Nội dung giám sát, phản biện của Mặt trận huyện Thanh Trì bám sát yêu cầu của địa phương

Hải Nhi 06/05/2017 15:00

Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, Trưởng đoàn khảo sát trong buổi làm việc với huyện Thanh Trì, Hà Nội về tình hình, kết quả thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện sáng 6/5.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Trì cho biết: Hiện Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Trì đã thành lập 2 ban tư vấn (Ban tư vấn dân chủ pháp luật và Ban tư vấn văn hóa xã hội với 19 thành viên. 16/16 xã, thị trấn đã thành lập được Ban tư vấn, với số lượng thành viên từ 7-10 người. 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện thành lập Ban Thanh tra nhân dân với 146 thành viên.

Về giám sát, hằng năm Ban thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã chỉ đạo MTTQ các xã, thị trấn và hướng dẫn các Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ĐTCCĐ xây dựng kế hoạch giám sát phù hợp với các đặc điểm của địa phương. Tập trung giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách với người có công, đối tượng xã hội; thực hiện công tác quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; việc thực hiện xây dựng nông thôn mới; việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, công tác cải cách hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ, giám sát các công trình dự án đầu tư trên địa bàn…

Thông qua giám sát đã kịp thời phát hiện các sai phạm phản ánh, kiến nghị với cấp chính quyền để có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời vi phạm.

Trong 3 năm (2014-2016), Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với HĐND huyện và các phòng ban, ngành chức năng tổ chức 16 cuộc giám sát cấp huyện và 379 cuộc giám sát tại các xã, thị trấn, tập trung vào các nội dung: Giám sát về việc giao chỉ tiêu biên chế ở một số đơn vị, việc thực hiện đề án xây dựng chợ nông thôn, việc thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới tại các xã; giám sát việc quản lý, thu chi học phí tại một số trường học; giám sát về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác quản lý đất đai…

Đặc biệt, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát 295 công trình, dự án trên địa bàn. Qua đó đã phát hiện 34 vụ việc công trình có vi phạm. Ban giám sát đã kịp thời kiếm nghị, theo dõi việc giải quyết của chủ đầu tư, cơ bản các kiến nghị đều được chủ đầu tư cùng các đơn vị thi công khắc phục.

Về phản biện xã hội, thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội, MTTQ huyện đã chủ động phối hợp với HĐND, UBND tổ chức ký kết quy chế phản biện xã hội. Hằng năm xây dựng kế hoạch phản biện xã hội, chủ trì các hội nghị phản biện xã hội.

Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực gợi mở, các xã cần đưa ra những ví dụ cụ thể, những trường hợp phát hiện sai phạm trong giám sát tại các xã. Hay nói rõ thêm về tiêu chí và phương pháp lấy phiếu để khách quan. Bên cạnh đó, hình thức giám sát cán bộ Đảng viên có nhiều vấn đề như giám sát thu nhập tài sản vướng mắc ở chỗ nào?... Đặc biệt là sự tiếp thu của các cấp sau giám sát, phản biện như thế nào? Qua giám sát, phản biện có những điểm gì trong quy định 217, 218 còn bất cập, cần đổi mới cách làm…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Chương trình bày những kết quả đã đạt được của Mặt trận huyện.

Đề cập tới việc giám sát cán bộ, Đảng viên, ông Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Trì thừa nhận: Huyện mới tập trung giám sát đảng viên đang công tác ở nơi cư trú theo Nghị quyết liên tịch số 05/2006/NQLT-CP-UBTUMTTQVN, ngày 21/4/2006 giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam tuy nhiên quả chưa cao.

Theo ông Chương, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một nhiệm vụ khó. Phạm vi các nội dung cần phản biện rộng và nhiều lĩnh vực nên hoạt động phản biện xã hội , đóng góp ý kiến của MTTQ huyện mới chỉ tập trung vào một số các tờ trình, đề án, dự thảo… bên cạnh đó, chất lượng phản biện chưa cao. Việc phản ánh kiến nghị những vấn đề dân sinh, bức xúc ở cơ sở. Việc góp ý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và góp ý đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy , tổ chức Đảng, chính quyền còn hạn chế.

Đánh giá về việc thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Trì, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng: Trong nội dung giám sát xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, huyện đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện rất nghiêm túc. MTTQ huyện đã thực hiện từ khâu triển khai, cho đến thành lập Ban tư vấn. Việc kí quy chế phối hợp thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo huyện ủy, sự phối hợp của HĐND, UBND, các cơ quan Ban, ngành và sự chủ động triển khai tích cực từ các tổ chức đoàn thể.

Điểm mạnh của huyện là nội dung kết quả giám sát, phản biện bám sát vào yêu cầu địa phương nên có tác dụng rất tích cực. Các ý kiến từ Mặt trận cơ sở rất tâm huyết. Hình thức đối thoại đã được huyện quan tâm, lựa chọn phù hợp với nội dung để giám sát, phản biện. Phó Chủ tịch cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận quan tâm đến hậu giám sát, phản biện. Hậu giám sát, phản biện của Mặt trận không có chế tài, tuy nhiên đây là kênh rất quan trọng để các cấp chỉ đạo lấy ý kiến người dân.

“Kinh nghiệm mà Mặt trận huyện rút ra rất hữu ích đặc biệt là sự lãnh đạo của cấp ủy. Sự phối hợp và chủ động sáng tạo của địa phương, chứ chờ trên chỉ đạo ở trên thế nào, dưới làm như vậy sẽ không phát huy được hiệu quả cao”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nội dung giám sát, phản biện của Mặt trận huyện Thanh Trì bám sát yêu cầu của địa phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO