Lưu giữ giá trị lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Hải Nhi 01/12/2017 17:35

Chiều 1/12, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng Đề án thành lập Bảo tàng MTTQ Việt Nam tại 46 Tràng Thi, Hà Nội”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, ý kiến của các đại biểu là cơ sở quan trọng để giúp Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam xây dựng Bảo tàng nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử MTTQ Việt Nam.


Các đại biểu tham dự.

Biểu tượng của tinh thần đoàn kết

Từ năm 2004, Đảng Đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã xây dựng và đưa phòng Truyền thống MTTQ Việt Nam đi vào hoạt động và có những đóng góp nhất định trong việc lưu giữ, bảo quản tài liệu, hiện vật và tuyên truyền về lịch sử vẻ vang của MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên với những yêu cầu đang đặt ra đối với công tác sưu tầm, lưu giữ tài liệu, hiện vật, nội dung trưng bày, công tác tuyên truyền, giáo dục của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới, quy mô của Phòng Truyền thống không thể đáp ứng, vì thế việc nâng cấp Phòng Truyền thống thành Bảo tàng MTTQ Việt Nam là cần thiết.

Do đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, việc xây dựng Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu về tuyên truyền giáo dục truyền thống, nhất là truyền thống yêu nước, đại đoàn kết dân tộc được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử, được khơi dậy, phát huy, tập hợp trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Đồng thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các bậc lão thành, cán bộ Mặt trận nhiều thế hệ và của nhân dân. Đặc biệt, với mỗi người cán bộ Mặt trận, Bảo tàng MTTQ Việt Nam vừa là niềm tự hào, vừa nhắc nhở mỗi người cần nỗ lực cống hiến hơn nữa, đóng góp sức lực, trí tuệ, tâm huyết của mình vào công tác Mặt trận để viết tiếp những trang sử vẻ vang của MTTQ Việt Nam trong thời đại mới.

“Việc ra đời của Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ là cơ hội để MTTQ Việt Nam sưu tầm nguồn tài liệu, hiện vật phong phú, quý giá hiện đang phân tán, rải rác nhiều nơi để lưu giữ, bảo quản và khai thác lâu dài. Đồng thời, Bảo tàng sẽ là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, khơi dậy ý thức cộng đồng trong mỗi người dân Việt Nam, từ đó góp phần củng cố, xây dựng niềm tin trong nhân dân, tạo thành sức mạnh vô song và tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Đáp ứng nguyện vọng của dân, cán bộ Mặt trận

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tên gọi của Bảo tàng, nội dung trưng bày của Bảo tàng, công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật và những giải pháp xây dựng Bảo tàng MTTQ Việt Nam. Theo ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam, trụ sở 46 Tràng Thi có giá trị lịch sử đặc biệt, ghi dấu hoạt động của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam trong suốt hơn 60 năm qua.

Tại đây, nhiều sự kiện quan trọng, nhiều chủ trương, quyết sách, các phong trào, các cuộc vận động lớn của MTTQ Việt Nam đã ra đời và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đây cũng là nơi ra đời của nhiều tổ chức thành viên như Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh Việt Nam đầu tiên, Hội làm vườn… Đặc biệt, trụ sở 46 Tràng Thi còn ghi dấu quá trình công tác và công lao cống hiến của 9 vị Chủ tịch Mặt trận qua các thời kỳ và giữ các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước như: Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Quang Đạo,…

Chính vì vậy, cần phải xây dựng Bảo tàng tại địa điểm 46 Tràng Thi để đáp ứng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và những cán bộ Mặt trận qua các thời kỳ.

Đề cập đến việc xây dựng đề án thành lập bảo tàng, Ths. Nguyễn Hải Ninh, Phó trưởng Phòng Quản lý bảo tàng Cục di sản Văn hóa cho biết, việc ra đời của Bảo tàng phải là nơi khách tham quan có thể tham gia vào việc hình thành nên ý tưởng của trưng bày, chia sẻ và kết nối mọi người qua các nội dung liên quan của trưng bày. Thông qua trưng bày, bảo tàng sẽ tiếp nhận những ý kiến trao đổi, các câu chuyện của cộng đồng, hiện vật hiến tặng và các ý tưởng mới do khách tham quan đề xuất làm cơ sở cho việc điều chỉnh trưng bày hiện tại và nghiên cứu, phát triển trưng bày trong tương lai.


Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Đề xuất việc tổ chức sưu tầm tài liệu, hiện vật của Bảo tàng, bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam gợi mở: Không làm sưu tầm ồ ạt, tràn lan, nhưng những hiện vật liên quan đến với bảo tàng đều phải bao hàm những ý nghĩa, giá trị riêng của nó. Làm gì và làm thế nào để mỗi người đến thăm quan có cơ hội chạm tay tới lịch sử thực sự thông qua những hiện vật gốc có giá trị được sưu tầm.

Ghi nhận ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, đây chính là cơ sở quan trọng để giúp Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam xây dựng Bảo tàng MTTQ Việt Nam tại 46 Tràng Thi, Hà Nội để lưu giữ những giá trị lịch sử của MTTQ Việt Nam qua 87 năm hình thành và phát triển. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu, thời gian tới các ban chuyên môn cần tập trung vào việc tổ chức và hoàn thiện dần việc sưu tầm tài liệu, hiện vật của Bảo tàng để việc xây dựng Đề án sớm hoàn tất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lưu giữ giá trị lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO