Mỗi ngôi chùa Khmer là một điểm sáng về tinh thần đại đoàn kết

Dạ Yến - Quốc Trung Ảnh: Quốc Trung 09/04/2017 11:30

Trong không khí của những ngày tết Chôl Chnăm Thmây, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu đoàn công tác về thăm và chia vui với các vị hoà thượng tại Hội đoàn kết sư sãi yêu nước và bà con đồng bào Khmer tại tỉnh Trà Vinh vào ngày 9/4.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tại chùa Kompong.

Cùng đi với đoàn có ông Đồng Văn Lâm, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh; ông Ngô Chí Cường, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh.

Trà Vinh có 7 tôn giáo chính đang hoạt động là Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hồi giáo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam và Tứ ân hiếu nghĩa.

Toàn tỉnh có 399 cơ sở thờ tự, 6.700 chức sắc tín việc và khoảng 550 ngàn tín đồ các tôn giáo chiếm 51% dân số.

Riêng Phật giáo Nam tông Khmer có 141 chùa, 3.266 vị sư và 305.000 tín đồ, phật tử.

Đặc thù của Phật giáo Nam tông Khmer là vị sư có một vị trí đặc biệt trong xã hội. Không chỉ là người hướng dẫn tín đồ, phật tử về mặt tâm linh, các vị sư Nam tông Khmer còn là người thầy giúp đỡ, hướng dẫn người dân nhiều việc trong đời sống xã hội như văn hóa, giáo dục từ đó hướng người dân - tín đồ sống hòa thuận, gương mẫu, xây dựng gia đình, xã hội lành mạnh, an vui.

Tại chùa Kom Pông, Hoà thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, bày tỏ niềm vui khi được đón đoàn công tác đúng vào dịp tết Chôl Chnăm Thmây.

Hoà thượng Thạch Sok Xane phát biểu.

Trong không khí thắm tình đoàn kết, Hòa thượng Thạch Sok Xane cho biết, những năm qua, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh đã có nhiều hoạt động góp phần vào phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Trà Vinh, nhất là trong thời điểm tỉnh chuẩn bị nhiều sự kiện chào đón 25 năm tái lập tỉnh.

Với tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật và truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh Trà Vinh đã tích cực động viên, khích lệ sư sãi, tín đồ tham gia vào các hoạt động đạo đời hài hoà.

“Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh cũng như Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh luôn thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân, động viên đồng bào Khmer chung sức chung lòng xây dựng Giáo hội phật giáo hoà hợp theo hiến chương đồng nhất, gắn bó ý chí tinh thần để xây dựng Trà Vinh ngày càng phát triển”, Hoà thượng Thạch Sok Xane nhấn mạnh.

Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hoà thượng Thạch Sok Xane khẳng định, Giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, giữ gìn bản sắc, đồng lòng cùng với đồng bào các tôn giáo khác xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh.

>> Chùm ảnh hoạt động của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tại tỉnh Trà Vinh

Trân trọng tình cảm và trí tuệ của các vị hoà thượng, các vị sư sãi trong Giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sự đồng hành của các vị hoà thượng cũng như đồng bào Khmer trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước và bày tỏ mong muốn Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh tiếp tục phát huy truyền thống của mình, động viên đồng bào chăm lo xây dựng quê hương, chăm lo chia sẻ với người nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân với các hoà thượng, thượng toạ Ban thường trực tỉnh hội, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước.

Đặc biệt, người đứng đầu Mặt trận bày tỏ mong muốn, với tấm lòng của mình, các vị hoà thượng, sư sãi sẽ phát huy trí tuệ gìn giữ văn hoá Khmer để mỗi một ngôi chùa Khmer mãi là điểm sáng về văn hoá và tinh thần đại đoàn kết.

Với những đóng góp của đồng bào Khmer trong sự phát triển của dân tộc, theo người đứng đầu Mặt trận, lễ tết Chol Chnăm Thmây đã trở thành ngày hội của không chỉ đồng bào Khmer nói riêng mà cả đồng bào các dân tộc khác tại vùng Tây Nam Bộ nói chung.

Phát huy vai trò của các nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào Khmer... để tạo sự đồng thuận trong xã hội, cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh.

Đại bộ phận người Khmer theo Phật giáo Nam tông lấy chùa làm nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần và tâm linh. Vì vậy, ngôi chùa gắn liền với người Khmer theo cả một vòng đời, từ lúc sinh ra, trưởng thành và đến lúc từ giã cõi đời.

Đặc biệt, chùa Khmer còn là nơi dạy chữ Pali và giáo lý của đạo Phật cho thanh thiếu niên Khmer tu học, để trở thành những người “tốt đời đẹp đạo”, có tri thức và đức hạnh phục vụ cộng đồng xã hội.

“Chính vì những gắn bó giữa chùa và đời sống của đồng bào Khmer, việc phát huy vai trò của các vị hoà thượng, sư sãi trong các chùa luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Trà Vinh”, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh khẳng định.

Bên cạnh trách nhiệm này, hiện nay, MTTQ tỉnh Trà Vinh đang thực hiện rất nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, trong đó tích cực thực hiện các chương trình giám sát, phản biện, các cuộc vận động như Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc với MTTQ tỉnh Trà Vinh.

Phát biểu tại buổi làm việc với Mặt trận tỉnh Trà Vinh, người đứng đầu MTTQ Việt Nam đã đặt vấn đề phải làm thế nào để trong 5 nội dung của Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" thì mỗi tổ chức đoàn thể phải có ít nhất một công trình.

Lấy ví dụ câu chuyện lâu nay người nông dân ở nhiều nơi luôn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, thường xuyên lặp lại cảnh được mùa mất giá, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các tổ chức đoàn thể phải vận động các hội viên của mình tham gia hợp tác xã.

"Muốn nghèo bền vững thì làm hộ cá thể. Muốn thoát nghèo bền vững là phải làm kinh tế hợp tác, tham gia hợp tác xã", người đứng đầu MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Kim Song Ven, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh cho biết, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Hội Nông dân đã có nhiều tích cực trong công tác tuyên truyền nông dân tham gia hợp tác xã và đặt ra vấn đề phải vận động sao cho phù hợp, ví dụ tuyên truyền với đồng bào Khmer phải nói bằng tiếng Khmer, cách vận động được thông qua các câu lạc bộ xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Kim Song Ven, trong năm 2017, Hội Nông dân tỉnh phấn đấu xây dựng 85 câu lạc bộ xây dựng nông thôn mới.

Đoàn thanh niên tỉnh Trà Vinh cũng là một trong những đơn vị tích cực trong công cuộc thành lập hợp tác xã.

Theo Bí thư Đoàn Thanh niên tỉnh Trà Vinh Huỳnh Thị Hằng Nga, việc thành lập hợp tác xã phải có nguồn lực, nhân lực của Đoàn là những người trẻ có nhiệt huyết nhưng kinh nghiệm và vốn chưa có nhiều nên việc thành lập hợp tác xã trong thanh niên, đoàn phải làm dần dần.

"Hiện Đoàn thanh niên tỉnh Trà Vinh đang có 172 tổ hợp tác và Đoàn đang phối hợp với Liên minh hợp tác xã dần chuyển đổi các tổ hợp tác này thành hợp tác xã. Trước mắt, tại các xã nông thôn mới, Đoàn Thanh niên sẽ phối hợp với Liên minh Hợp tác xã nâng các tổ hợp tác thành hợp tác xã theo nghị quyết của Tỉnh uỷ", chị Hằng Nga nhấn mạnh.

Đánh giá cao những công trình của thanh niên trong thời gian qua, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, việc thành lập hợp tác xã cần nguồn lực nhất là nhân lực nhiều kinh nghiệm - giám đốc Hợp tác xã - không phải là chuyện dễ dàng với tuổi trẻ. Tuy nhiên, hiện nay Đoàn Thanh niên tỉnh Trà Vinh lại có một lợi thế đáng quý là 172 tổ hợp tác. Đây chính là tiền đề vô cùng thuận lợi để thành lập hợp tác xã.

"Đoàn thanh niên cần phối hợp với Liên minh hợp tác xã phấn đấu, trong năm nay, thành lập được ít nhất 2 mô hình hợp tác xã tại 2 xã nông thôn mới để làm điểm", người đứng đầu Mặt trận nhấn mạnh.

Quang cảnh buổi làm việc.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Mặt trận Trà Vinh cần phải triển khai ngay chương trình hiệp thương với các tổ chức, đoàn thể, trong đó quy định rõ, ở cấp tỉnh làm gì, cấp xã làm gì trong việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và định hướng thành lập hợp tác xã.

Mặt trận Trà Vinh hiện đang tập trung hàng đầu cho Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh", theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, đến hết quý 2, Mặt trận Trà Vinh cần định hình rõ để cấp xã phải biết được sẽ phải làm gì, có công trình như thế nào.

"Trong việc định hướng đi lên hợp tác xã, sau khi hiệp thương, các tổ chức đoàn thể phối hợp với liên minh hợp tác xã tận dụng tối đa những nguồn lực của tỉnh. Đặc biệt tận dụng đội ngũ nhân lực 80 kỹ sư mà tỉnh đã đưa về các xã", người đứng đầu Mặt trận nhấn mạnh.

Đối với công tác giám sát phản biện, cụ thể là hai việc giám sát: An toàn thực phẩm và môi trường, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Trà Vinh nên chọn môi trường làm trước. Vì hiện nay, môi trường đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, không chỉ riêng Trà Vinh.

Riêng về vấn đề thực hiện Nghị quyết trung ương 4 (khoá XII), Mặt trận Trà Vinh không chỉ có vai trò gương mẫu đi đầu mà cùng với báo chí kiến nghị chính quyền xử lý nhưng sai phạm báo chí nêu, những vấn đề cử tri kiến nghị liên quan đến địa phương.

"Khi báo chí phản ảnh, Mặt trận phải vào cuộc. Mặt trận không thể nguội lạnh trước những quyền lợi chính đáng của nhân dân bị xâm phạm và thay mặt nhân dân giám sát hoạt động của chính quyền và hoạt động của cấp uỷ", Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Cũng theo người đứng đầu Mặt trận, Nghị quyết Trung ương 4 không chỉ triển khai trong Mặt trận nói riêng mà còn cơ hội để Mặt trận huy động sự tham gia giám sát của các tổ chức chính trị- xã hội.

Cũng nhân dịp này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác đã đến thăm và chúc tết Chol Chnăm Thmây 2 gia đình người Khmer tiêu biểu tỉnh Trà Vinh: Ông Lâm Phú, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi và Trung tướng Sơn Cang, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an.

Ông Đồng Văn Lâm, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu.

Ông Đồng Văn Lâm, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh:

Sẽ phát hành sách về hợp tác xã bằng tiếng Khmer

Trong việc xây dựng nông thôn mới, hiện nay tỉnh đã xây dựng xong bộ tiêu chí về gia đình văn hoá gắn với nông thôn mới để khi xét thì xét chung một danh hiệu. Cũng trong thời gian tới sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục biên soạn cuốn sách về Phát triển Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, khâu đột phá để cơ cấu lại nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân bằng tiếng Khmer để đồng bào Khmer có điều kiện hiểu hơn về hợp tác xã và tích cực tham gia các tổ hợp tác, tham gia hợp tác xã kiểu mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỗi ngôi chùa Khmer là một điểm sáng về tinh thần đại đoàn kết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO