Tuyên truyền để người dân không tự đầu độc nhau

Anh Vũ 15/01/2016 14:44

“Xây dựng nông thôn mới là phải tổ chức đời sống ở nông thôn chứ không phải là nông thôn bắt chước thành thị xây nhà cao tầng, vệ sinh môi trường vẫn ô nhiễm, người nông dân tự hại lẫn nhau bằng thực phẩm bẩn”, ông Nguyễn Viết Chức, Phó chủ nhiệm HĐTV về Văn hóa - xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam góp ý.

Tuyên truyền để người dân không tự đầu độc nhau

Ngày 15/1, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội, Hội đồng tư vấn về kinh tế - UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý các văn bản giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.

Tại Hội nghị các thành viên của hai Hội đồng tư vấn đã tập trung góp ý vào một số nội dung chủ yếu của Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh; Dự thảo chương trình phối hợp tuyên truyền vận động và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm.

Góp ý về chương trình phối hợp tuyên truyền vận động và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm, ông Phạm Xuân Đà, Viện trưởng viện nghiên cứu An toàn thực phẩm quốc gia - Ủy viên Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội cho rằng để quản lý ATTP phải dựa vào cộng đồng dân cư, thông qua các quy ước, hương ước của làng xã, các hội nghề nghiệp. MTTQ cần xây dựng được cơ chế tiếp nhận và cung cấp thông tin về ATTP đến từng khu dân cư.

“Vấn đề truyền thông là rất quan trọng, phải được thực hiện đến từng làng xóm để thay đổi hành vi của người dân. Ở địa bàn dân cư, Mặt trận vận động là tốt nhất. Mặt trận qua tiếp nhận thông tin có thể có thể cung cấp cho người dân về các sản phẩm có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không, các văn bản về an toàn thực phẩm. Đặc biệt cần có sự giám sát, chất vấn cơ quan quản lý nhà nước về xử lý các vi phạm khi cung cấp thông tin” - ông Đà đề xuất.

Ông Đỗ Duy Thường - Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng để thực hiện việc tuyên truyền đảm bảo ATTP cần làm rõ trách nhiệm của mỗi bên, Chính phủ làm gì, MTTQ làm gì trong việc phối hợp tuyên truyền vận động, kiểm tra, giám sát. Quan trọng nhất là trách nhiệm của chính quyền địa phương, UBND cấp xã trong việc đảm bảo bảo an toàn thực phẩm.

“Trong tuyên truyền vận động cần tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi sản xuất kinh doanh, vận chuyển, chế biến các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm để người dân không tự đầu độc lẫn nhau”, ông Thường đề xuất.

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết liên tịch phối hợp xây thực hiện giảm nghèo bền vững xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Phó chủ nhiệm HĐTV về Văn hóa - xã hội cho rằng việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo phải gắn với việc phát triển văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng.

Tuyên truyền để người dân không tự đầu độc nhau - 1

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị.

“Xây dựng nông thôn mới là phải tổ chức đời sống ở nông thôn chứ không phải là nông thôn bắt chước thành thị xây nhà cao tầng, vệ sinh môi trường vẫn ô nhiễm, người nông dân tự hại lẫn nhau bằng thực phẩm bẩn. Đây là vấn đề về nhận thức về văn hóa đạo đức. Muốn xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững Mặt trận phải vào cuộc để vận động nhân dân tổ chức đời sống văn hóa ở cộng đồng”.

Bàn về việc xóa nghèo bền vững, theo TS Chức, lâu nay chỉ quan niệm việc xóa nghèo là trồng cây gì, nuôi con gì nhưng thực tế nhiều vùng đã làm du lịch nông thôn, nhiều thôn bản vùng cao làm du lịch để xóa nghèo bền vững. Nếu làm tốt du lịch thì vừa giữ được bản sắc văn hóa vừa phát triển kinh tế và xóa nghèo bền vững.

Thiếu tướng Lê Mã Lương - Ủy viên HĐTV về văn hóa xã hội cũng cho rằng, Nhà nước đã phát động nhiều phong trào, nhiều chương trình vấn đề là phải tích hợp nó để thể hiện trong hành động ở cơ sở.

Thiếu tướng Lương chia sẻ, “tôi đã đi và nói chuyện với bà con ở Mộc Châu (Sơn La) họ nói chương trình thì nhiều nhưng không biết làm từ đâu. Toàn huyện Mộc Châu có đến 4 xã không có đường giao thông xuống huyện thì bao giờ mới xây dựng được nông thôn mới”. Để giảm nghèo bền vững xây dựng nông thôn mới phải có nguồn lực mới thực hiện được, ông Lê Mã Lương góp ý.

Cũng theo Thiếu tướng Lê Mã Lương chủ nghĩa thành tích trong thực hiện các phong trào. Nếu chỉ chạy theo thành tích thì việc xây dựng NTM là không ổn. Mặt trận là cái nôi của các phong trào chính vì vậy cần phải để các phong trào của Mặt trận đi vào thực chất.

Phát biểu tại Hội nghị Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trân trọng và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên hai Hội đồng tư vấn góp ý vào Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh; Dự thảo chương trình phối hợp tuyên truyền vận động và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, những ý kiến của các thành viên hai hội đồng sẽ đó góp phần hoàn thiện bổ sung văn bản qua đó tham mưu cho ban Thường trực hoàn thiện các văn bản để ký kết với Chính phủ trong thời gian tới.

Việc ký kết các văn bản giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tạo cơ chế, điều kiện để MTTQ Việt Nam thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thi văn minh” gắn với việc thực hiện các mục tiêu chung của đất nước, đảm bảo quyền lợi và sự sống của người dân qua việc tuyên truyền giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyên truyền để người dân không tự đầu độc nhau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO