Thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất

Trung Hiếu 27/10/2017 14:30

Phát biểu tại buổi làm việc nhằm nắm bắt tình hình, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) và Luật Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh khẳng định, thành công của Tuyên Quang đến từ sự thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh phát biểu tại buổi giám sát.

Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khoá XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ, ngày 27/10, tại Tuyên Quang, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cùng đoàn công tác đã đi khảo sát một số mô hình và làm việc với tỉnh Tuyên Quang nhằm nắm bắt tình hình, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) và Luật Khoa học và Công nghệ.

Tham dự buổi làm việc có ông Lê Bá Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trần Ngọc Thực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cùng đại diện các sở, ngành trong tỉnh.

Ông Đỗ Hồng Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang cho biết, hoạt động khoa học công nghệ đã có bước chuyển biến quan trọng cả về nhận thức và hành động, đạt được một số kết quả nhất định, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác nghiên cứu khoa học đã được mở rộng cả về chiều rộng và chiều sâu, có những bước đổi mới theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Quang cảnh buổi giám sát.

Việc xác định danh mục đề tài, dự án hằng năm đã bám sát vào quy hoạch phát triển khoa học, công nghệ và các chương trình, kế hoạch trọng tâm của tỉnh, cụ thể:

Trong giai đoạn 2012-2017, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 132 đề tài, dự án khoa học và công nghệ, các đề tài, dự án đã tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, các công nghệ mới tiên tiến, hiện đại phục vụ phát triển kinh tế - xã của tỉnh.

Trong tổng số 132 đề tài, dự án đã và dang triển khai thực hiện, số lượng đề tài, dự án lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao (42,42%), trong đó có tới 32,14% đề tài, dự án nghiên cứu về 5 cây, 2 con chủ lực của tỉnh. Tỉnh đã huy động được các nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước, đạt 42,2%.

Ông Đỗ Hồng Thanh cũng cho biết, việc cơ giới hoá các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản hàng hoá cũng từng bước được nâng cao như đã áp dụng biện pháp cơ giới hóa trong sản xuất chè, áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt cho mía, xây dựng kho bảo quản và dây chuyền chế biến nước cam ép tại Hàm Yên, kho bảo quản lạc giống tại Chiêm Hóa... đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 7.144,2 tỷ đồng năm 2015 lên 7.733,4 tỷ đồng năm 2017.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh và Đoàn công tác thăm mô hình trồng cam sành theo mô hình cấy ghép mô mới tại huyện Hàm Yên.

Đại diện Sở KH&CN tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển những sản phẩm chủ lực của tỉnh như cam, chè, mía, lạc, cây lâm nghiệp, trâu, cá đặc sản.

Cùng với đó là các nghiên cứu ứng dụng để tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng, sản lượng các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Một mô hình trồng cam sành cho năng suất cao ở huyện Hàm Yên.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh khẳng định, thành công của Tuyên Quang đến từ sự thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất.

Qua việc tập trung đầu tư, nghiên cứu vào 5 loại cây chủ lực của tỉnh, khuyến khích bà con sử dụng nguồn nông sản thế mạnh của địa phương, đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã tăng sản lượng lên 40% so với trước khi triển khai ứng dụng của Luật Khoa học và Công nghệ.

Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Tuyên Quang trong việc đầu tư, phát triển, thu hút nhân lực phục vụ cho khoa học công nghệ, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho rằng, tỉnh cần phát huy thế mạnh trong việc tập trung vào các công trình khoa học nghiên cứu từ các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu khoa học ở trung ương, từ đó đưa các ứng dụng về địa phương sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển sản phẩm của toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần khuyến khích các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tại địa phương để đưa sản phẩm nghiên cứu ứng dụng rộng rãi trong mỗi hộ gia đình, tăng giá trị sản xuất trong nông nghiệp, công nghiệp và khoa học kỹ thuật.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh mong muốn trong thời gian tới tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện tốt 4 nhóm giải pháp đã đề ra, đưa khoa học, công nghệ vào phát triển các sản phẩm đặc trưng và thế mạnh của địa phương.

* Chiều ngày 26/10, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cùng đoàn công tác đã đi thăm mô hình trồng cam tại thôn 65, xã Yên Lâm và thăm Trung tâm sản xuất giống cam sành sạch bệnh tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO