Nội dung kiến nghị và trả lời của Bộ Công an

(Còn nữa) 28/10/2019 07:30

Báo Đại Đoàn Kết đã giới thiệu toàn văn Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, do Bí thư Trung ương ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; cùng với “Phụ lục 1” của Báo cáo. Đại Đoàn Kết xin trích giới thiệu nội dung cơ bản kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; tại “Phụ lục 2”.

(Tiếp theo kỳ trước)

BỘ CÔNG AN
(Công văn số 2885/BCA-V01 ngày 2/10/2019)

Nội dung kiến nghị: Đề nghị Bộ Công an, các ngành chức năng, địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân; có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa kịp thời đấu tranh, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm giết người, xâm hại tình dục, dâm ô với trẻ em, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy với quy mô, số lượng lớn, hoạt động “tính dụng đen”, đánh bạc qua Internet.

Bộ báo cáo: Chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm. Trong đó, đặt ra chỉ tiêu và phấn đấu làm giảm ít nhất 3% số vụ phạm pháp hình sự năm 2019 so với năm 2018, coi trọng công tác phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, hạn chế những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm bằng nhiều hình thức phù hợp, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; củng cố, kiện toàn về tổ chức hoạt động của các lực lượng bán chuyên trách, tổ chức tự quản làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm; xây dựng các khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”... Các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao; tăng cường công tác lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa đối tượng đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhiều địa phương đã xây dựng, nhân rộng mô hình tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp nhiều lực lượng để răn đe tội phạm. Lực lượng Công an đã đẩy mạnh triển khai thực hiện chủ trương chính quy Công an xã, góp phần nắm và giải quyết tình hình ngay từ địa bàn cơ sở...

Ngay sau kỳ họp 7, Quốc hội Khóa XIV, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương điều tra, làm rõ 9.861 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 79,43%; về cơ bản các vụ án nổi cộm, các vụ xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận đều được điều tra, xử lý làm rõ; triệt phá 482 băng, ổ nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh các loại tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 1.289 đối tượng truy nã, trong đó có 314 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; qua phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm số vụ phạm pháp hình sự, nhiều loại tội phạm được kéo giảm như: giết người hiếp dâm, trộm cắp tài sản, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc... điển hình như:

+ Tội phạm liên quan tín dụng đen: Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch nghiệp vụ, tổ chức tấn công, trấn áp mạnh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, đòi nợ thuê kết quả bước đầu tạo hiệu ứng lan tỏa tốt trong xã hội, góp phần làm chuyển biến tình hình. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”, đòi nợ thuê trước đây như “cướp ngày” (bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, khủng bố tinh thần bằng thủ đoạn đổ chất bẩn, chất thải, nhắn tin, gọi điện đe dọa, đặt quan tài, vòng hoa, dán cáo phó…) nay đã giảm đáng kể, nhiều băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đã không dám tiếp tục hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, co cụm, ẩn nấp, không còn công khai, trắng trợn như trước.

+ Tội phạm ma túy: Bộ đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia thu giữ số lượng lớn ma túy các loại; triệt xóa nhiều tụ điểm phức tạp về ma túy trên toàn quốc; phối hợp với các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo tác hại của ma túy; thường xuyên rà soát, lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy góp phần phòng ngừa tội phạm... Qua đó đã điều tra, phát hiện 5.548 vụ, 8.651 đối tượng, thu giữ 280,05kg heroin; 342,95 kg ma túy tổng hợp; 221.899 viên ma túy tổng hợp; 198.70kg cần sa; tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” (thay thế Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị) để chỉ đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp phòng, chống ma túy trong tình hình hiện nay; tổ chức Hội nghị hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực để phối hợp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia được các nước đánh giá cao.

+ Tội phạm an ninh mạng và sử dụng công nghệ cao: Đã chỉ đạo triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phát hiện, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là đấu tranh làm rõ phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao trong hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán điện tử; triệt phá nhiều đường dây tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet; tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam. Điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng lập nhiều trang web, facebook, zalo ảo, lừa đảo hàng tỷ đồng; triệt phá nhiều vụ các đối tượng sử dụng các trang web, blog, trang mạng có hành vi phát tán, tuyên truyền nội dung nói xấu, chống phá Đảng, Nhà nước... Qua đó, phát hiện và xử lý 113 vụ sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, bắt, xử lý 14 đối tượng; 71 vụ sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội, bắt, xử lý 505 đối tượng... Đồng thời, đã tích cực xây dựng các văn bản triển khai thực hiện Luật An ninh mạng; chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 4 tháng 6 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên Internet, mạng xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam; triển khai các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn các website thường xuyên đăng tải các thông tin sai sự thật chống phá Đảng, Nhà nước...

+ Vi phạm trật tự an toàn giao thông: Tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông xảy ra và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, trong đó đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý đối với hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông nói chung, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông... Kết quả, lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý 1.092.859 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền gần 696,71 tỷ đồng, tạm giữ 158.535 ô tô, mô tô và xe máy các loại, trong đó có 46.011 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 286.197 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm...

Bộ sẽ thực hiện: Tiếp tục chỉ đạo tập trung thực hiện những giải pháp trọng tâm sau: (1) Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tự giác, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ; có chính sách bảo vệ, khen thưởng, động viên cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong cung cấp thông tin, tài liệu, tham gia hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng Công an phá án. (2) Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân, kết hợp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gia đình, trường học, khu dân cư văn hóa, an ninh, an toàn, các mô hình tự quản về an ninh, trật tự (3) Triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc và kiểm soát tình hình; thường xuyên mở các cao điểm tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm, nhất là các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, tội phạm hoạt động liên quan “bảo kê”, “tín dụng đen”, tội phạm ma túy, quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy ngoài xã hội, tội phạm xâm hại trẻ em, an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao... Tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật tố giác, tin báo về tội phạm; duy trì các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm. Nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý các vụ án, không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm; tập trung điều tra làm rõ các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc dư luận..., phối hợp Viện Kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử nghiêm minh nhằm răn đe, phòng ngừa chung. (4) Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, nhất là các hành vi trực tiếp gây tai nạn giao thông như chở khách, chở hàng quá trọng tải, quá khổ giới hạn; chạy quá tốc độ; lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… Thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá, điều tra cơ bản điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, nhất là các công trình công cộng, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, cơ sở karaoke, cơ sở kinh doanh xăng dầu, các loại hóa chất dễ cháy, nổ... công khai danh sách các cơ sở mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy và kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm. (5) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý cư trú. Triển khai thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng, phối hợp các ngành quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, quản lý chặt chẽ các trang web, mạng xã hội, đồ chơi, sách truyện, các game online bạo lực… góp phần hạn chế, ngăn chặn tình trạng bạo lực trong xã hội và phòng ngừa tội phạm. (6) Điều chỉnh, bố trí lực lượng Công an theo hướng tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng mạnh về sơ sở, kịp thời thực hiện công tác nắm địa bàn, nắm hộ, nắm người, giải quyết tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế không để trở thành các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp. (7) Rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong công tác phòng, chống tội phạm, kịp thời đề xuất Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nội dung kiến nghị và trả lời của Bộ Công an

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO