Trí thức và Tôn giáo Thừa Thiên Huế với Cách mạng tháng Tám-70 năm nhìn lại

Phạm Hữu Thu 01/09/2015 16:16

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 1/9, Ban Thường trực UBMTTQVN-Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo “Trí thức và Tôn giáo Thừa Thiên Huế với Cách mạng tháng Tám-70 năm nhìn lại”.

Trí thức và Tôn giáo Thừa Thiên Huế với Cách mạng tháng Tám-70 năm nhìn lại

Quang cảnh hội thảo

T.S Lê Bá Trình, Phó chủ tịch UBTWMTTQVN; PGS-TS Trần Đức Cường, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì hội thảo với sự của nhiều nhân sĩ, trí thức, đại diện các vị chức sắc tôn giáo ở Huế.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thực chất là cuộc đấu tranh giành chính quyền của nhân dân ta chuyển từ chế độ quân chủ-thực dân sang chế độ dân chủ-độc lập. Trong cuộc cách mạng đó, theo PGS-TS Đổ Bang, Phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội KHLS Thừa Thiên Huế “ Huế giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong lịch sẻ dân tộc, góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử Việt Nam thời hiện đại. Kể từ ngày 23/8 và mốc cuối cùng qua sự kiện vua Bảo Đại thoái vị tại Huế, có thể nói vào thời điểm này, trang sử chế độ quân chủ Việt Nam sau hơn một nghìn năm đã kết thúc ( 938-1945).Việc vua Bảo Đại thoái vị ngày 30/8 tại cố đô Huế là sự kiện trực tiếp đưa đến ngày Quốc khánh 2/9-Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại thủ đô Hà Nội, công bố Việt Nam là một nước độc lập, tự do trước quốc dân và thế giới.”

Để có được ngày 23/8 và sau đó là 30/8 là cả một quá trình đấu tranh, vận động thắng lợi của cách mạng Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có vai trò to lớn của trí thức và tôn giáo của cả nước mà Thừa Thiên Huế là nơi tiêu biểu.

Tham luận tại hội thảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã dành sự quan tâm đến ý nghĩa chính trị của sự kiện “ Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy ( tên thật của cựu hoàng Bảo Đại) trong chính thể Cộng hòa từ ngày nước ta tuyên bố độc lập ( 2/9/1945) cho đến sau ngày Toàn quốc kháng chiến ( 19/12/1946).

Tư liệu trích dẫn cho thấy trong bối cảnh “ lưỡng đầu thọ địch”, sự có mặt của Cố vấn Vĩnh Thụy đã “ hợp pháp hóa chính quyền non trẻ mà nhân dân vừa giành được trước thế giới, đặc biệt đối với lực lượng Đồng Minh” qua đó lưu tâm về thuật dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đề cập về vai trò lãnh đạo của Đảng và Mặt trận trong Cách mạng tháng Tám ở Thừa Thiên Huế, nhà báo Dương Phước Thu, Phó chủ tịch Hội nhà báo Thừa Thiên Huế trích dẫn từ một văn kiện của Đảng cho biết: “ Ngay trong “ đêm trước của cuộc cách mạng”, tại Hội nghị đầm Cầu Hai, “ Mặt trận Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp-Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở.” Chủ trương này đã được ông Trần Phùng, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rỏ: “ Mặt trận Việt Minh Thừa Thiên Huế đã công bố Tuyên ngôn, chương trình hành động, điều lệ và chính sách đoàn kết cứu quốc, kiên quyết chống ngoại xâm nên đã vận động, tranh thủ được sự đồng lòng ủng hộ của nhiều vị trong chính phủ Trần Trọng Kim, vận động Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn thoái vị và trong dòng người cuồn cuộn trào dâng khí thế cách mạng có đủ thành phần: công nhân, nông dân, trí thức, tiểu thương, già trẻ, gái trai, lương giáo và cả những người trong hoàng tộc triều Nguyễn đã đứng lên khởi nghĩa ngày 23/8/1945 giành chính quyền ở Thừa Thiên Huế về tay nhân dân.”

Một vấn đề thú vị mang tính đặc thù của Cách mạng tháng Tám ở Thừa Thiên Huế là vai trò của Trường Thanh niên tiền tuyến được nội các Trần Trọng Kim thành lập nhưng đã được “ Việt Minh hóa” trong xu thế vận động yêu nước của Mặt trận.

Ngày 21/8/1945, Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương ( Cao Pha), những học viên của ngôi trường này được giao nhiệm vụ hạ cờ quẻ ly của Nam triều và treo cờ đỏ sao vàng của Việt Minh lên kỳ đài Huế, báo hiệu sự sụp đổ của nền quân chủ chuyên chế và thắng lợi của Csch mạng Việt Nam.

Trí thức và Tôn giáo Thừa Thiên Huế với Cách mạng tháng Tám-70 năm nhìn lại - 1

Nhận định về hiện tượng độc đáo này, PGS-TS Trương Công Huỳnh, Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế cho rằng: “ Cùng với xây dựng lực lượng chính trị, Sinh viên Trường Thanh niên tiền tuyến còn góp phần quan trọng tạo dựng lực lượng vũ trang cách mạng của tỉnh. Bản thân Trường Thanh niên tiền tuyến là lực lượng vũ trang với thành phần đặc biệt là thanh niên trí thức. Đây được xem là lực lượng vũ trang nòng cốt đầu tiên của Việt Minh Thuận Hóa bên cạnh lực lượng tự vệ cứu quốc của Việt Minh tỉnh.” Và “ Chính vị Chủ tịch đầu tiên của UBNDCM lâm thời Thừa Thiên Huế sau khi giành chính quyền là Tôn Quang Phiệt cũng được hai thành viên của Trường Thanh niên tiền tuyến là Lê Khánh Khang và Phan Tử Quảng vận động chuyển lực lượng của đảng Tân Việt do cụ lãnh đạo sang Mặt trận Việt Minh.

Đề cập các tôn giáo Thừa Thiên Huế đồng hành với dân tộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng quê hương, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng: “ Đến cao trào Cách mạng tháng Tám, họ nhiệt tình hưởng ứng như toàn thể nhân dân. Và kể từ đó, đóng góp của quần chúng tín đồ và một số Cư sĩ, Tăng ni Thừa Thiên Huế dần được khẳng định. Cũng như tinh thần yêu nước ấy cũng góp phần thcs tỉnh nhận thức và tâm tư của các giáo dân, để rồi họ sẽ dần dần hòa nhập vào dòng thác của cao trào yêu nước về sau.”

Sau Cách mạng tháng Tám thành công có một sự kiện đáng nhớ nhưng ít ai biết đến.

Nhà báo Dương Phước Thu trích nguồn từ Báo Quyết Chiến số 13 ra ngày 8/9/1945 cho biết: “ Giáo đường Phủ Cam đã cử hành một cách long trọng lễ cầu Thánh tử đạo Việt Nam. Lễ này cốt ý xin Thiên Chúa che chở cho nền độc lập nước nhà được vững chắc. Ngày lễ này đã được Chính phủ Dân chủ Cộng hòa công nhận là quốc lễ và đã cử hành cùng một ngày trong các giáo đường toàn quốc.”

Đề cập về sự xã thân của Phật tử, Hòa thượng Thích Hải ẤN, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN Thừa Thiên Huế cho biết: “ Khi giặc Pháp ngoan cố trở lại, Tổ quốc lâm nguy , thì một số Phật tử trẻ tuổi đã gia nhập hàng ngũ quân đội để đánh giặc cứu nước, bảo vệ Đạo pháp và quý vị đã hy sinh theo tinh thần vô úy; mà sử sách Phật giáo Huế đã nghiêm trang thành kính ghi tên. Các Ngài đã “ sống như Chánh pháp, chết như Chánh pháp”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phật giáo Thừa Thiên Huế luôn là ngọn cờ tiên phong cho các cuộc xuống đường đấu tranh đòi hòa bình, độc lập dân tộc, quyền dân chủ, dân sinh và bình dẳng tôn giáo. Tiêu biểu nhất là sự kiện Phật giáo Huế năm 1963 đã dẫn đến sụp đổ của chế độ độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm.

Theo Hòa thượng Thích Đức Thanh, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN Thừa Thiên Huế: “ Chùa Từ Đàm là nơi hội tụ tinh thần đấu tranh của đạo pháp, của dân tộc, của Mặt trận. Các Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Thích Trí Thủ, Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Thiện Siêu… lại phải đứng lên trong các phong trào: đòi tự do tín ngưỡng, đòi dân sinh, đòi quyền sống. Những cái chét bất tử tại Đài phát thanh Huế, những vụ tự thiêu, những vụ xuống đường… đã làm chấn động lương tâm thời đại…”

Tiếp bước truyền thống, ngày nay theo Thượng tọa Thích Huệ Phước, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN Thừa Thiên Huế: “ Phật giáo Thừa Thiên Huế đang chú tâm công cuộc hoằng pháp lợi sanh, phụng đạo giúp đời, phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, Md việc quản lý, đào tạo TưngNi, xây dựng nguồn nhân lực cho các cấp Giáo hội là vấn đề then chốt. Tăng Ni Phật tử Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc với nhiệm vụ của mình là thàng viên đáng tin cậy của MTTWVN tỉnh, luôn tích cự tham gia xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.”

23 tham luận đã đề cập nhiều khía cạnh trước, trong và sau Cách mạng tháng Tám, qua đó như phát biểu của T.S Lê Bá Trình, Phó chủ tịchUBTWMTTQVN:

“Trí thức và tôn giáo ở Huế - Thừa Thiên giai đoạn 1930 – 1945 từ việc hình thành ý thức, manh nha giải pháp hành động cách mạng đến việc tập hợp lực lượng trong các hình thức, tổ chức của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, đặc biệt là Mặt trận Việt Minh đã đóng vai trò quan trọng cùng với lực lượng công nhân, nông dân và các giai tầng khác trong xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông dương và ngọn cờ của Việt Minh, làm nên thắng lợi của tổng khởi nghĩa ở Huế - Thừa Thiên trong cách mạng tháng Tám năm 1945 và phát huy vai trò to lớn của mình trong suốt 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc sau này, cũng như sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Với ý nghĩa đó, chúng ta hy vọng Hội thảo sẽ làm rõ những đóng góp to lớn của lực lượng trí thức và tôn giáo Huế từ những năm 30 cho đến cách mạng tháng Tám thành công, tiếp tục được phát huy trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc; đồng thời nêu lên những bài học kinh nghiệm về lòng yêu nước, ý thức dân tộc của các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khi được phát huy cao độ bằng một cuộc cách mạng mà chủ trương chính trị, mục tiêu đấu tranh đáp ứng khát vọng cháy bỏng của nhân dân là được giải phóng khỏi tròng áp bức, nô lệ và được sống dưới một chế độ tự do, dân chủ, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; Tổ quốc được giải phóng ra khỏi ách giày xéo của ngoại bang, được độc lập, thống nhất. Lực lượng nhân dân với mục tiêu khát vọng đó được tổ chức, đoàn kết lại trong một tổ chức mang tính liên minh chính chính trị với tuyên ngôn, điều lệ, chương trình hành động rõ ràng, phù hợp với quyền lợi chính đáng của mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp; Phương pháp hành động cách mạng khoa học, kịp thời cơ… đã biến thành sức mạnh vô địch, làm nên thắng lợi có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm ảnh hưởng quốc tế của cách mạng Việt Nam; đồng thời là những bài học quý giá để tập hợp, đoàn kết toàn dân thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trí thức và Tôn giáo Thừa Thiên Huế với Cách mạng tháng Tám-70 năm nhìn lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO