Lắng nghe dân, kịp thời giải quyết bức xúc từ cơ sở

Anh Vũ Ảnh: Quang Vinh 14/01/2019 18:42

Chiều 14/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị tổng kết việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Lắng nghe dân, kịp thời giải quyết bức xúc từ cơ sở

Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trị Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Bí Thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Điểu K’ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội.

Sinh khí mới trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Báo cáo kết quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2018, ông Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Ban chỉ đạo Trung ương cho biết, năm 2018, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) gắn với việc triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương mới ban hành, thực hiện “Năm dân vận chính quyền” năm 2018.

Theo đó, Ban chỉ đạo các cấp đã phối hợp với chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở dần đi vào nền nếp. Nhận thức về dân chủ, thực hành dân chủ và kết quả thực hiện QCDC ở từng loại hình cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực.

Hoạt động của Quốc hội, HĐND các địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch nhất là thông qua các hoạt động chất vấn và được nhân dân, cử tri đánh giá cao; công tác xây dựng pháp luật có nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, sát thực tiễn; hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, công tác tiếp dân được chú trọng, nâng cao hiệu quả.

MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tinh gọn, đa dạng, thiết thực, gần dân, hướng về cơ sở, mở rộng dân chủ, củng cố niềm tin và tạo đồng thuận trong nhân dân. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, thực chất hơn, lựa chọn những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, bức xúc, được cấp ủy, chính quyền ủng hộ; việc xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, phản biện xã hội bước đầu có hiệu quả rõ rệt, tiếp tục nhận được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương.

Các nội dung kiến nghị sau giám sát, phản biện được Chính phủ và chính quyền các cấp kịp thời có văn bản phúc đáp và chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện. Cùng với đó, MTTQ các cấp cũng chú trọng công tác giám sát ở cơ sở, quan tâm đẩy mạnh hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở địa phương.

Lắng nghe dân, kịp thời giải quyết bức xúc từ cơ sở - 1

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đều khẳng định, việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã tạo nên sinh khí mới trong phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Từ đó các đại biểu đã đưa ra giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cho thấy vai trò quan trọng của công tác dân vận chính quyền nhất là trong cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện dân chủ cơ sở dược lồng ghép vào các kế hoạch, chương trình hành động, mục tiêu của Chính phủ với sự phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, MTTQ Việt Nam. Việc đối thoại giữa cấp uỷ, chính quyền với người dân, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo quyết liệt với trên 27.000 vụ việc.

Đồng tình với các mục tiêu được đặt ra đối với công tác dân vận chính quyền trong năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tới việc tiếp tục tăng cường công khai minh bạch, thực chất trong cải cách thủ tục hành chính. Trong xây dựng chính sách pháp luật cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, MTTQ, đặc biệt là vai trò của các hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Tiếp tục khơi dậy và phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, thành công trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần vào thành tựu chung về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh của đất nước năm 2018, từ đó củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng và nhà nước.

Để việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền cần nghiêm túc lắng nghe ý kiến Nhân dân, giải quyết nhanh, kịp thời những vấn đề mà cử tri và nhân dân kiến nghị, đồng thời chỉ ra được nơi nào còn bức xúc, nơi nào còn tồn tại những vụ việc khiếu kiện đông người để đưa ra được những giải pháp cụ thể trong xử lý các vụ việc.

“Quyền làm chủ của nhân dân cần tiếp tục được khơi dậy và phát huy, việc hòa giải ở cơ sở phải có sự vào cuộc thực sự của chính quyền, MTTQ các cấp và các đoàn thể. Việc công khai minh bạch phải thể hiện tích cực ở địa phương, cơ quan và doanh nghiệp”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cần có giải pháp khẩn trương, cụ thể để triển khai hiệu quả ý kiến Kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, từ đó, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng tổ chức, từng cấp, từng ngành trong triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở.

Lắng nghe dân, kịp thời giải quyết bức xúc từ cơ sở - 2

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

“Phải đảm bảo chính quyền thực sự do dân, vì dân, người đứng đầu chính quyền phải trực tiếp tiếp dân, tránh hiện tượng ủy quyền cho các sở, ngành liên quan tham gia tiếp dân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần đảm bảo việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhân dân cần được phát huy quyền làm chủ của mình, thấy rõ quyền, trách nhiệm công dân của mình, nơi nào thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nơi đó có hiệu quả về nhiều mặt, đặc biệt là yên dân, được dân đồng tình ủng hộ.

Cùng với đó, Mặt trận các cấp cùng các tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị; tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.

“Ban soạn thảo các dự án luật cần có cơ chế lắng nghe, tiếp thu, chắt lọc các ý kiến góp ý của Hội đồng tư vấn và tổ chức thành viên của Mặt trận để khi Luật ban hành, sẽ tạo được sự đồng thuận trong nhân dân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Tập trung giải quyết những vụ khiếu kiện phức, tạp đông người

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trương Thị Mai ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2018, toàn bộ hệ thống chính trị theo chức năng nhiệm vụ của mình đã tiếp tục quan tâm chăm lo đến cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên bên cạnh những tác động tích cực, theo Trưởng ban Dân vận Trung ương vẫn còn những những vấn đề cần tiếp tục quan tâm trong quá trình cải thiện nâng cao đời sống người dân, vẫn còn một bộ phận người dân còn gặp khó khăn trong cuộc sống, khoảng cách giàu nghèo đang tiếp tục có xu hướng tăng. Cùng với đó là những vướng mắc đang còn tồn tại trong quan hệ giữa chính quyền với người dân. Những vụ việc khiếu kiện phức tạp đông người kéo dài vẫn còn những bức xúc ở một số địa bàn liên quan đến đất đai môi trường vẫn còn nổi cộm cần dành sự quan tâm trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Lắng nghe dân, kịp thời giải quyết bức xúc từ cơ sở - 3

Quang cảnh Hội nghị.

Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, cần quan tâm tạo động lực, sự đồng thuận của người dân để có thể thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Động lực đầu tiên là phát huy quyền làm chủ để người dân có thể tham gia vào quá trình phát triển một cách tự giác, tự nguyện. Người dân phải được thông tin, vận động để có thể tham gia vào quá trình này như là một chủ thể thực sự. Động lực thứ hai đó là Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị dành sự quan tâm thực sự đến cuộc sống, đến quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân.

“Nếu giải quyết tốt hai động lực là phát huy dân chủ và quan tâm đến cuộc sống thì sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân, từ đó người dân tích cực tham gia vào xây dựng khối đại đoàn kết góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định.

Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương phải đảm bảo cho người dân tham gia ban hành chính sách, trong quá trình thực thi nếu có vướng mắc thì phải tiếp tục sửa đổi sổ sung hoàn thiện dần về cơ chế để đảm bảo những ý kiến người dân đóng góp phải được được tiếp thu, phản hồi từ đó thu hút sự quan tâm của người dân.

Bên cạnh việc tạo khung pháp lý, thì việc tạo điều kiện để người dân tham gia như thế nào cũng rất quan trọng trong đó có vai trò của cơ quan dân cử, cơ quan đại diện là MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, phải tạo cơ hội cho người dân tham gia để cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát đi vào cuộc sống.

Về nhiệm vụ trong năm 2019 Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị tiếp tục tăng cường vai trò của các cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hội quần chúng, phát huy vai trò của các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư như ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở.

“Cần kết nối quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2019 với năm dân vận chính quyền, tập trung vào giải quyết những vụ khiếu kiện phức tạp, đông người người kéo dài để giải quyết những bức xúc trong nhân dân”, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị.

Một số hình ảnh Hội nghị:

Lắng nghe dân, kịp thời giải quyết bức xúc từ cơ sở - 4

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.

Lắng nghe dân, kịp thời giải quyết bức xúc từ cơ sở - 5

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu.

Lắng nghe dân, kịp thời giải quyết bức xúc từ cơ sở - 6

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu.

Lắng nghe dân, kịp thời giải quyết bức xúc từ cơ sở - 7

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu.

Lắng nghe dân, kịp thời giải quyết bức xúc từ cơ sở - 8

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu.

Lắng nghe dân, kịp thời giải quyết bức xúc từ cơ sở - 9

Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy phát biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lắng nghe dân, kịp thời giải quyết bức xúc từ cơ sở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO