Phên dậu của lòng dân

Phạm Hưởng-Thạch Thảo 18/04/2017 09:15

Những ngày tháng 4 này, đến vùng đất Ia Mơr, huyện Chư Prông (Gia Lai) mới thấm hết được sự gian truân, vất vả của người dân, chiến sĩ biên phòng; càng thấu hiểu mối tình đoàn kết gắn bó thân thiết giữa quân với dân như nơi vùng phên dậu của đất nước.

Quân với dân một ý chí

Với hơn 21km đường biên giới nằm giáp ranh với tỉnh Rattanakiri (Campuchia), từng là cái nôi cách mạng, từ bao đời nay bà con người Jrai đang sinh sống tại vùng đất phên dậu Ia Mơr vẫn luôn một lòng kiên trung bám đất, giữ làng đánh đuổi kẻ thù. Những mất mát, đau thương trong cuộc chiến chống Mỹ, bọn diệt chủng Pôn Pốt đã làm cho mối tình đoàn kết, gắn bó quân với dân ngày một xích lại gần nhau.

Vũ khí sức mạnh ấy, nếu trong thời chiến đã tạo nên một Ia Mơr anh hùng thì nay đang được các thế hệ kế cận vun vén, xây dựng để không chỉ biến IaMơr thành lá chắn thép vùng biên mà còn trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế. Sự gắn bó máu thịt quân dân đã được nâng tầm khi người dân đang “bí cách” tìm hướng thoát nghèo thì được các chiến sĩ bộ đội biên phòng Ia Mơr tìm đến nhận đỡ đầu.

Dự án cây lúa nước đã được các chiến sĩ bộ đội biên phòng bắt tay triển khai thay thế cây lúa rẫy. Từ chỗ chỉ trồng thí điểm một vài sào lúa nước đến nay các chiến sĩ biên phòng đã biến hàng trăm héc ta đầm lầy thành cánh đồng lúa nước mênh mông. Không chỉ cây lúa, cây điều cũng được mang về với hi vọng giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Cây đơm hoa kết trái cũng là lúc niềm tin của người dân đối với các chiến sĩ ngày một lớn.

Gần 30 năm gắn bó với vùng đất phên dậu này, Thượng tá Nguyễn Hồng Tươi hiện được tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr tâm sự: Người dân ấn tượng nhất vẫn là cái thời ông tự mày mò xuống tận huyện Krông Pa để mang cây điều về để trồng trên đất Ia Mơr. Cây sinh trưởng, phát triển tốt lại dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện của bà con. Cũng từ chuyện cây điều mà ông bén duyên với vùng đất này và được bà con tín nhiệm bầu giữ nhiều chức danh trong xã khiến ông hoạt động như chong chóng, cứ hết việc ở Đồn lại đến xã rồi xuống dân triển khai các mô hình.

Sự tận tâm tận lực của cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng Ia Mơr đã giúp các hộ gia đình nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt kỹ thuật nên chỉ 4 năm sau cây điều đã khẳng định được chỗ đứng trên đất Ia Mơr... Sự thành công trong đã “mở màn” cho một hướng đi mới cho vùng đất khô cằn này. Chẳng thế mà căn nhà căn nhà nhỏ của Tổ công tác địa bàn, Đồn Biên phòng Ia Mơr lâu nay như mái nhà chung để mọi người dân, cán bộ, chiến sỹ biên phòng làm nơi nơi gặp gỡ, hội họp. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước từ đó cũng lan tỏa vào cuộc sống buôn làng.

Mở cánh cửa thoát nghèo

Ở vùng đất phên dậu này, điều người dân còn nhiều trăn trở nhất vẫn là tình trạng đói nghèo, không còn thiếu nước. Bởi toàn xã có 5 làng với hơn 2000 nhân khẩu nhưng có đến 50% hộ nghèo. Cứ mùa khô đến cả một vùng đất rộng lớn lại nứt nẻ, khô khốc. Thế nhưng, ông Nguyễn Tuấn Anh- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho biết sắp tới công trình thủy lợi Ia Mơr chuẩn bị chặn dòng, tích nước.

Theo thiết kế, khi công trình hoàn thành sẽ phục vụ nước tưới cho 12.500 héc ta lúa nước và hoa màu ở các xã vùng biên huyện Chư Prông (Gia Lai) và huyện Ea Súp (Đắk Lắk).. Gìa làng Ksor H’Lâm làng Krông, xã Ia Mơr hồ hởi cho biết: “Công trình thủy lợi chuẩn bị tích nước, những vụ mùa tới dân mình không sợ bị hạn hán, không sợ thiếu nước, thiếu đói nữa.

Còn ông Nguyễn Anh Dũng- Chủ tịch UBND huyện Chư Prông thì phấn khởi nói, việc chuẩn bị chặn dòng, tích nước khiến người dân rất vui.

Rời Ia Mơr, chúng tôi tin một ngày không xa, những vườn cây cháy héo, cánh đồng nứt nẻ, những ruộng lúa chết khô vùng biên giới khô cằn sẽ không còn nữa. Mà thay vào đó là những ruộng lúa vàng, những vườn cây xanh mướt trĩu quả. Công trình thủy lợi Ia Mơr sẽ thắp sáng đại ngàn Tây Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phên dậu của lòng dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO