Xã vùng biên cán đích nông thôn mới

Hồng Quân 06/07/2016 09:05

Xuất điểm từ một xã biên giới có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn,  là xã được hưởng Chương trình 135 của Chính phủ, thế nhưng sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới xã Tân Lập, huyện Tân Biên (Tây Ninh) đã tạo ra sức bật kỳ diệu khi hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Xã vùng biên cán đích nông thôn mới

Trụ sở xã Tân Lập.

Tân Lập có đường biên giới dài trên 35km, với diện tích tự nhiên hơn 16.896 ha, chủ yếu là đất lâm nghiệp với 9.620 nhân khẩu, đa phần là bà con dân tộc Kinh. Tháng 5/2016 vừa qua, sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) qua kiểm tra, đánh giá, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, trở thành xã biên giới đầu tiên trong tỉnh Tây Ninh về đích Nông thôn mới.

Để có được thành quả này Đảng ủy, chính quyền xã đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện, tập trung tối đa các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Ông Võ Hồng Sang – Bí thư, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: “Tân Lập giờ đây là điểm sáng nơi cửa ngõ biên giới phía Bắc của tỉnh với kết cấu hạ tầng đồng bộ, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, củng cố vững chắc. Bộ mặt NTM đã hiện hữu trên miền biên viễn này rồi…”.

Để dẫn chứng, ông Võ Hồng Sang đưa chúng tôi đi “mục sở thị” trên những con đường nhựa hóa, rải bê tông khang trang, sạch sẽ vào tận các ngõ xóm, nhà cửa san sát, gọn gàng làm bức tranh cuộc sống vùng biên cương Tổ quốc tươi đẹp hơn rất nhiều. Nếu thu nhập năm 2014 bình quân đạt 31,9 triệu đồng/người thì năm 2015 lên 34,245 triệu đồng/người, giảm tỷ lệ nghèo từ 1,02% năm 2014 xuống còn 0,84% năm 2015. Một con số rất đáng tự hào. Ngoài đất đai màu mỡ, phì nhiêu với những cánh rừng cao su, đồng mía, mì bạt ngàn thì Tân Lập còn có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển hơn nữa…

Ngoài ra, để xã cán đích nông thôn mới, theo ông Sang điều quan trọng nhất vẫn là sự đồng thuận của người dân. Để lòng dân thuận, thì chính quyền, ban ngành không thể đưa ra những nghị quyết, khẩu hiệu suông, mà phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả.

Trước hết, cần phải có nguồn lực kinh tế để thực hiện, trong 5 năm qua, xã Tân Lập đã huy động tổng nguồn lực cho xây dựng NTM được hơn 184,976 tỷ đồng, trong đó, ngân sách của tỉnh, huyện khoảng 121,641 tỷ đồng, vốn vay tín dụng trên 22 tỷ đồng, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác khoảng 14,109 tỷ đồng, số còn lại phải dựa vào sức dân.

Đảng bộ, chính quyền xã Tân Lập xác định, xây dựng nông thôn mới không phải là để lấy thành tích, mà phải đem lại lợi ích thiết thực cho người dân thì nhân dân mới hưởng ứng tham gia. “Hiểu rõ được ích lợi của việc xây dựng nông thôn mới, bà con sẽ tự bàn bạc, quyết định mức đóng góp phù hợp. Thấy đồng tiền của mình được đầu tư hiệu quả, giám sát chặt chẽ, minh bạch, bà con càng thêm tin tưởng. Cứ thế, sức lan tỏa của chương trình đã tạo được hiệu ứng tốt” - ông Võ Hồng Sang nhấn mạnh.

Về kinh tế, xã tập trung vào các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Như triển khai thực hiện dự án mô hình nuôi bò sinh sản cho 40 hộ với số vốn 480 triệu đồng, đầu tư nuôi heo, gà cho 67 hộ với số vốn 300 triệu đồng… Các mặt y tế, giáo dục, môi trường đều phát triển rõ rệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xã vùng biên cán đích nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO