Tạo sân chơi cho trẻ em

N.Phượng 17/07/2019 06:39

Do đất chật, người đông, nhiều sân chơi bị lấn chiếm làm quán ăn, chỗ gửi xe… nên cứ dịp nghỉ hè, trẻ em Hà Nội luôn thiếu chỗ vui chơi. Trong khi đó, khu vực nông thôn lại thiếu chỗ vui chơi do không có kinh phí. Tuy nhiên, những năm gần đây, các đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thành phố đã có nhiều nỗ lực “giành lại” sân chơi, cũng như xây dựng nhiều sân chơi cho trẻ em.

Tạo sân chơi cho trẻ em

Khánh thành sân chơi cho trẻ em là con công nhân tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội­­­.

Hoạt động giàu ý nghĩa

Những ngày đầu hè vừa qua, Thành Đoàn Hà Nội đã khánh thành và trao tặng một sân chơi cho trẻ em là con công nhân con công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Sân chơi có khá nhiều thiết bị như đu quay, các trò chơi giúp trẻ vận động, leo trèo, thú nhún, cầu bập bênh… Tổng trị giá của bộ thiết bị vui chơi cho trẻ em là 30 triệu đồng. Đời sống công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long còn không ít khó khăn. Bởi vậy, các thiết bị vui chơi giải trí cho các em giúp các bậc phụ huynh yên tâm hơn trong công tác.

Em Trần Luân, học sinh lớp 3D trường Tiểu học Kim Chung hào hứng cho biết: “Trước đây, khi chưa có các thiết bị vui chơi, chúng em chỉ quanh quẩn trong nhà hoặc rủ nhau đá bóng. Bây giờ, có nhiều thiết bị cho chúng em vui chơi nên rất vui. Cứ buổi chiều chúng em sẽ rủ nhau ra đây chơi, tập thể dục”.

Thành phố Hà Nội có khu vực ngoại thành khá rộng lớn, trong đó một số nơi nhiều huyện còn khó khăn về kinh tế, dẫn tới việc các em học sinh thiếu sân chơi. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều em tham gia các trò chơi nguy hiểm. Đã có những trường hợp đuối nước thương tâm xảy ra. Với trách nhiệm chăm sóc thế hệ tương lai của đất nước, từ năm 2012, Thành đoàn Hà Nội đã phát động và triển khai một đề án đầy ý nghĩa là “Tuổi trẻ Thủ đô chung tay xây dựng sân chơi cho thiếu nhi các huyện, thị xã ngoại thành”. Các đoàn viên trực tiếp đóng góp, đồng thời các cấp của Thành Đoàn huy động các nguồn lực xã hội hoá để mua sắm thiết bị. Trong khi đó, các địa phương chịu trách nhiệm bố trí mặt bằng. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên tại các huyện, xã một số địa phương cũng chủ động huy động nguồn lực để tạo sân chơi cho trẻ em.

Hoạt động của Đoàn Thanh niên được cộng đồng dân cư nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều nơi thấy phong trào phát động, người dân tự nguyện đóng góp them ngày công, vật liệu xây dựng để hoàn thiện sân chơi. Sân chơi thôn Nội xã Xuy Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) là một điển hình. Với số tiền 50 triệu đồng Thành đoàn Hà Nội hỡ trợ, Huyện đoàn Mỹ Đức và đoàn viên, thanh niên và nhân dân xã Xuy Xá đã đóng góp thêm tiền của, ngày công để tạo nên một sân chơi đẹp, với nhiều dụng cụ vui chơi phong phú.

Nếu khu vực ngoại thành thiếu kinh phí thì khu vực nội thành Hà Nội lại gặp khó bởi đất chật, người đông. Nhiều sân chơi ở các khu tập thể bị người dân lấn chiếm làm hàng quán, nơi gửi xe… Tại khu vực nội thành, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ lại đóng vai trò quan trọng. Chị em thường phối hợp với các đoàn thể vận động người dân trả lại sân chơi. Sau đó, vận động người dân đóng góp tiền của, công sức để mua trang thiết bị cho sân chơi. Điển hình là Hội Phụ nữ các quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân… Trong đó, phụ nữ phường Ngọc Hà quận Ba Đình đã tạo được tới 3 sân chơi.

Nhân rộng mô hình

Nhiều năm qua, trung bình mỗi năm Thành Đoàn Hà Nội xây dựng được từ 10 đến 12 sân chơi. Các cấp Hội Phụ nữ cũng tạo dựng được hàng chục sân chơi. Mô hình các đoàn thể đứng ra chủ trì, vận động nhân dân xây dựng sân chơi đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, số lượng sân chơi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thiếu nhi Thủ đô, cả khu vực nội thành lẫn ngoại thành.

Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm Nguyễn Quý Hợi trăn trở: Việc kêu gọi xã hội hóa xây dựng sân chơi trẻ em không khó, nhưng do quận thiếu quỹ đất công nên “lực bất tòng tâm”. Còn tại khu vực ngoại thành, do nguồn lực của Đoàn Thanh niên có hạn, còn số lượng xã, thôn cần xây dựng sân chơi lại rất lớn. Việc huy động “vốn đối ứng” tại một số địa phương cũng không dễ dàng, do ý thức người dân chưa cao.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Hương- nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng sân chơi bổ ích cho trẻ là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Để giải quyết tình trạng thiếu sân chơi, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như của cả cộng đồng, bắt đầu từ việc làm cụ thể, nhỏ nhất, như: Thay mới, lắp đặt trang thiết bị vui chơi; tổ chức các phương thức hoạt động hiệu quả, hữu ích tại các điểm vui chơi... Về lâu dài, việc quy hoạch mạng lưới sân chơi cho trẻ em từ thành thị đến nông thôn cần được tính đến, góp phần tạo ra môi trường lành mạnh, hữu ích cho trẻ em vui chơi, phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sân chơi cho trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO