Tình người trong lũ dữ

Bắc Vũ - Hạnh Nguyên - Xuân Thi 18/10/2016 03:44

Đợt lũ khủng khiếp bắt đầu từ ngày 13/10 đối với các tỉnh miền Trung từ Nghệ An tới Quảng Trị đã khiến người dân các địa phương này gặp muôn vàn khó khăn. Khi lũ chưa qua, siêu bão số 7 lại đe dọa. Trong cơn lũ dữ, người dân miền Trung đã kiên cường vượt qua khó khăn. Cả nước hướng về miền Trung với sự sẻ chia đầy nghĩa tình, trách nhiệm.

Tình người trong lũ dữ

Chiến sỹ công an đưa hàng cứu trợ đến với bà con vùng lũ Quảng Bình (Ảnh: Xuân Thi).

3.000 học sinh Nghệ An vẫn chưa thể đến trường

Mặc dù đã ngớt mưa nhưng diễn biến nước lũ ở Hưng Nguyên, nhất là các xã ngoài đê đang rất phức tạp. Có khoảng 1.100 người dân các xóm ngoài đê đang bị cô lập hoàn toàn.

Tính đến chiều ngày 17/10, toàn tỉnh Nghệ An đã có 3 người chết, thiệt hại ban đầu là rất lớn.

Cụ thể, 3/10 xóm ngoài đê của xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đang bị cô lập hoàn toàn, học sinh chưa thể đi học được. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong các ngày 14, 15 tháng 10, trên địa bàn huyện Hưng Nguyên xảy ra mưa rất to gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp.

Mặc dù UBND huyện đã triển khai các phương án phòng chống thiên tai theo công điện chỉ đạo của cấp trên, tuy nhiên do mưa lớn trên diện rộng kết hợp nước sông Lam lên nhanh đã gây thiệt hại khá nặng trên địa bàn và đã có 1 người thiệt mạng.

Vào lúc 8h sáng 17/10, tại đồng Biền Làn, anh Nguyễn Văn Ngọc (sinh năm 1974) ở xóm Yên Trung - xã Hưng Thịnh bị đuối nước.

Tính đến thời điểm này, thống kê sơ bộ huyện Hưng Nguyên đã có 155 ha lúa mùa muộn bị mất trắng do đổ, ngập. Ngoài ra, có 65ha bí, 150 ha ngô 225ha rau màu, 5 ha chanh cam bị ngập nặng, thiệt hại trên 70%.

Số gia cầm trên 21 ngày tuổi bị chết và lũ cuốn trôi 3.500 con. Về thủy sản, có 300ha cá vụ 3 và 355 ha cá chuyên canh thiệt hại trên 70%.

Mưa lớn những ngày qua cũng làm sạt lở núi tại xã Hưng Yên Nam dài 200m, ảnh hưởng tới 30 hộ dân sinh sống dưới núi. Các công trình như: tràn cầu Thạch Tiền tại xã Hưng Yên Nam; đường Nguyễn Văn Trỗi đoạn qua xã Hưng Yên Nam dài 100m bị sạt lở gây hư hỏng nặng; cầu xóm Đại Huệ xã Hưng Tây bị sập…

Ngoài ra, kênh mương tưới tiêu cấp 1, cấp 2 bị sạt lở hư hỏng ở nhiều xã hơn 10km; sạt lở đất bờ sông tại xã Hưng Lam với chiều dài 800m. Nhiều tuyến đường bị ngập và hư hỏng nặng với chiều dài hơn 5km.

Mưa lớn gây ra tình trạng ngập lụt cục bộ tại một số khu vực, làm gián đoạn cấp điện trên địa bàn các huyện: Quỳ Châu, Con Cuông, Yên Thành và TP Vinh. Hiện còn gần 6.000 khách hàng đang chịu cảnh mất điện.

Trước đó, ngày 16/10, ông Nguyễn Đắc Vinh- Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác tỉnh Nghệ An kiểm tra công tác khắc phục lụt bão ở Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và chia sẻ động viên bà con bị thiệt hại.

UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có Công điện số 32/ CĐ-UBND về việc khẩn trương khắc phục thiệt hại mưa lũ và chuẩn bị đối phó với cơn bão số 7.

Tại huyện Nam Đàn hiện còn gần 3.000 học sinh vẫn chưa thể đến trường gồm học sinh của 3 xã Nam Cường, Nam Kim, Nam Trung. Nguyên nhân chính do mưa lớn những ngày qua khiến tuyến đường liên xã chạy qua địa bàn bị ngập sâu, việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, do địa bàn các xã này đều nằm sát chân núi nên nguy cơ nước suối ập xuống bất ngờ là rất lớn.

Tình người trong lũ dữ - 1

Màn trời chiếu đất (Ảnh: Hạnh Nguyên).

Nỗi buồn nơi “rốn lũ” Hương Khê

Con đường dẫn về xã Lộc Yên (Hương Khê) vẫn còn hằn sâu dấu vết của nước lũ. Cơn lũ bất ngờ ập đến đã cuốn đi của cải của người dân quanh năm chân lấm tay bùn.

Để vào được nhà ông Đinh Biểu (83 tuổi, thôn Hương Giang) chúng tôi phải lội qua bùn đất lầy lội. Ngôi nhà nhỏ của ông Biểu lợp Phibro ximăng xen lẫn tranh kè mục nát và xiêu vẹo chỉ sau một trận lũ quét.

Ông Biểu trầm ngâm kể: “7h tối 14/10, nước ở thượng nguồn ầm ầm đổ về bất ngờ, chỉ sau 15 phút nước đã ngập đến thắt lưng, tôi chỉ kịp với theo 2 cân gạo theo người để chạy vội sang ủy ban xã ngay gần đấy.

Đi được một đoạn thì dẫm phải vũng nước sâu, ngã xoài trong nước nhưng vẫn cố nâng bao gạo lên nên bây giờ mới nấu được bát cơm mà ăn”.

Gà, vịt, nồi niêu, vật dụng trong nhà của ông bà đã trôi theo dòng nước, đến cả sạp dường cũng bị cuốn đi, chiếc dường chỉ còn trơ lại 4 tấm khung.

“Vài chục con gà thịt chúng tôi chăm chút để phòng khi ốm đau giờ cũng mất rồi. Bây giờ ăn cơm với con cá rô được người ta cho chứ có chi ăn mô”- ông Biểu vừa nói vừa chỉ vào bát cơm ăn dở của mình.

Theo ông Đinh Công Phúc- xóm trưởng Hương Giang, gia đình ông Biểu là hộ nghèo của xã, chỉ còn hai ông bà nương tựa vào nhau, mỗi tháng sống nhờ vào 180 nghìn đồng tiền trợ cấp của Nhà nước.

Khi biết tin thủy điện Hố Hô xả lũ, vợ ông đã chạy vội tới chỗ cao nên thoát nạn. Ông Biểu ở lại để mong cứu vớt được phần nào của cải trong nhà nhưng cũng đành bó tay vì lũ đến quá nhanh.

Cũng ở xóm Hương Giang nhưng gia đình cụ Phạm Thị Minh (86 tuổi) ở gần mép sông Ngàn Sâu lại bị lũ cuốn trôi cả bàn thờ.

“Tôi mới nhờ người dựng lại bàn thờ, chưa kịp lau chùi, tối hôm đó nước ngập lút cả bàn thờ lại chảy rất mạnh nên bị cuốn đi, nếu không có cửa chính giữ lại thì giờ này chắc không còn nữa”- cụ Minh nói.

Chị Trần Thị Thu - con dâu cụ Minh kể: “Tối 14/10, sau khi dắt trâu sang xóm bên lánh nạn trở về thì nước đã ngập băng vườn, tôi chỉ kịp dọn dẹp, đưa ít đồ lên chạn cất, 15 phút sau quay ra để sang xóm bên trú ẩn nhưng không đi được nữa, đành phải bơi đến nhà trong xóm cao hơn để tránh lũ.

Chưa bao giờ tôi thấy cơn lũ nào lên nhanh như thế này. Khi lũ rút, trở về thì bàn thờ bị đổ, nhà bếp bị sập, gần 100 con gà cũng ngập nước chết hết. Một trăm gốc bưởi trồng được 3 năm, nay cũng bị nước lũ làm cho bật gốc, chắc là chẳng cứu lại được nữa. Chúng tôi giờ không biết lấy gì mà nuôi mẹ già, con nhỏ nữa. Nhà ở cạnh sông Ngàn Sâu, nước lũ làm sạt lở bờ sông nên nhà chúng tôi có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào”.

Tình người trong lũ dữ - 2

Xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn bị nước lũ chia cắt.

Dọc những con đường làng ở xã Lộc Yên, người dân tranh thủ trời hửng nắng đưa chăn, màn, đệm, tủ lạnh, tivi… ra phơi. Đau xót nhất là cảnh bà Phạm Thị Yên (xóm Hương Giang) đang cố gắng “cứu” lấy mấy tạ thóc đã mọc mầm đen kịt.

Nhà bà Yên làm mấy sào ruộng, một năm chỉ gieo được một vụ mùa tháng năm, được 5 tạ lúa để dành ăn từ giờ đến sang năm giờ đã bị nước lũ nhấn chìm. “Giờ có phơi mấy thì người cũng không ăn được nữa, để đấy cho gà ăn, mà gà cũng chết hết rồi, không phơi thì tiếc đứt ruột, công mình bỏ ra mấy tháng trời xôi hỏng bỏng không hết”- bà Yên than thở.

Ngồi bên cạnh bà Yên là chị Nguyễn Thị Hạnh (xóm Hương Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Mất sạch rồi! Tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, quần áo, sách vở các con cùng tấn lúa vừa thu hoạch chưa kịp bán, đàn gà gần 200 con vừa đi ấp về...

Tất cả đều gửi lại cho nước lũ cả rồi! Giờ nước rút, nhà tôi như một bãi chiến trường, bùn phủ khắp nhà, vợ chồng con cái quét dọn, lau chùi hết 1 ngày mà vẫn chưa xong. Lúa má thì ướt, đã mọc mầm, mốc đen.

Giếng nước, bể nước đều bị ngập, rác rưởi tấp đầy, phải đạp xe đi xin nước sạch về dùng. Mọi sinh hoạt của gia đình đều đảo lộn. Không biết đến khi mô mới ổn định cuộc sống đây…?”.

Nước lũ lên nhanh khiến trường Tiểu học Lộc Yên ngập chìm trong biển nước. Toàn bộ dụng cụ thiết bị hư hỏng gây thiệt hại lớn.

Các thầy cô giáo cùng sự giúp sức của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 (Nghệ An) đang tích cực dọn dẹp vệ sinh để đưa học sinh quay lại trường một cách sớm nhất. Một giáo viên cho biết: “Toàn bộ cơ sở vật chất đều chìm trong nước, toàn bộ thiết bị phòng học hư hỏng, hồ sơ, giáo án ngấm nước cả rồi. Đau xót quá!”.

Ông Nguyễn Văn Ngọc- Phó Chủ tịch xã Lộc Yên cho biết: “Hiện tại vẫn còn 2 xóm Hương Yên và Trường Sơn bị cô lập. Xã đang cố gắng tiếp tế lương thực để giúp người dân cầm cự qua cơn lũ.

Khổ nhất hiện tại là những vùng ngập lũ người dân không có nước để dùng. Các công trình nước sạch tại các gia đình đã bị nước lũ làm vẩn đục ngập bùn. Hiện hàng ngàn hộ dân lo lắng vì trong những ngày tới không biết lấy nước đâu mà dùng và dọn dẹp nhà cửa”.

Cũng theo ông Ngọc, Lộc Yên không có người chết, chỉ có 4 người bị thương; toàn xã có 1.236 ngôi nhà bị ngập, trong đó có 25 ngôi nhà bị hư hỏng nặng; hơn 15.800 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; 4.800 gốc bưởi bị bật gốc; 32 tấn lương thực bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại hơn 18,8 tỷ đồng.

Ngày 17/10, những chuyến xe hàng cứu trợ đã và đang đến với người dân. “Một miếng khi đói hơn một gói khi no”, những tình cảm, sự sẻ chia của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm đã làm ấm lòng biết bao người dân Hà Tĩnh.

Tại vùng tâm lũ của Hương Khê như Lộc Yên, Hương Đô, Hương Giang, Hà Linh, là những anh bộ đội Cụ Hồ, chiến sĩ công an, thanh niên tình nguyện… tích cực phụ giúp các gia đình gặp rủi ro.

Đặc biệt, tại các điểm trường học, mọi người khẩn trương lau dọn, chùi rửa vật dụng, dọn dẹp nhà cửa, nạo vớt bùn đất, thu dọn cây cối để mong sớm có chỗ cho học sinh quay lại lớp học.

Nỗi lo về ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh cũng được ngành y tế, môi trường và các ngành chức năng ưu tiên giải quyết.

Tại xã Phương Mỹ, đến chiều 17-10 nước lũ vẫn đang chia cắt hoàn toàn xã này. Ông Hoàng Xuân Tần- Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ (Hương Khê) cho biết: Đến chiều nay nước lũ đã rút được khoảng 2m nhưng vẫn còn hơn 130 hộ dân bị ngập, xã đang bị cô lập.

Đã có khá nhiều đoàn đến cứu trợ, trao mỹ tôm, nước uống, tiền hỗ trợ người dân nhưng do nước chảy quá mạnh, thuyền không thể vào được nên hôm nay, các đoàn cứu trợ không tiếp cận được với người dân. Ông Tần hy vọng, ngày mai cứu trợ sẽ đến được với người dân xã mình.

Đâu khó, có Mặt trận

Trong và sau lũ, với tinh thần trách nhiệm, cán bộ, chiến sỹ LLVT Quảng Bình đã và đang làm hết sức mình để góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân vùng lũ.

Đến cuối chiều 17/10, công tác cứu hộ cứu nạn, di dời người và tài sản vẫn đang được các lực lượng cứu hộ cứu nạn LLVT Quảng Bình triển khai hết sức tích cực, khẩn trương.

Chúng tôi có mặt tại xã Dương Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) vào sáng 17/10, mặc dù vẫn còn nhiều khu dân cư bị nước lũ chia cắt, tuy nhiên ở những nơi lũ đã rút, chính quyền địa phương, các đoàn thể đã huy động lực lượng đào đắp, tu bổ các tuyến đường giao thông nông thôn để bảo đảm cho người dân đi lại thuận lợi.

Ban Công tác Mặt trận các khu dân cư đã nắm bắt thông tin những hộ gia đình có nhà ở bị thiệt hại do mưa lũ để huy động bà con xóm giềng sửa sang để sớm ổn định cuộc sống.

Bà Lê Thị Thảo ở thôn Đông Thiện chia sẻ: “Do chồng đi vắng từ trước nên khi lũ về, một mình vật lộn với mấy trăm con gà và đàn lợn hơn 30 con rất vất vả. May nhờ có ông Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn huy động mọi người đến giúp nên gia đình không thiệt hại mấy. Chừ thì lũ rút rồi, tôi cùng bà con đến giúp những nhà bị hư hại với tinh thần trong hoạn nạn có nhau, giúp đỡ nhau”.

Sau khi nước lũ rút, chính quyền, đoàn thể huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) đã vận động, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn đồng loạt về giúp các xã bị ngập lụt sâu và thiệt hại nặng.

Tại xã Văn Hóa, Tiến Hóa, Châu Hóa... đoàn viên thanh niên, bộ đội, công an... đã triển khai thu dọn vệ sinh, nạo vét bùn đất ở các trục đường, trụ sở, trường học, để bảo đảm con em sớm trở lại học tập.

Phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng huyện triển khai phun tiêu độc khử trùng, hạn chế dịch bệnh xảy ra sau lũ lụt. Đặc biệt, các lực lượng khắc phục hậu quả lũ lụt đã cùng với người dân địa phương giúp đỡ các hộ có nhà sập, cuốn trôi dựng lại nhà tạm để ổn định cuộc sống...

Cũng tại huyện Tuyên Hóa, trên 300 kỹ sư, công nhân đã tham gia sửa đường đường sắt ở khu gian Lệ Sơn - Minh Lệ (đoạn từ xã Văn Hóa đến xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn).

Ông Trần Văn Sáu- Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Bình cho biết: Trong đợt lũ vừa rồi, đoạn đường sắt này bị sói trôi nền đường sâu từ 1- 2,5m. Đơn vị đang phối hợp với Công ty Hà Ninh tập trung sửa chữa đường để đảm bảo thông tàu đúng thời gian (dự kiến vào chiều ngày 17/10).

Hiện, đơn vị đang triển khai khắc phục bằng phương pháp kè, đắp nền và gia cố.

Ông Lê Duy Hưng- Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bố Trạch cho biết, khi lũ ngập sâu đã gây chia cắt ở xã Sơn Trạch, địa phương rốn lũ. Người dân chạy lũ ở trên những mái nhà nên thức ăn, nước uống rất thiếu thốn.

Ngay lúc này, không để bà con đói, Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp với Hội Chữ thập Đỏ huyện Bố Trạch khẩn trương dùng mọi phương tiện để kịp thời hỗ trợ bà con. Có thể nói, những thùng mỳ tôm cùng nước uống khi hoạn nạn sẽ chia phần nào với người dân khi nước lũ dâng cao.

Ngay chiều ngày 16/10, Ủy ban MTTQ huyện Quảng Ninh đã phân bổ 900 thùng mỳ tôm về các xã Tân Ninh, Hiền Ninh, Hàm Ninh, Duy Ninh, mỗi xã từ 200-250 thùng.

Tiếp đó, Ủy ban MTTQ huyện cũng đã trao 2 triệu đồng và 3 triệu đồng của Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình hỗ trợ cho mỗi gia đình có người chết do mưa lũ trên địa bàn.

Để giúp dân vượt qua khó khăn, Mặt trận các cấp ở Quảng Bình đang khẩn trương cứu trợ, tiếp nhận thông tin những hoàn cảnh khó khăn, địa phương bị thiệt hại nặng... để không một gia đình nào bị đói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình người trong lũ dữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO