Mặt trận và lòng dân

Thanh Nhàn 02/09/2016 08:32

Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước nhằm tạo sự thống nhất hành động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của địa phương… là mục tiêu mà những người làm công tác Mặt trận luôn hướng tới.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ, trò chuyện với người dân xã Gào, TP Pleiku, tháng 8/2016.

1. Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt tổ chức ngày 26/8 tại Hà Nội- thì hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, hạn chế sai phạm thất thoát sẽ góp phần làm an dân.

Báo cáo của MTTQ Việt Nam, qua hơn 3 tháng triển khai thực hiện, tổng số tiền Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã vận động được số tiền và hiện vật quy ra tiền giá trị trên 204 tỷ đồng. Từ nguồn vận động này, đã hỗ trợ được 193.726 lượt hộ gia đình bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt với số tiền trên 150 tỷ đồng; hỗ trợ 1.861 tấn gạo.

Đáng chú ý, qua hoạt động giám sát cho thấy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với nhân dân bị thiệt hại là kịp thời, đúng đối tượng, ít sai sót. Các chính sách của Chính phủ đã được thực hiện tương đối tốt như hỗ trợ gạo cho ngư dân, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ chủ tàu thuyền ngừng khai thác. Việc tiếp nhận, phân bổ sử dụng tiền hàng từ Trung ương và các tỉnh, thành phố trong nước được tiến hành công khai minh bạch, đúng đối tượng và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong thời gian vừa qua, xâm nhập mặn, hạn hán đã xảy ra ở vùng ĐBSCL, hạn hán ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và thủy hải sản chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung làm thiệt hại nặng nề cho Nhà nước và nhân dân.

Việc ký kết Chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt, đồng thời tổ chức giám sát nguồn hỗ trợ của Nhà nước đối với nhân dân bị thiệt hại do hiện tượng thủy hải sản chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung để bảo đảm sự hỗ trợ của Nhà nước kịp thời, đúng đối tượng, hạn chế những sai phạm, thất thoát đã góp phần an dân.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhận định, chính nhờ sự nỗ lực của MTTQ Việt Nam các cấp, các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội và công tác tuyên truyền đã giúp chương trình thành công. Một số giải pháp, công cụ mới được triển khai lần đầu nhưng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như chưa lập được danh sách các hộ dân, một số kinh phí chưa được chuyển về địa phương... cần được khắc phục.

Người đứng đầu MTTQ Việt Nam đề nghị thời gian tới, cần xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể và ban hành quy chế phối hợp chung trong công tác hỗ trợ, thiên tai, chuẩn bị cho 2017 và các năm tiếp theo để mỗi khi xảy ra thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, có thể chủ động triển khai hỗ trợ nhân dân, không cần ký kết lại.

Về hỗ trợ sinh kế lâu dài cho người dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành sớm triển khai việc hỗ trợ cho nhân dân; đồng thời sớm công bố vùng ngư trường đánh bắt hải sản không an toàn (nếu có) để cho người dân yên tâm đánh bắt hải sản và ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm...

2. Trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể nói HTX kiểu mới chính là khâu đột phá trong tái cơ cấu. Khẳng định vai trò của HTX trong thời kỳ mới, thời kỳ nền nông nghiệp Việt Nam cần có bước đi mạnh mẽ và vững chắc, tại buổi trao đổi chuyên đề bồi dưỡng cán bộ Mặt trận 28 tỉnh phía bắc ngày 24/8 tại Hà Nội, người đứng đầu MTTQ Việt Nam cho rằng, dù năng suất bình quân cao giúp Việt Nam trở thành nước hàng đầu thế giới trong xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh như cá tra, tiêu, điều, cà phê…, thì hiện tượng được mùa, rớt giá năm nào cũng xảy ra. Hơn nữa, người nông dân cũng thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu vốn, thu nhập thấp, bấp bênh. Xuất khẩu nông sản không ổn định về giá cả và lượng, bị động trong tiêu thụ.

Để khắc phục những hạn chế này, nông dân phải liên kết với doanh nghiệp, song DN lại không thể liên kết trực tiếp với hàng vạn hộ nông dân riêng lẻ. Thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có chứng nhận chất lượng và xuất xứ hàng hóa, song các cơ quan quản lý không thể giám sát trực tiếp hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1 ha mỗi hộ. Ngoài ra, người nông dân cần ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, song các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ khoa học-công nghệ cũng không thể hướng dẫn trực tiếp cho hàng triệu hộ riêng lẻ, diện tích canh tác thấp, nuôi trồng những loại cây, con khác nhau.

Vì những lý do trên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định “khi nào nền sản xuất nông nghiệp nước ta còn chủ yếu vẫn là các hộ riêng lẻ, không liên kết với nhau, thì 10 triệu hộ nông dân vẫn mãi là 10 triệu hộ yếu thế” và cho rằng “giải pháp cơ bản để giải quyết các mâu thuẫn này chính là thành lập các HTX kiểu mới”.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, thực tế thành lập và vận hành các HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 ở nhiều địa phương đã chứng minh các HTX này tuy chỉ có vài chục xã viên song đã thực sự giúp các hộ xã viên sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn hẳn, đặc biệt là quy hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Do đó, cần đổi mới nhận thức về vai trò, chức năng của HTX, coi xây dựng các HTX kiểu mới là khâu đột phá. HTX khi đó sẽ trở thành chủ thể để tiếp nhận các chính sách của nhà nước về quản lý sử dụng đất, về vốn, về đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, là chủ thể thực hiện liên kết hiệu quả nông dân với doanh nghiệp và các nhà khoa học.

Từ những phân tích trên, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, cần tổ chức chương trình tuyên truyền sâu rộng về Luật HTX 2012, vai trò tích cực của HTX kiểu mới để nâng cao hiệu quả sản xuất của các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể và lo đầu ra cho sản phẩm của các thành viên HTX. Việc thành lập các HTX kiểu mới là một quá trình tự nguyện của các hộ nông dân, song sự vận động, hỗ trợ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, chính quyền các cấp là rất quan trọng.

3. Quy tụ và phát huy vai trò người tiêu biểu có uy tín các dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên cũng được xem là việc làm an dân mà những người làm công tác Mặt trận đặc biệt quan tâm.

Ngày 10/8 tại Gia Lai, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết và nhắc lại những lời căn dặn của Bác Hồ: “Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Êđê, Xêđăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc của chúng ta và con cháu chúng ta”.

Khẳng định vai trò quan trọng của người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, ngày nay những cá nhân tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng, chính quyền các cấp quan tâm để phát huy vai trò của mình. Người có uy tín là những người có lợi thế được nhân dân quý trọng, người nói và nghe bằng tiếng đồng bào mình, người hiểu được lịch sử của dân tộc và địa phương mình và cũng là những người có ý thức xây dựng cộng đồng, trách nhiệm với địa phương, với đất nước.

Tuy nhiên, cũng từ thực tiễn, cần tiếp tục làm rõ khả năng và phương thức đóng góp của các cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc cũng như phát huy khả năng của bà con trong điều kiện hiện nay. Về công tác đại đoàn kết trong nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, vừa qua Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có Nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc trong thời gian tới, nhằm góp phần làm rõ cơ sở thực tiễn và hoàn thiện chính sách trong công tác của Mặt trận cũng như của Đảng, Nhà nước đối với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Lấy ví dụ tại Gia Lai, nơi có 2.064 cá nhân tiêu biểu trong số hơn 600.000 đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tính trung bình cứ 1.000 người dân tộc thì có 3 người uy tín tiêu biểu. Chủ tịch đặt vấn đề: Liệu có nên giới hạn việc công nhận bà con là người uy tín tiêu biểu hay không, giới hạn như thế nào để có cơ sở thực tiễn khoa học, phát huy vai trò người tiêu biểu trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

“Chúng ta biết ở những buôn, làng xa điều kiện đi lại thông tin khó khăn thì vai trò của người tiêu biểu vô cùng quan trọng”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đồng thời nhấn mạnh, đây chính là lực lượng nòng cốt góp phần tạo nên đoàn kết trong nhận thức, hành động, trong việc phát triển mô hình người dân tự quản, chăm lo đời sống, trật tự trị an, giữ gìn bản sắc văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận và lòng dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO