Nhớ lại cuộc tôn vinh hàng Việt

Đăng Ngọc 29/12/2016 10:50

Báo Đại Đoàn Kết từng tổ chức nhiều hoạt động xã hội như Liên hoan con cháu hiếu thảo toàn quốc, Hội thi bơi người cao tuổi toàn quốc, Top ten ca nhạc... Nhưng có lẽ cuộc bình chọn “Top ten hàng Việt Nam được ưa thích nhất” có tác động xã hội sâu sắc và có sức sống bền lâu hơn cả.

Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày ra đời báo Cứu Quốc - giải phóng - Đại Đoàn kết (25/1/1942 – 25/1/2017)

Hội chợ Hàng nội vào dinh.

Vạn sự khởi đầu

Khoảng thời kỳ những năm sau 1990, hàng ngoại tràn vào Việt Nam khiến hàng tiêu dùng Việt Nam lép vế. Năm 1992, báo Đại Đoàn kết chủ trương tổ chức bình chọn “10 nhãn hàng tiêu dùng Việt Nam được ưa thích nhất” bắt đầu từ ngày 15/11/1992 tới ngày 30/1/1993, trao giải vào đầu tháng 3/1993.

Phiếu dự thi đánh số từ 1 đến 10, tên, địa chỉ người dự thi. Bạn đọc chỉ việc điền nhãn hàng mà mình ưa thích rồi cắt phiếu gửi về Tòa soạn 176 Võ Thị Sáu, Q3, TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi hồi hộp mong chờ phản hồi từ bạn đọc...

Kết quả thật bất ngờ! Có ngày Tòa soạn nhận được gần 100 thư. Thư tham dự cuộc thi chất đầy một góc phòng của báo.

Khi chúng tôi thông báo kết quả tới các nhãn hàng được chọn vào Top ten, doanh nghiệp nào cũng thảng thốt: “Sao báo Đại Đoàn Kết lại có cuộc thi đặc sắc đến vậy, một hình thức tiếp thị cho doanh nghiệp thật độc đáo?”. Lễ trao giải thật tưng bừng.

Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Thạch, do bận công tác nên không vào dự, rất may, có nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân- tác giả của “Sống như anh”) vào công tác phía Nam cùng tới dự và trao giải cho bạn đọc.

Nhiều giám đốc doanh nghiệp lọt vào bảng sắp hạng phát biểu trong Lễ trao giải đều khen và động viên chúng tôi tiếp tục cuộc thi này và hứa sẽ phấn đấu làm ra nhiều mặt hàng chất lượng để giữ danh hiệu này vào năm sau. Sức lan tỏa của cuộc thi càng mạnh hơn khi nhiều tờ báo của TP Hồ Chí Minh tới đưa tin.

Những năm sau đó, các doanh nghiệp và bạn đọc cứ gọi vắn tắt cuộc thi của báo là “Top ten hàng Việt Nam”.

Trên những cái áo thun của cán bộ, công nhân viên một vài công ty lọt vào Top ten cũng ghi dòng chữ mang tính tự hào “Top ten hàng Việt Nam”.

Năm 1995 báo Sài Gòn tiếp thị mới tổ chức các cuộc thi bỏ phiếu bình chọn cho hàng Việt qua cắt phiếu in trên báo.

Rồi Thời báo kinh tế Việt Nam cũng bình chọn với tên gọi Giải rồng vàng, chuyên cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, một vài báo khác cũng tổ chức hình thức này nhưng có cải tiến.

Tới “hàng nội vào Dinh”

Để phát huy kết quả cuộc thi, năm 1996, báo tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam lọt vào Top ten tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Tổng Biên tập giao cho tôi (lúc đó được cử vào phụ trách Ban Đại diện phía Nam) và anh Nguyễn Chính, thường trú tại Khánh Hòa thực hiện Hội chợ lần thứ nhất.

Làm sao để hội chợ gây được tiếng vang? Câu hỏi đó cứ trăn trở mãi trong tôi. Lúc đầu chúng tôi dự định mời đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Thương mại, Mặt trận Tổ quốc - cơ quan chủ quản của báo vào dự và có phát biểu khai mạc, nhưng sau đó có vài ý kiến bảo “thôi”, vì làm lần đầu, chuẩn bị chưa tốt mà mời cấp cao tới dự e không thuận lắm.

Tôi trao đổi với anh Dương Đức Quảng, Giám đốc Trung tâm báo chí Văn phòng Chính phủ về cuộc thi của báo sau 4 năm tổ chức và mong muốn Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người khởi xướng phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” (sau này mới bổ sung hai chữ “ưu tiên” vào cụm từ trên) có bức thư gửi Hội chợ nhằm động viên các doanh nghiệp nước nhà sản xuất nhiều hàng hóa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, góp phần cạnh tranh với hàng ngoại.

Anh Quảng nói: “Về thảo đi rồi tôi sẽ trình Thủ tướng”. Tôi ngồi thâu đêm thảo bức thư và gửi tới anh, ngay hôm sau anh Quảng đã gọi tôi và nói “Thủ tướng ký rồi đấy” lên lấy thư nhé!”.

Bức thư có đoạn: “ Việc tổ chức hội chợ này là sáng kiến hay của báo Đại Đoàn Kết, rất đáng biểu dương.

Trong những năm gần đây, cuộc cạnh tranh hàng nội, hàng ngoại xảy ra rất quyết liệt. Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam mạnh lên, làm chủ được thị trường Việt Nam, luôn luôn là mong ước của Nhà nước, của người tiêu dùng Việt Nam. Cuộc hội chợ mà các đồng chí tổ chức là hình thức biểu dương, là sự tập hợp các doanh nghiệp quốc doanh và các thành phần kinh tế khác làm ăn có hiệu quả, tạo ra những sản phẩm được người tiêu dùng nước ta ưa thích. Đó là sự cổ vũ lớn lao cho chương trình Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam mà Chính phủ kêu gọi từ lâu, đồng thời đó cũng là một trong những biện pháp hiệu quả nhất chống lại được một số hàng nhập lậu...”.

Bức thư dưới ký tên Võ Văn Kiệt, được phóng to, lồng vào khung kính, đặt giữa hội chợ. Ông Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, được sự ủy nhiệm của Văn phòng Chính phủ đọc trong ngày khai mạc, 29/8/1996.

Những năm sau đó báo tổ chức các hội chợ ở Huế, Hải Phòng và 3 lần tổ chức “Hàng nội vào Dinh”- hội chợ hàng Việt Nam tại Dinh Thống Nhất - đều được các doanh nghiệp ủng hộ nhiệt tình và mang lại kết quả rất tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ lại cuộc tôn vinh hàng Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO