Tươi nắng Trường Sơn

Bình Nguyên 03/05/2019 08:10

Ngày 19/5/1959, đường Trường Sơn huyền thoại chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam ra đời. Từ bản Khe Hó, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; đơn vị vận tải đầu tiên của Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn là Tiểu đoàn 301 đã xuất quân cắt ngang đường 9 đưa chuyến hàng đầu tiên cho mặt trận Liên khu 5.

Tìm về bản Khe Hó những ngày cuối tháng 4, tôi gặp lại già Hồ Thanh. Hơn 60 năm đã trôi qua nhưng già vẫn không thể quên thời trai trẻ cùng bộ đội mở đường Trường Sơn.

Tươi nắng Trường Sơn

Một góc bản Ka Tăng. Ảnh : Bình Nguyên.

Từ trụ sở UBND xã Vĩnh Hà, tôi theo chân già Hồ Thanh và già Hồ So (nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà những ngày đầu tiên khi đất nước hoàn toàn thống nhất 1975) về bản Khe Hó cũ – nơi còn lưu lại vết tích của những ngày đầu mở đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh huyền thoại).

60 năm đã trôi qua nhưng ánh mắt già Hồ Thanh và già Hồ So vẫn như reo dưới nắng khi đưa khách lạ đến điểm khởi đầu của đường mòn Trường Sơn, cách bản Khe Hó khi xưa một lạch nước sâu, bên dưới dãy núi Động Nóc - Vĩnh Hà.

Năm 1959, trước khi mở đường Trường Sơn, bộ đội và thanh niên xung phong (TNXP) được dân bản Khe Hó che chở, cưu mang. Ban ngày, dân bản Khe Hó lên rẫy, đêm đêm lại cùng bộ đội và TNXP đào hầm tránh đạn, bom để mở đường mòn bí mật.

Già làng Hồ Thanh kể, bản Khe Hó thời ấy cực khổ nhiều nhưng vui lắm, thanh niên thì đào hầm, mở đường, người già thì nấu ăn, trẻ con làm liên lạc cho bộ đội. Chỉ tay về phía gốc mít cổ thụ ở góc rừng, mắt già Hồ Thanh rơm rớm nhớ về những người đã hy sinh.

“Khi vắng máy bay Mỹ, bộ đội với TNXP mắc võng ở đó nghỉ ngơi. Một buổi trưa loạt bom B52 bất ngờ trút xuống cắt ngang 4 nhánh cây lớn, làm 5 người hy sinh, trong đó có 2 nữ TNXP. Sau loạt bom, cây mít không kết trái nữa nhưng nó vẫn kiên cường chịu đựng thêm không biết bao nhiêu loạt bom đạn, bắn phá của quân thù”.

Dân bản Khe Hó đếm được trên thân cây mít có 100 vết sẹo sần sùi do bom đạn trút xuống nhằm hủy diệt từ trứng nước con đường huyền thoại. Từ điểm đầu đường mòn Trường Sơn bí mật sát với bản Khe Hó cũ, bộ đội Đoàn 559 dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thượng tá Võ Bẩm, mở đường theo hướng Tây Nam, vượt sông Bến Hải, qua đỉnh Voi Mẹp, (xã Hướng Hiệp, huyện Hướng Hóa). Từ đỉnh Voi Mẹp, những người lính 559 cùng với TNXP và dân bản Khe Hó tiếp tục mở lối sang Rào Quán, vượt đường 9 đến Pa Lin (Tây Nam Thừa Thiên - Huế)...

Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên của Đoàn 301 và Đoàn 559, xuất phát từ điểm đầu Khe Hó, đã chính thức vượt Trường Sơn dưới mưa bom bão đạn, sau 8 ngày đêm vào đến Tà Riệp - Bắc A Lưới an toàn, chi viện cho chiến trường miền Nam...

Từ năm 1975 đến nay, già Hồ Thanh và già Hồ So (có thời gian dài làm Bí thư chi bộ bản Khe Hó) đã cùng với đồng bào Vân Kiều ở đây nỗ lực vươn lên, thay đổi cuộc sống. 2 già đã vận động dân bản chọn nơi thuận lợi về giao thông để định cư, hình thành bản Khe Hó mới gần trụ sở UBND xã Vĩnh Hà.

Tươi nắng Trường Sơn - 1

Người Vân Kiều trên đường Hồ Chí Minh qua Quảng Trị. Ảnh : Bình Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà xúc động kể, trước khi định cư ở bản mới, già Hồ Thanh và già Hồ So động viên dân bản tìm kiếm, cất bốc hết hài cốt của bộ đội, TNXP hy sinh trong khi mở đường Trường Sơn đưa về an táng ở nghĩa trang liệt sĩ.

Bản Khe Hó mới hiện có 39 hộ dân với gần 300 nhân khẩu. 15 năm trở lại đây, nhiều hộ Khe Hó đã giàu lên. Già Hồ Táo (trên 90 tuổi), kể: 30 năm trước, pả (bố) được Nhà nước hỗ trợ tiền mua con bò giống, nhờ chăm sóc tốt, nay pả có đàn bò hàng chục con. Đó là chưa kể số bò được pả bán đi để nuôi con và cháu ăn học. Cùng với đàn bò, gia đình pả làm nhiều ruộng lúa nước, thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng.

Ở bản Khe Hó, những người giàu như pả nhiều lắm nhưng có người còn giàu hơn với đàn bò hàng trăm con và hàng chục ha rừng trồng phủ xanh đất trống đồi trọc, thu lợi mỗi năm hàng tỷ đồng.

Bà Giã Vồn (gần 100 tuổi) là hàng xóm của già Hồ Táo nói rằng, hồi chiến tranh, bà từng cùng các già Hồ Thanh, Hồ So, Hồ Táo đi gùi đạn, tải lương, mở đường Trường Sơn. Bà chứng kiến nhiều bộ đội, TNXP ngã xuống. Người Vân Kiều ở Khe Hó thương bộ đội với TNXP nhiều lắm nên vẫn cùng nhau đi khắp núi rừng, khe suối tìm hài cốt bộ đội đưa về nghĩa trang liệt sỹ.

***

Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi những người lính Trường Sơn đầu tiên âm thầm xuất quân đưa lương thực, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam; bản Ka Tăng của thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng vươn lên trở thành bản làng giàu có.

Pả Dừa, Trưởng bản Ka Tăng kể: 6 năm trước, khi được chính quyền và Mặt trận vận động chuyển từ nơi ở cũ lên đây lập bản mới nhường đất phục vụ quy hoạch Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo; 51 hộ dân với hơn 200 khẩu, ai cũng ngần ngại. Sau gần 4 năm định cư ở bản mới, nhờ biết phát triển kinh tế vườn rừng, người Vân Kiều ở bản mới Ka Tăng đều khấm khá.

Ngoài cây chuối, cây sắn đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhà nào ở bản mới Ka Tăng cũng nuôi được vài chục con heo, vài chục con dê, vài trăm con gà, vịt. Các loại rau xanh được trồng và được chăm bón tự nhiên. Ở bản cũ sát cửa khẩu biên giới, các hộ Vân Kiều không nghĩ tới việc xây nhà nhưng nay thì khác. Ngoài “điện, đường, trường, trạm” được Nhà nước xây dựng, cả bản ai cũng xây được nhà cửa khang trang.

Đến nay, Khu tái định cư Ka Tăng được xem là kiểu mẫu của tỉnh Quảng Trị nhờ vị trí phù hợp, kết cấu hạ tầng hoàn thiện, đảm bảo cho việc phát triển sản xuất, học tập và sinh hoạt văn hóa của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tươi nắng Trường Sơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO