Nói không với thuốc lá

Nhã Phương (thực hiện) 08/10/2015 10:10

Nhận thức rõ tác hại của thuốc lá những năm qua, Hội Cựu chiến binh tỉnh Tuyên Quang đã đưa ra nhiều biện pháp tuyên truyền hiệu quả. Từ nhận thức đúng, Hội đã vận động hội viên và bà con địa phương từ bỏ thuốc lá. 

Tiêu hủy thuốc lá lậu. (Ảnh: TL).

PV: Để vận động người nghiện từ bỏ hút thuốc lá không hề đơn giản. Nhưng với cách làm mới, Hội CCB tỉnh Tuyên Quang đã có những cách tuyên truyền hiệu quả, làm thay đổi nhận thức của không ít hội viên và nhân dân đối với thuốc lá, thưa ông?

Ông Bùi Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Tuyên Quang: Chúng tôi cho rằng đây là trách nhiệm của hệ thống các cấp Hội từ tỉnh, huyện, đến cơ sở, thậm chí đến từng chi hội, phân hội. Để đạt được kết quả như mong muốn, trong quá trình tuyên truyền, Hội CCB các cấp có sự chuẩn bị kỹ, có nội dung tuyên truyền bài bản sinh động, cụ thể, sát với thực tế cuộc sống của hội viên.

Với phương châm tuyên truyền ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, không cần phải ghi chép để phù hợp với Tuyên Quang khi có đến 90% hội viên Hội CCB là nông dân. Ngoài ra, hình thức tuyên truyền cũng cần phải linh hoạt, phù hợp với cuộc sống của người nông dân. Đối với đặc thù của tỉnh, chúng tôi thấy rằng, không nhất thiết phải tổ chức một hội nghị quy mô vì từ bờ ruộng cho đến nương ngô, nương sắn, trong những buổi sinh hoạt thôn…. ở đâu cũng có thể tuyên truyền được.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 5 – 2013 nhưng để Luật đến được với mọi người, mọi nhà, mọi hội viên, Hội CCB tỉnh đã gắn hoạt động tuyên truyền với công tác thi đua khen thưởng, kịp thời động viên những người làm tốt nhưng cũng kiên quyết xử lý những hội viên không thực hiện đúng quy định của Hội. Vì thế, tỉ lệ người bỏ thuốc lá hàng năm của Hội giảm nhanh.

Có đến 90% hội viên Hội CCB là nông dân nhưng nếu là nông dân thì trong các thói quen như đi làm đồng, lên nương rẫy hay mỗi khi đi cưới hỏi, lễ hội… người ta vẫn mời nhau điếu thuốc để “mở đầu câu chuyện”. Với một đối tượng đặc thù như vậy thì chắc chắn việc tuyên truyền sẽ gặp phải những khó khăn nhất định thưa ông?

- Đúng vậy, đối tượng khó khăn lớn nhất trong quá trình tuyên truyền đó chính là đồng bào vùng sâu, vùng xa việc tiếp cận thông tin đại chúng chưa nhiều. Ngoài ra, trong thói quen, trong nếp sinh hoạt hàng ngày nhiều người hút thuốc nhưng không có người nhắc nhở thường xuyên, cũng khó có sự thay đổi trong nhận thức.

Đối với những hội viên Hội CCB tại thành phố, thị trấn, thị tứ thì những lúc đi bộ, đi tập thể dục buổi sáng hay những lúc đi đánh bóng chuyền vào buổi chiều nếu ai hút thuốc mọi người có thể góp ý ngay nhưng đối với các hội viên ở vùng sâu, vùng xa, phong trào thể dục thể thao không phát triển mạnh, sự giao lưu, trao đổi thông tin về tác hại của thuốc lá cũng không được thường xuyên thì việc tuyên truyền cũng gặp những khó khăn nhất định. Tại những nơi này, nhiều hội viên chưa thấy hậu quả của thuốc lá nên vẫn chủ quan và tặc lưỡi cho qua.

Vì thế, việc tuyên truyền đối những hội viên này không có cách nào khác là phải tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng như loa phát thanh của thôn, xã để nâng cao ý thức người dân. Bên cạnh đó, các chi hội cũng cần phải đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền miệng, tuyên truyền bằng tiếng dân tộc qua những cuộc họp thôn, bản để người dân hiểu được tác hại của thuốc lá và dần từ bỏ.

Là những người trực tiếp đi vận động các hội viên của mình từ bỏ thuốc lá, Hội CCB các cấp trong tỉnh chính là những người hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của hội viên nhất. Vậy, ông có mong muốn gì để phong trào phòng chống tác hại thuốc lá đạt hiệu quả như mong muốn?

- Để Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thật sự đi vào cuộc sống thì cần phải có những chế tài quyết liệt. Trước những hậu quả to lớn mà thuốc lá mang lại như thiệt hại về kinh tế gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng đến giống nòi của người Việt thì nên cấm. Trước mắt, Nhà nước có thể đẩy giá thuốc lá lên cao để nhiều người không có khả năng hút phải tự từ bỏ. Ngoài ra, phải vận dụng các biện pháp, chế tài gắn với trách nhiệm của người đảng viên, gắn vào tiêu chí bình xét thi đua hàng năm.

Với cách tuyên truyền càng nhiều càng tốt, càng sâu càng hay, càng kỹ càng có giá trị vì không phải ai cũng nhận thức giống nhau, vì thế chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều biện pháp cụ thể, phải được nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều thành viên, nhiều gia đình tham gia thì Luật Phòng chống tác hại thuốc lá mới đạt được kết quả như mong đợi.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nói không với thuốc lá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO