc hậu, thiếu sự liên kết giữa các hộ nông dân hiện nay không thể tạo ra được các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nhất là về số lượng, chất lượng và hàng loạt các yêu cầu kỹ thuật khác.

Trên thực tế, hàng triệu hộ nông dân trong nước đang phải gánh chịu nhiều sự thua thiệt; phải chịu cảnh nghèo khó trên mảnh ruộng của mình dù đã đổ xuống quá nhiều mồ hôi. Họ, được ví như những chiến binh đơn lẻ phải “đương đầu” với những tập đoàn kinh tế hùng mạnh. Muốn tồn tại, phát triển, họ phải được liên kết lại thành các “sư đoàn, binh đoàn”.

Và, vấn đề xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới với bản chất vốn có của mô hình kinh tế tiến bộ này được đặt ra; được xem là mệnh lệnh từ cuộc sống, đích cần phải đến trong quá trình hội nhập.

Trần Duy Hưng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hợp tác xã kiểu mới - mệnh lệnh từ cuộc sống: Bài 1: Những ký ức vui buồn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO