Sân chơi của nông dân thời hội nhập

Theo Nhân Dân 16/04/2017 14:35

Trong gần một tuần qua, từ ngày 10/4, tại Công viên Lê Văn Tám, trên 300 gian hàng của các tổ chức và nông dân xuất sắc vùng Đông Nam Bộ đã giới thiệu và trực tiếp bán sản phẩm của mình làm ra cho khách hàng tại TP Hồ Chí Minh. Đó là những sản phẩm nông nghiệp sạch, đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo…

Người dân TP Hồ Chí Minh tham quan, tìm hiểu mô hình trồng rau sạch tại Hội chợ triển lãm.

Tại đây, các tổ chức, cá nhân các vùng miền còn trao đổi, hợp tác và chuyển giao khoa học-kỹ thuật về nuôi trồng, chế biến sản phẩm, với mục đích cùng nhau phát triển lớn mạnh.

Cho dù chưa có thống kê chính thức, nhưng theo thống kê của Ban tổ chức Hội chợ và triển lãm thành tích nông dân xuất sắc thời hội nhập-nông nghiệp đô thị và giao thương vùng Đông Nam Bộ, sau một tuần đã có hàng vạn lượt người dân, doanh nghiệp đến tham quan, mua hàng và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Điều thành công hơn cả, như đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, là để người nông dân có cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình tại thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh và xa hơn là xuất khẩu đến các nước trên thế giới.

Theo Ban tổ chức, trong số hơn 300 gian hàng ở hội chợ, có khoảng 160 gian hàng của những nông dân xuất sắc, Hội nông dân các tỉnh, thành và đại diện các hợp tác xã nông nghiệp điển hình, các làng nghề truyền thống của vùng Đông Nam Bộ và một số tỉnh, thành phía nam.

Đến đây, người sành ăn TP Hồ Chí Minh có thể tìm thấy các mặt hàng đặc sản của các tỉnh, thành lân cận và mua với giá phải chăng, như: thanh long ruột đỏ của huyện Trảng Bom, Đồng Nai; bơ sáp ở huyện Bù Gia Mập, Bình Phước; chuối Fohla đến từ huyện Đức Hòa, Long An; hay trà Dung Cazin - lá cây mọc tự nhiên, gần giống như lá chè xanh uống vào giúp tiêu hóa tốt, hạ huyết áp và hàng trăm sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo.

Phong phú hơn cả là gian hàng của Hội nông dân tỉnh Long An, tại đây khách hàng có thể mua gạo Nàng Thơm chợ đào, gạo huyết rồng nổi tiếng của cơ sở sản xuất nông nghiệp Thiện Lộc (huyện Tân Trụ) hay mua những nải chuối Fohla vàng rực, trông rất bắt mắt của ông Võ Quan Huy (huyện Đức Hòa).

Theo ông Huy, để trồng và chăm sóc 200 ha chuối Fohla, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Singapore, Trung Đông… không phải dễ. Vạn sự đều khó lúc đầu, khi đã thành nề nếp rồi thì lại suôn sẻ, dự kiến trong ba năm tới sẽ phát triển quy mô trang trại lên 1.000 ha, ông Huy nói thêm.

Đúng vào những ngày thời tiết tại TP Hồ Chí Minh đang nắng nóng, nhiều khách hàng đã ghé uống thử và mua sản phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc như: trà Sơn mật hồng sâm của nhà phân phối Ngọc Mai (Đà Lạt, Lâm Đồng); nấm linh chi của Công ty TNHH Sài Gòn Linh Chi và trà Dung Cazin của tỉnh Bình Định….

Báo cáo từ Ban tổ chức cho biết, chỉ riêng gian hàng trà Dung Cazin và mật ong đã đạt doanh thu hơn 10 triệu đồng/ngày; Tỏi tía đen Linh đan của Trung tâm nghiên cứu thực phẩm và dinh dưỡng FNC và nhiều sản phẩm khác liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng đều khá đắt khách.

Chen chân trong Hội chợ, chúng tôi cảm nhận rõ rệt được không khí mua sắm rất sôi động. Hàng trăm người tay xách nặng những túi lớn, nào rau sạch, thịt sạch, thức uống dinh dưỡng… đến cả rau thơm.

Bà Phùng Thị Hà, ngụ tại đường Võ Thị Sáu, quận 3 cho biết, đây là cơ hội để mua hàng trực tiếp, giá rẻ, chất lượng tốt và cơ bản là biết rõ nguồn gốc của sản phẩm, do đó mua để tủ lạnh dùng dần.

Không chú ý đến thực phẩm, ông Nguyễn Thế Hùng, một cán bộ về hưu, hiện ngụ tại quận Phú Nhuận, lại đến đây để “săn tìm” giống hoa lan mà ông thích. Theo ông Hùng, mua tại đây giá vừa phải, lại được chính chủ nhân bán cây hướng dẫn tỉ mỉ cách trồng, chăm sóc và dưỡng cây để có hoa…

Theo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội chợ, triển lãm lần này đã quy tụ được những nông dân giỏi tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ để chính họ có điều kiện giới thiệu, trực tiếp bán sản phẩm đến người tiêu dùng.

Thông qua người tiêu dùng, từ đó cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Dịp này, Ban tổ chức cũng hỗ trợ 100% chi phí thuê gian hàng trưng bày, triển lãm sản phẩm đối với các cá nhân, hợp tác xã nông nghiệp điển hình tiên tiến tham gia Hội chợ.

Bên cạnh những thành công từ Hội chợ, vẫn còn đó những nỗi lo của những người nông dân về diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp; tính liên kết trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo; chất lượng cây, con giống chưa cao; những chính sách hỗ trợ từ nhà nước chưa đủ mạnh để nông nghiệp “phất lên”.

Một nông dân trồng lan ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) cho biết, người nông dân hiện nay vẫn “tự bơi” là chính. Riêng ông Đoàn Trung Ngọc, một nông dân trồng thanh long ruột đỏ xuất sắc của tỉnh Đồng Nai thẳng thắn cho rằng, thị trường nông sản xuất khẩu của Việt Nam thiếu ổn định, nhiều rủi ro, do đó Nhà nước cần có chính sách thiết thực hỗ trợ nông dân, tránh tình trạng nhiều nông dân, nhiều mô hình thành công trong nông nghiệp, nhưng sản phẩm làm ra chẳng biết bán cho ai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân chơi của nông dân thời hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO