“Nông nghiệp muốn thịnh phải có hợp tác xã”

Dạ Yến 21/07/2015 08:45

Cách đây 79 năm, trong “Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Việt Nam là nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế lấy canh nông làm gốc… Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Với cách đặt vấn đề như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến một kết luận quan trọng: Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh phải có hợp tác xã. Chỉ thị số 19 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã cũng khô

“Nông nghiệp muốn thịnh phải có hợp tác xã”

Mô hình HTX đang cần một sự đột phá.

Ảnh:Hoàng Long

Cần sự đột phá

Trong hàng chục năm qua, tư tưởng của Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta kế thừa và vận dụng khi ban hành các chủ trương, Nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là Nghị quyết số 13 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cũng như các văn bản chỉ đạo sau này.

Nhờ đó, trong mỗi giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, hợp tác xã nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm gần đây, thực hiện đường lối đổi mới, các hợp tác xã nông nghiệp đã, đang vượt qua khó khăn để đổi mới, phát triển, từng bước khẳng định vai trò vị trí của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Cả nước hiện có 10.339 hợp tác xã nông nghiệp, với tổng số thành viên tham gia khoảng 6,7 triệu người. Số lượng hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới tăng bình quân mỗi năm 200 HTX, khoảng 20% tham gia tái cấu trúc HTX theo Luật Hợp tác xã (2012) nhằm tạo ra một “thể trạng” tốt hơn để HTX hoạt động hiệu quả hơn dựa trên những nền tảng về sứ mệnh sẵn có của HTX.

Tuy nhiên, để thực hiện được sứ mệnh của mình, các HTX nông nghiệp phải vượt qua rất nhiều khó khăn nội tại đầy yếu kém như tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật nghèo nàn, trình độ lạc hậu. Trong khi còn rất nhiều HTX chưa thực hiện đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động theo Luật HTX 2012 thì nhận thức của cán bộ quản lý các cấp chưa đầy đủ, thấu đáo.

Vì trên thực tế, theo ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, HTX kiểu cũ chính là nỗi ám ảnh của nhiều người nông dân vì họ quan niệm không có lợi ích nào được chia. Trong khi những HTX được thành lập mới, tiếng là mới nhưng vẫn là cũ so với các mô hình trên thế giới, không thuyết phục được người dân gắn bó với đồng ruộng, với HTX.

Để thực hiện được sứ mệnh như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong mỏi, mô hình HTX đang cần một sự đột phá.

Hợp tác xã kiểu mới- Động lực kép mạnh mẽ

Xuất phát từ những đòi hỏi thực tiễn, yêu cầu lúc này được đặt ra là cần tiến hành xây dựng mô hình HTX kiểu mới. Với tư cách là một nhà khoa học, GS.TS, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Với HTX kiểu mới, nông nghiệp Việt Nam có khả năng chuyển sang một giai đoạn mới về chất, có tính đột phá, vì nó khắc phục được những yếu kém, cản trở kéo dài suốt 30 năm qua”.

Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, HTX kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép mạnh mẽ từ đó tạo đột phá phát triển cho nông nghiệp Việt Nam. Vì ở đó, người nông dân vẫn là người chủ với đầy đủ hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời nhận được sự hỗ trợ rất hiệu quả từ HTX nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp nhận tối đa các hỗ trợ của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ các liên kết với doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hội nhập quốc tế về thương mại.

HTX kiểu mới không những đem lại lợi ích lớn hơn nhiều cho người nông dân mà còn đem lại lợi ích cho Nhà nước khi góp phần làm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước, giảm chi phí, giảm rủi ro và có lợi ích cho các nước nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực thương mại quốc tế.

“HTX kiểu mới sẽ tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp Việt Nam vì nó tạo sự tương tác đồng hướng của 4 loại lợi ích: Lợi ích của hơn 10 triệu hộ nông dân; lợi ích của Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của các nước giao thương với Việt Nam”- GSTS Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Với chức năng giám sát của Mặt trận, trong gần 1 năm qua, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu nhiều đoàn công tác của Trung ương khảo sát nhiều mô hình hợp tác xã trong và ngoài nước. Cũng chính từ những chuyến khảo sát này, người đứng đầu Mặt trận đã đăng đàn nhiều lần từ nghị trường Quốc hội, đến các cuộc họp thường kỳ của Chính phủ và trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để bàn về câu chuyện: Hợp tác xã kiểu mới- một trong những bài toán nhằm gỡ khó cho nông nghiệp.

Luồng gió mới

Nỗ lực của người Mặt trận đã tạo nên hiệu ứng và lan tỏa trong các kỳ họp, như kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, khi nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình. Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, sản xuất nông nghiệp đang rất khó khăn, trong khi đây là nền tảng cho các sản xuất khác, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội.

“Chuỗi giá trị nghĩa là gắn kết nhau, sản xuất phải theo chuỗi giá trị. Tất cả các khâu đều phải có trách nhiệm, ai là người gắn kết các chuỗi giá trị này? Chính vì vậy mô hình hợp tác xã kiểu mới là phù hợp, là giải pháp tối ưu cho nông nghiệp Việt Nam”, ông Huỳnh Minh Thiện nhấn mạnh.

Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu Võ Thị Hồng Thoại, khi đến thăm một số mô hình sản xuất kiểu mới ở Bạc Liêu, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân rất ủng hộ và đề nghị Bạc Liêu cần tổ chức lại sản xuất bằng cách kéo doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân liên kết để cùng hưởng lợi từ mô hình sản xuất này. Ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã nhận được sự đồng tình từ lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu.

“Hiện chúng tôi đang tiếp tục thực hiện chủ trương này. Đó là kéo các doanh nghiệp về khu vực nông thôn, mời nhà khoa học chung tay cùng người dân tổ chức lại sản xuất. Tôi hy vọng trong tương lai khi áp dụng mô hình liên kết để tạo ra chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sẽ mang lại hiệu quả lớn để có thể nhân rộng trên toàn tỉnh Bạc Liêu” - bà Võ Thị Hồng Thoại khẳng định.

Rõ ràng, trong nền kinh tế thị trường, mỗi hộ nông dân sản xuất riêng lẻ sẽ rất khó cạnh tranh khi gia nhập thị trường và rất yếu thế trong đàm phán hợp đồng với các đối tác khác. Chính vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh và năng lực đàm phán thị trường, liên kết sản xuất là đòi hỏi tất yếu. Việc xây dựng hợp tác xã kiểu mới không chỉ là câu chuyện thay tên, hay “bình mới, rượu cũ” mà chính là cách thức để nâng cao hiệu quả sản xuất và kết nối nông dân với thị trường thông qua tham gia vào chuỗi giá trị hàng nông sản.

Và để bảo đảm Luật Hợp tác xã 2012 được triển khai một cách hiệu quả và thực sự phát huy hiệu lực trong thực tiễn, trong Chỉ thị số 19 vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Hợp tác xã. Trong đó nhấn mạnh tới việc nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả; Tạo điều kiện cho HTX hưởng các chính sách hỗ trợ; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật HTX.

Như vậy, Chỉ thị số 19 được xem như một luồng gió mới tạo đà cho các hợp tác xã bứt phá đi lên đồng thời cũng thêm một lần nữa khẳng định tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây gần 80 năm vẫn giữ nguyên tính thời sự trong giai đoạn hiện nay: “Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh phải có hợp tác xã”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Nông nghiệp muốn thịnh phải có hợp tác xã”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO