Phía sau những mối tình không biên giới

Phạm Hưởng 22/04/2017 12:00

Ở dọc vùng đất phên dậu tỉnh Gia Lai có những cặp vợ chồng vượt qua mọi rào cản địa lí, văn hóa và ngôn ngữ để cùng nhau viết nên những câu chuyện tình xuyên biên giới vô cùng lãng mạn. Tuy nhiên đằng sau những mối tình đẹp ấy lại đang để lại nhiều hệ lụy, khi hầu hết các cặp vợ chồng đều sống với nhau mà không cần hôn thú gây rất nhiều khó khăn trong giải quyết chính sách, quản lí nhân khẩu, hộ tịch.

Vợ chồng Rơ Mah Thiêng và Kor Le sống chan hòa, hạnh phúc nhưng vẫn chưa đăng kí kết hôn.

“Cứ thích là bắt nhau”

Đến làng Kom II, xã Ia O, huyện Ia Grai, nằm sát bên dòng sông Pô Kô nhắc đến câu chuyện “bắt chồng” của chị Ksor Le chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên. Vốn có họ hàng bên xã Ia O nên ngay từ khi còn nhỏ, anh Rơmah Thiêng (xã Nhang, huyện Đun Mia, Ratanakiri) vẫn thường xuyên theo bố sang Việt Nam chơi.

Như một sự tình cờ, cách đây 7 năm, nhà họ hàng có tổ chức lễ bỏ mả, Thiêng cùng bố được mời sang chơi. Ngay khi nhìn thấy chị Ksor Le, anh Thiêng đã bị cuốn hút bởi cô gái có nụ cười buồn. Rơ Mah Thiêng bảo mình thích nó ngay lần đầu gặp, nhưng vì đã từng bất hạnh trong hôn nhân nên khi gặp chị Ksor Le, anh khá rụt rè. Mãi đến khi nghe mọi người nói chị cũng từng một lần đổ vỡ trong hôn nhân và đang nuôi con gái 5 tuổi, anh mới mạnh dạn tiếp cận.

Chỉ vài tháng qua lại, mối tình xuyên biên giới giữa Rơ Mah Thiêng và Ksor Le đã được viết lên với sự chứng kiến của già làng, bà con họ hàng hai bên. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, song trong suốt những năm chung sống, cả hai luôn cảm thấy hạnh phúc vì họ thật sự đã tìm được một nửa của nhau. Dù vậy, cuộc hôn nhân của họ lại không được pháp luật thừa nhận, bởi cả hai đều nghĩ rằng, mình đã bắt nhau theo luật tục, chứ không cần phải đăng kí kết hôn.

Cũng phải lòng cô gái Việt, năm 2014, Siu Xinh tận huyện Ôzadao, tỉnh Rattanakiri (Campuchia) sang Việt Nam làm thuê cho ông Rơ Châm Chiếk, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, ngay từ cái nhìn đầu tiên nên chàng trai Campuchia đã đặt quyết tâm phải cưới bằng được con gái của ông Chiếk - chị Rơ Mah H’Xị Ksor. Hơn một năm cày thuê cuốc mướn cho ông chủ, Siu Xinh đã dần lấy được cảm tình của chị Ksor. Năm 2006, Siu Xinh và Rơ Mah H’Xị Ksor đã tổ chức kết hôn với nhau, đến nay đã có 2 đứa con 5 và 7 tuổi. Tuy nhiên, hai vợ chồng Xinh và H’Xị mới chỉ kết hôn theo phong tục của người J’rai chứ chưa làm thủ tục đăng ký với chính quyền địa phương.

Viết nên những câu chuyện tình đẹp vượt biên giới, song có một thực tế hiện nay, đa số các hộ gia đình Việt Nam - Campuchia trên biên giới chưa ý thức được giá trị của việc đăng kí kết hôn. Theo kết quả khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai về tình hình phụ nữ người dân tộc thiểu số lấy chồng người Campuchia tại 7 xã biên giới của tỉnh, cho thấy, có 50 trường hợp phụ nữ người dân tộc thiểu số kết hôn với người Campuchia, tập trung chủ yếu của hai huyện: Đức Cơ, Ia Grai.

Một số cặp đôi vợ chồng khi hỏi về việc cưới chồng hoặc vợ có đăng ký kết hôn hay không đã trở lời rất tự nhiên rằng “sao phải đăng kết hôn?” hay “hai bên gia đình mình đều đồng ý mà”… Mãi đến khi nghe cán bộ Tư pháp truyền thông về việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, nhiều cặp gia đình mới “ngã ngửa” vì thấy rằng, trước nay mình chưa được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp. Đặc biệt, nhiều cặp vợ chồng cũng nhận thấy mình còn thiếu những giấy tờ cần thiết liên quan đến việc đăng ký kết hôn.

Hê lụy từ việc thiếu kiến thức pháp luật

Thực tế, thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài trên khu vực biên giới cũng không quá phức tạp, song do nhận thức của một bộ phận người dân chưa hiểu hết tầm quan trọng, lợi ích cũng như hệ lụy nên còn thờ ơ. Việc người đồng bào dân tộc J’rai tại các xã biên giới của tỉnh Gia Lai kết hôn với người Campuchia mà không hoàn tất các quy định của pháp luật đã gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc quản lý nhân khẩu, làm quốc tịch, giải quyết chế độ cho con cái của họ đi học.

Để nâng cao kiến thức về hôn nhân, đặc biệt hôn nhân có yếu tố nước ngoài, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai đã tổ chức hỗ trợ, tư vấn cho hàng trăm cặp đôi vợ chồng. Bà Nguyễn Thúy Hạnh - Trưởng ban Chính sách luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai cho biết: “Hội đề xuất Sở Tư pháp xem xét những trường hợp nào làm được giấy kết hôn thì làm sớm cho họ. Chúng tôi cũng chỉ đạo Hội Phụ nữ các huyện biên giới trong quá trình triển khai công tác cần có sự quan tâm và hỗ trợ đến các trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số kết hôn với người nước ngoài.

Bà Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Hành chính-Tư pháp (Sở Tư pháp Gia Lai) cho biết, mỗi công dân đều được quyền đăng ký khai sinh, kết hôn, giám hộ, nhận cha-mẹ-con, khai tử. Khó khăn là họ thiếu giấy tờ tùy thân, thiếu giấy tờ chứng minh nơi cư trú nên không đủ thủ tục đăng ký khai sinh cho con, đăng ký kết hôn…

Theo bà Hiền nếu không đăng ký kết hôn thì sẽ không được pháp luật công nhận là vợ chồng và không được pháp luật bảo vệ; khi sinh con, người con cũng bị thiệt thòi vì trong giấy khai sinh chỉ có họ tên mẹ mà không có tên cha. Còn nếu không đăng ký khai sinh sẽ không đăng ký được thường trú, không có thẻ bảo hiểm y tế, sau này liên quan đến các thủ tục nhập học của các cháu…

Ông Trịnh Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, việc người đồng bào dân tộc J’rai tại huyện Đức Cơ (Gia Lai) kết hôn với người Campuchia mà không hoàn tất các quy định của pháp luật không chỉ bản thân họ mất quyền lợi mà còn gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc quản lý nhân khẩu, làm quốc tịch, giải quyết chế độ cho con cái của họ đi học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phía sau những mối tình không biên giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO