Mái nhà Đại đoàn kết trên Đất Tổ Vua Hùng

Anh Vũ 13/04/2019 08:00

Từ bao đời nay, Ðền Hùng đã trở thành điểm tựa tinh thần, nơi hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc. Cứ vào dịp giỗ Tổ 10/3, mỗi con dân đất Việt dù ở quê hương hay cách xa Tổ quốc đều hướng về non thiêng Nghĩa Lĩnh với tấm lòng thành kính, biết ơn.

Mái nhà Đại đoàn kết trên Đất Tổ Vua Hùng

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn công tác bên bia kỷ niệm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện cùng Đại đoàn quân tiên phong trên đường về tiếp quản Thủ đô, tháng 10/1954. Ảnh: Quang Vinh.

Những ngày cuối tháng 3, Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng hòa trong dòng người tìm về Đất Tổ dâng nén nhang thành kính tri ân công đức các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Một trong những địa chỉ mà Đoàn công tác tìm đến chính là ngôi nhà Đại đoàn kết trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Nằm ngay bên phải lối cũ của Đền Hùng, liền kề ngã ba Đền Giếng, ngôi nhà Đại đoàn kết ở giữa khuôn viên ngút ngàn cây xanh của ngọn đồi 79 mùa xuân. Ít ai biết được “lai lịch” của ngôi nhà đặc biệt này lại có nguồn gốc từ cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam tại 46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

Trong Đoàn công tác hôm ấy, có nhiều vị nguyên lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ký ức về ngôi nhà đặc biệt này vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí họ. Ông Trần Đình Phùng- nguyên Ủy viên Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết: Ngôi nhà Đại đoàn kết nằm trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng chính là phần sau của khu nhà A của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam hiện nay. Trước đây ngôi nhà gỗ này được sử dụng làm hội trường cơ quan UBTƯ MTQ Việt Nam. Tại nhà hội trường này đã diễn ra các cuộc họp của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng như các sự kiện quan trọng của Mặt trận.

Ông Trần Đình Phùng cho biết, vào khoảng đầu những năm 2000, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam có chủ trương xây dựng hội trường mới là khu nhà B hiện nay, vì vậy ngôi nhà gỗ được sử dụng làm hội trường được tiến hành tháo dỡ. Khi đó ông Trần Văn Đăng- nguyên Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề nghị chuyển toàn bộ ngôi nhà gỗ này lên Khu di tích lịch sử Đền Hùng để phục dựng thành mái nhà Đại đoàn kết. Mục đích phục dựng ngôi nhà chính là để kết nối đồng bào các dân tộc, các tôn giáo khi đến thăm viếng Đền Hùng.

Mái nhà Đại đoàn kết trên Đất Tổ Vua Hùng - 1

Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại ngôi nhà Đại đoàn kết. Ảnh: Quang Vinh.

Nắm khá rành rẽ việc phục dựng ngôi nhà đặc biệt này, ông Trần Phù Tiêu- nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ cho biết, đầu năm 2002 tỉnh Phú Thọ nhận chủ trương được Trung ương MTTQ Việt Nam chuyển cho ngôi nhà gỗ trong khuôn viên Mặt trận để phục dựng thành ngôi nhà Đại đoàn kết trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Sau khi hoàn tất các thủ tục tiếp nhận từ Trung ương MTTQ Việt Nam, ngôi nhà được tỉnh Phú Thọ bàn giao cho Ban Quản lý di tích Đền Hùng tiếp quản. Vào tháng 9/2002 dự án phục dựng ngôi nhà được khởi công với số tiền đầu tư khoảng 580 triệu đồng (thời giá khi đó). Sau gần 4 tháng thi công ngôi nhà được phục dựng nguyên vẹn từ các cấu kiện gỗ đến từng viên ngói.

Từ khi được phục dựng đến nay, ngôi nhà Đại đoàn kết là một thiết chế quan trọng của Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Hàng năm, ngôi nhà thu hút đông đảo du khách thập phương đến thăm, giao lưu văn hóa.

Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên - một ngày Giỗ Tổ như dân tộc Việt Nam. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng, hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam. Chủ trương xây dựng ngôi nhà Đại đoàn kết của UBTƯ MTTQ Việt Nam tại Đất Tổ Hùng Vương cũng xuất phát từ mục đích, ý nghĩa lớn lao là gắn kết đồng bào các dân tộc Việt Nam thành một khối thống nhất.

Và, điều đặc biệt không chỉ đến từ ngôi nhà Đại đoàn kết. Trong khuôn viên rộng khoảng 7 ha của đồi 79 mùa xuân còn có một vườn cây đại đoàn kết. Sự độc đáo ở khu vườn này chính là sự hội tụ của nhiều loài cây đặc trưng của nhiều vùng đất trong cả nước. Tại đây nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tỉnh, các tổ chức quốc tế, các đoàn, hội trong nước đã trực tiếp trồng đa dạng loài cây của ba miền Bắc, Trung, Nam. Sau gần 20 năm, hàng nghìn cây xanh của 63 tỉnh, thành, 54 dân tộc anh em đã được trồng phủ kín khuôn viên của khu nhà.

Mái nhà Đại đoàn kết trên Đất Tổ Vua Hùng - 2

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng các vị lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam trồng cây lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: Quang Vinh.

Đi dưới những tán cây xanh ngút ngàn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các vị trong Đoàn công tác đã trực tiếp khảo sát thực trạng để có phương án tu bổ, nâng cấp ngôi nhà.
Hơn 10 năm sau khi được dựng, ngôi nhà Đại đoàn kết luôn được Ban Quản lý di tích bảo quản, giữ gìn. Hiện kết cấu ngôi nhà còn chắc chắn nhưng cùng với thời gian một số hạng mục đã xuống cấp. Khuôn viên khu nhà còn thiếu các công trình phụ trợ cần thiết để có thể sử dụng đón tiếp khách.

Sau khi trực tiếp khảo sát, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ về việc tu bổ, nâng cấp ngôi nhà đại đoàn kết trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng với mong muốn đây sẽ là nơi hội tụ bản sắc văn hóa của 63 tỉnh, thành và là biểu tượng sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhấn mạnh ý nghĩa của việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định việc tu bổ, nâng cấp ngôi nhà sẽ tạo điểm đến kết nối người Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc, và kiều bào ở nước ngoài khi về với Đất Tổ Vua Hùng.

“Ngôi nhà chính là biểu tượng sinh động của khối đại đoàn kết. Đây sẽ là nơi hội tụ những sản phẩm đặc trưng của 63 tỉnh, thành phố, nơi gìn giữ bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em”- Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị tỉnh Phú Thọ phối hợp với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam hoàn thiện các thủ tục để sửa chữa, nâng cấp ngôi nhà và toàn bộ khuân viên. Việc hoàn thành công trình này sẽ có ý nghĩa thiết thực để chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Nhất trí với đề nghị của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu khẳng định, chủ trương của tỉnh Phú Thọ là phát triển kinh tế phải gắn với phát huy truyền thống văn hóa và đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.

Đối với việc tu bổ, nâng cấp các hạng mục tại khu nhà đại đoàn kết tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, ông Bùi Minh Châu khẳng định, tỉnh Phú Thọ sẽ phối hợp, tạo điều kiện để công trình sớm được hoàn thành, phát huy giá trị sử dụng trong thời gian sớm nhất. Ngôi nhà cũng chính là hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên Đất Tổ Vua Hùng.

Mái nhà Đại đoàn kết trên Đất Tổ Vua Hùng - 3

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao 5 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Quang Vinh.

* Trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình quốc gia về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”. Tỉnh Phú Thọ cũng huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc giữ gìn, sáng tạo và chuyển giao di sản, vừa nâng cao năng lực quản lý của chính quyền các cấp trong việc bảo vệ di sản để việc bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Hiện tỉnh Phú Thọ đã xây dựng các tour, tuyến du lịch, gắn di sản với du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ Hùng Vương và các di tích lịch sử thờ Vua Hùng cùng các nhân vật thời Hùng Vương trong cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mái nhà Đại đoàn kết trên Đất Tổ Vua Hùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO