Ngăn chặn suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa': Phát huy vai trò của nhân dân

Nguyên Vũ 12/05/2018 07:30

Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành “Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (Quyết định số 99) và Quy định ngày 2/2/2018 về “Giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”(Quy định số 124).

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ nhân dân tự quản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư và nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên và phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Quá trình triển khai, thực hiện tổ chức Mặt trận các cấp cần chủ động phối hợp chặt chẽ và sự tham gia tích cực của các cơ quan liên quan; các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam; không làm cản trở hoặc ảnh hưởng đến công việc của các tổ chức, sinh hoạt của các cá nhân, gia đình người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Ban Thường trực đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tuyên truyền để nhân dân nắm rõ nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng; nhận diện đúng 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa; 19 điều quy định đảng viên không được làm; các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI, khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; về một số vấn đề cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; các chủ trương, chính sách, quy chế, quy định để thể chế hóa, cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Tuyên truyền về những nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết; những nội dung góp ý và giám sát của nhân dân; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng đối với các nội dung này. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp Mặt trận, đoàn thể trong thực hiện Quyết định số 99 và Quy định số 124 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, phát huy vai trò của chủ thể giám sát, góp ý. Tổ chức phổ biến, quán triệt Quyết định số 99 và Quy định số 124 đến cán bộ Mặt trận, đoàn thể và nhân dân; tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí; phân công lãnh đạo, cán bộ thường trực giải quyết thông tin phản ảnh, góp ý của nhân dân. Thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực hiện vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức mặt trận các cấp chủ động triển khai thực hiện các hình thức giám sát của Mặt trận như: Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thực hiện việc giám sát các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; giám sát việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên.

Triển khai, thực hiện các nội dung và hình thức góp ý đối với cấp ủy, tổ chức đảng và góp ý đối với cán bộ, đảng viên theo quy định tại Quyết định số 99 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Khi góp ý đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thuộc cấp nào MTTQ Việt Nam cấp đó có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên được góp ý tiếp nhận, tiếp thu, giải trình trực tiếp thông qua tiếp xúc, đối thoại hoặc bằng văn bản thông qua MTTQ Việt Nam. Các ý kiến chưa giải đáp được ngay, yêu cầu ghi nhận, tiếp thu và hẹn thời gian trả lời cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa': Phát huy vai trò của nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO