Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi mong tờ báo có tiếng nói mạnh mẽ hơn

Cẩm Thúy (thực hiện) 25/01/2017 09:05

Là Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam giai đoạn từ 1999 đến 2008, ông Phạm Thế Duyệt có nhiều tình cảm gắn bó với báo Đại Đoàn Kết. Ngay cả sau này khi đã nghỉ hưu, ông luôn gọi Đại Đoàn Kết là “báo nhà” và bởi vậy, sẽ không từ chối nếu phóng viên “báo nhà” đến cổng bấm chuông. Và cũng bởi vậy, nhân dịp tờ báo tròn tuổi 75, ông không muốn dành những lời khen ngợi khách sáo mà chủ yếu đặt nhiều kỳ vọng.

Ông Phạm Thế Duyệt.

PV: Thưa ông, ông nhớ gì về tờ báo Đại Đoàn Kết- Cơ quan ngôn luận của Mặt trận vào những năm tháng ông trực tiếp lãnh đạo?

Trên báo Đại Đoàn Kết, ai cũng có thể nói lên tiếng nói của mình miễn là cùng tôn trọng và phấn đấu cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đấy chính là Mặt trận, đấy chính là đại đoàn kết. Không gò ép về quan điểm, cho dù còn có chính kiến khác biệt, nhưng nếu cùng chung một ý tưởng phụng sự cho Tổ quốc thì đoàn kết mọi người lại.

Ông Phạm Thế Duyệt: Tờ báo là tiếng nói của Mặt trận, cho nên việc của Mặt trận thế nào quyết định đến nội dung của tờ báo thế ấy. Lúc tôi về Mặt trận thì nửa nhiệm kỳ đầu tiên vẫn kiêm nhiệm công việc bên Đảng (với trọng trách Ủy viên Thường trực Thường vụ Bộ Chính trị - pv). Tôi vốn biết trước đó, đặc biệt là sau đổi mới, báo Đại Đoàn Kết đang tuyên truyền rất tốt cho chủ trương đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, mở rộng quan hệ với các nước. Báo động viên nhân dân hưởng ứng đường lối chính sách của Đảng khi đang bước vào thời kỳ đổi mới, đóng góp tích cực vào tuyên truyền thay đổi quan điểm, nhận thức về bao cấp và đổi mới, về cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đòi hỏi nâng cao vị thế vai trò của Mặt trận sau Đổi mới phát huy sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc được đặt ra rất gay gắt trong thập niên 1990. Năm 1994, Bộ Chính trị ra Nghị quyết. Đến năm 1999 trước khi tôi về Mặt trận, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được thông qua, vai trò vị thế của Mặt trận đã được Luật hóa, khẳng định Mặt trận là một liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, đoàn kết tất cả mọi tầng lớp nhân dân. Mặt trận có cơ chế hoạt động khác, không phải theo nguyên tắc tập trung dân chủ, mà cơ chế hoạt động của Mặt trận là hiệp thương dân chủ tạo sự đồng thuận, tạo sự đoàn kết. Mặt trận tôn trọng tất cả những ý kiến khác nhau, chấp nhận những ý kiến khác biệt miễn là đạt được mục tiêu chung để bảo vệ và xây dựng đất nước. Điều này là cực kỳ quan trọng để có đại đoàn kết dân tộc.

Điều đó đã được thể hiện như thế nào trên tờ báo của Mặt trận, thưa ông?

- Tôi nhớ là vào thời điểm ấy, chủ trương quy tụ tất cả các tầng lớp, các giai cấp, tất cả các tôn giáo, các dân tộc, tất cả đồng bào ta ở nước ngoài… của Mặt trận được phản ánh sâu sắc trên báo Đại Đoàn Kết. Điều này thể hiện trên nhiều trang báo, nhiều bài viết, nhiều nhân sĩ trí thức và kiều bào gửi bài đăng trên báo Đại Đoàn Kết, ai cũng có thể nói lên tiếng nói của mình miễn là cùng tôn trọng và phấn đấu cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đấy chính là Mặt trận, đấy chính là đại đoàn kết. Không gò ép về quan điểm, cho dù còn có chính kiến khác biệt, nhưng nếu cùng chung một ý tưởng phụng sự cho Tổ quốc thì đoàn kết mọi người lại.

Việc này đã mở ra một thời kỳ mới trong chính sách về kiều bào khác với giai đoạn trước đó. Có lẽ chính vì thế mà bà con rất phấn khởi, kiều bào trở về ngày càng đông. Nhiều nhân sĩ trí thức, kiều bào, đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo nghĩ đến Mặt trận như một mái nhà chung, và tờ báo Đại Đoàn Kết là nơi họ gửi gắm niềm tin tưởng.

Thưa ông, thời điểm với cương vị Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông đã tiếp ông Nguyễn Cao Kỳ?

- Tôi đã tiếp ông Nguyễn Cao Kỳ ở trụ sở Mặt trận 46 Tràng Thi, tôi gặp nhạc sĩ Phạm Duy… Với các tôn giáo cũng vậy. Tôi gặp gỡ với Hòa thượng Thích Huyền Quang, gặp các linh mục, chức sắc tôn giáo, với ai cũng trò chuyện cởi mở, thân tình để làm cho họ thấu hiểu hơn chủ trương đoàn kết dân tộc của Đảng, của Mặt trận.

Đây cũng là thời kỳ Mặt trận chủ trương hướng mạnh về cơ sở, lấy khu dân cư làm nòng cốt?

- Xây dựng đất nước phải bắt đầu từ từng gia đình, từng khu dân cư, thôn làng, ấp bản. Mặt trận đi sâu vào vận động động viên tất cả các tầng lớp nhân dân ở các khu dân cư thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng khu dân cư văn hóa. Bây giờ ở thời kỳ mới chúng ta vẫn đang tiếp tục làm việc này, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Những việc này tôi thấy tờ báo cũng đang tuyên truyền rất tốt. Trước đây, báo Đại Đoàn Kết đã tổ chức các kỳ Liên hoan con cháu hiếu thảo rất tốt, cổ vũ đề cao truyền thống đạo đức dân tộc, tôn vinh các tấm gương hiếu thảo, rất có ý nghĩa trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư. Bây giờ ở thời kỳ mới, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tôi nghĩ báo cũng sẽ có cách làm tốt để cổ vũ cho các cuộc vận động này.

Thưa ông, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đại đoàn kết dân tộc nên thể hiện trên tờ báo như thế nào, theo quan điểm của cá nhân ông?

- Có một vấn đề từ lúc tôi đương chức đến bây giờ qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội, Đảng vẫn đang phải làm quyết liệt. Đó là xây dựng chỉnh đốn Đảng. Nếu để nhân dân mất niềm tin thì không thể có đại đoàn kết dân tộc.

Nghĩa là…?

- Báo chí bây giờ phải góp phần vào công cuộc chống tham nhũng tiêu cực, suy thoái, biến chất của cán bộ đảng viên. Không làm rõ được những cái đó thì dân không tin, không đoàn kết được. Phải ý thức được đấu tranh chống tham nhũng là để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Loại bỏ những cán bộ hư hỏng ra khỏi Đảng, ra khỏi bộ máy nhà nước là để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Để không phải chỉ trước đây mà ngay cả bây giờ nhân dân vẫn có đủ niềm tin vào Đảng ta. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Trung ương 4 khóa XII đều nói về xu thế suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, xuất phát từ sự suy thoái, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên.

Đó có phải là vấn đề ông gửi gắm vào tờ báo trong giai đoạn hiện nay?

Xây dựng đất nước phải bắt đầu từ từng gia đình, từng khu dân cư, thôn làng, ấp bản. Mặt trận đi sâu vào vận động động viên tất cả các tầng lớp nhân dân ở các khu dân cư thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng khu dân cư văn hóa. Bây giờ ở thời kỳ mới chúng ta vẫn đang tiếp tục làm việc này, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Những việc này tôi thấy tờ báo cũng đang tuyên truyền rất tốt. Bây giờ ở thời kỳ mới, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tôi nghĩ báo cũng sẽ có cách làm tốt.

- Trong tình hình mới báo phải cố gắng nhiều. Đã có qui định trong Hiến pháp, trong Luật về vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể. Vậy thì tờ báo phải làm tốt vai trò này. Tờ báo phải tỏ rõ chính kiến, phát hiện vấn đề, tham gia đóng góp xây dựng bộ máy chính quyền được nhân dân tin tưởng. Đảng là của dân, do dân mà có Đảng. Tôi mong mỏi rất nhiều là tờ báo Mặt trận góp phần với Đảng xây dựng được niềm tin của nhân dân, trong chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái của cán bộ đảng viên. Việc này báo cũng đã làm nhưng đấu tranh chưa mạnh, cần phải làm mạnh hơn.

Đại Đoàn Kết phải mạnh dạn góp phần vào giám sát - phản biện xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhân dịp tờ báo kỷ niệm 75 năm thành lập, tôi chúc báo Đại Đoàn Kết có tiếng nói mạnh mẽ, cùng với các báo khác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần với Đảng chống tham nhũng, tiêu cực thành công, tạo dựng lại niềm tin cho nhân dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi mong tờ báo có tiếng nói mạnh mẽ hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO