Những kỷ niệm một thời

Hàn Minh 06/01/2017 07:35

Có mặt ở Hà Nội chiều ngày 5/1, những nhà báo lão thành gắn bó với báo Đại Đoàn Kết nhiều năm qua bồi hồi nhớ lại kỷ niệm về một thời kỳ gian khó mà vẻ vang của tờ báo Mặt trận.

Mặc dù vừa trải qua một chặng đường bay hai giờ đồng hồ mới đặt chân lên mảnh đất Thủ đô lịch sử nhưng nhà báo Lê Quang Trang, nguyên Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết cho biết mình không hề cảm thấy mệt mỏi. Ngược lại, là niềm phấn khởi, hạnh phúc khi được sống trong không khí se lạnh của mùa đông miền Bắc nhưng ấm áp tình người, tình đồng nghiệp. Ông chia sẻ, mặc dù cuối năm công việc bộn bề nhưng đây là ngày hội lớn của những người làm báo Mặt trận, 75 năm mới có một lần duy nhất nên dù bận mấy cũng phải gác lại hết để tham gia.

“Ấn tượng sâu sắc mãi trong tôi về thời kỳ làm báo Đại Đoàn Kết chính là sự nhiệt tình trong công việc của các bạn phóng viên. Khi được Ban biên tập giao nhiệm vụ, bất kể ngày đêm, điều kiện khó khăn đến đâu phóng viên vẫn luôn xông xáo lên đường và có mặt ở tuyến đầu để chuyển những tin bài nóng nhất cho tờ báo. Chính vì vậy, mặc dù với số lượng phóng viên không nhiều nhưng Đại Đoàn Kết trước đây và cả bây giờ vẫn luôn được độc giả dành nhiều tình cảm. Nhất là hiện nay, khi trở thành nhật báo với nhiều phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, để độc giả khắp mọi miền đất nước nhớ và yêu mến tờ báo thì không có cách nào khác thông tin phải thời sự, trung thực, nhạy cảm - nhà báo Lê Quang Trang nhắn nhủ.

Trong câu chuyện với nhà báo Phương Hà, một trong hai phóng viên chiến trường của báo Đại Đoàn Kết (cùng với nhà báo Thái Duy), ông bảo đời mình chỉ có hai nghề là đánh giặc ngoại xâm và làm báo.

Ông đã viết hàng ngàn bài báo, trong đó có những bài báo để lấy được thông tin thì vô cùng nguy hiểm, gian khổ. Chẳng thế mà khi mới về Báo Giải Phóng, ông được Chủ nhiệm Trần Bạch Đằng, Tổng biên tập Nguyễn Văn Khuynh khen chịu đi chiến trường, chịu viết, viết khá. Ông cũng là một trong số ít nhà báo bị bắt giam vào tù, sau đó được thả ra…

“Khi hoà bình lập lại, tôi được ông Ngọc Thạch khi đó là Tổng biên tập giao mảng đề tài chống tiêu cực cũng không kém phần nguy hiểm, gai góc… Đó là những ngày tháng không thể nào quên với tôi cũng như những ngày tháng nếm mật, nằm gai làm báo, viết báo ở trong rừng. Đến bây giờ, 72 tuổi tôi vẫn đam mê làm báo, viết báo, đã là cái nghiệp ngấm vào máu mình rồi không bỏ được”.

Với nhà báo Trần Thanh Phương, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết thì nghỉ hưu không có nghĩa là nghỉ viết, nghỉ làm báo. Những bài viết của ông vẫn thường xuyên xuất hiện trên các ấn phẩm của tờ báo, từ nhật báo đến số chuyên đề Tinh Hoa Việt. Ông mong muốn báo nhà dành nhiều quan tâm hơn nữa đến kiều bào ta ở nước ngoài bởi đây là một bộ phận không thể tách rời, “là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”: “Điều này thể hiện ngay từ măng – séc rất đặc biệt của tờ báo. Là Đại Đoàn Kết, nghĩa là đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, dù trong nước hay ngoài nước. Cái đó quý lắm mà trong nhiều năm qua chúng ta vẫn luôn cố gắng hướng đến điều này”.

Nhắn nhủ thêm với những đồng nghiệp đang làm báo Đại Đoàn Kết, nhà báo Trần Thanh Phương cho rằng đối tượng của tờ báo rộng khắp, không phân biệt lĩnh vực, tôn giáo, tuổi tác.

Nên cần quyết liệt phê phán những điều sai, những điều chưa làm được nhưng cách nói làm sao phải mềm dẻo. Các cụ ta đã nói, lời nói chẳng mất tiền mua/lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Phải làm sao để ý nghĩa đại đoàn kết dân tộc luôn được phát huy cao nhất, xứng đáng với tên gọi và bề dày lịch sử 75 năm phát triển, đồng hành cùng dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những kỷ niệm một thời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO