Men của núi

Nguyễn Chung 21/10/2016 14:00

Ở mạn Quan Sơn - thuộc miền Tây của Thanh Hóa, đồng bào người Thái có thứ men dùng để ủ rượu cần được làm từ lá rừng. Rượu làm từ men lá ở đây không trong vắt như rượu được chưng cất từ ngô của người Mông mà đục nhàn nhạt màu nước gạo, vị ngọt nồng. Nhà ít cũng phải có vài ché, nhiều thì khắp gầm sàn nhưng tuyệt nhiên không ai đem bán mà rượu chỉ được đem ra uống mỗi khi bản làng có việc trọng đại.

Để làm ra một ché rượu ngon, chị Huyền tốn khá nhiều công phu.

Rượu tình

Lâu lắm, tôi mới lại một mình rong ruổi ngược miền Tây của xứ Thanh. Cái thú tiêu dao đúng buổi trời đất giao hòa cho lòng người cảm giác nhẹ bẫng và thư thái lạ! Tiết đầu thu, núi rừng, đồi nương được nhuộm bởi cái nắng hanh hao màu mật nhạt. Ven đường, những thửa ruộng bậc thang, lúa hè thu đã bắt đầu vào thì con gái. Huyện miền núi Thanh Hóa đang khoác lên mình chiếc áo mới - ấm no, yên bình.

Sáng nay, chị Phạm Thị Huyền, người ở bản Na Lộc, xã Sơn Điện (thuộc huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) không lên nương như thường lệ. Gần chục ché rượu đã được hong khô đáy chỉ còn chờ tay chị vào men, ủ lá, chuẩn bị đón ngày lễ độc lập. Nhà hơn 8 khẩu nhưng việc ủ rượu tuyệt nhiên không ai có thể làm thay chị. Bà con trong bản đều thừa nhận rằng, ché rượu cần do chính tay chị ủ bao giờ cũng có vị nồng say, dịu ngọt hơn những nhà khác. Cách làm lẫn bí quyết thì như nhau cả thôi nhưng có lẽ, rượu của chị làm ngon hơn là bởi do cái duyên của người phụ nữ mặn mà một thời ngấm vào men rượu. “Ô người ta cứ trêu vậy thôi chứ mình thấy rượu của dân bản làm ra đều ngon như nhau cả mà!” - chị cười bẽn lẽn.

Bí quyết làm rượu cần Quan Sơn có tự đời nào chị Huyền hay cả những bậc cao niên trong bản Na Lộc đều không biết. Chỉ biết rằng, ngay từ khi còn bé, mẹ đã chỉ cho chị tỉ mẩn từng công đoạn và bí quyết riêng biệt để làm ra một ché rượu ngon, làm say lòng người. Với mẹ chị và cả những người đàn bà khác trong bản, bí quyết làm rượu là báu vật thiêng liêng, thấm đẫm tình người nên phải gìn giữ, nâng niu truyền đời.

Chị kể, thủa cha mẹ bén duyên nhau cũng bởi ché rượu cần do chính tay mẹ làm. Chẳng biết có phải vì vậy không, mà khi chị bắt đầu bước vào thì con gái, hai má cứ hây hây ửng lên như có men rượu. Bao gã trai trong bản cũng say chị như có rượu, rồi đêm đêm dập dìu đầu ngõ, thổi tiếng khèn tình khắc khoải gọi mời. Trong đám trai ngày ấy, anh là người không mấy nổi bật bởi tính ít nói nhưng siêng năng, sức quật ngã trâu…

Rồi vào một đêm, đúng buổi đất trời giao hòa, bản làng rộn ràng những bước chân nhảy mừng năm mới, sau đống lửa, ánh mắt anh lại thắp lửa trên đôi má chị. Khi lửa hội sắp tàn, chị đã uống với anh đủ hai sừng rượu, tuy không một nói nhưng sâu trong đôi mắt đã là lời hẹn ước đá vàng và thế là nên duyên! “Không riêng nhà mình đâu, ở đây trai gái nên vợ chồng đều vậy cả mà!” – Chị lại cười bẽn lẽn, mắt đăm đắm nhìn bếp lửa khi gợi lại chuyện xưa.

Chị còn bảo với tôi rằng: Rượu cần ở đây không phải thứ rượu để uống cho vui, cho say sưa quên ngày tháng, quên thế sự mà rượu cần Quan Sơn là nét văn hóa đẹp của đồng bào người Thái. Cũng bởi mang tính chất thiêng liêng như thế nên bà con nâng niu, gìn giữ âu cũng là điều dễ hiểu.

Chỉ cách uống thôi cũng đã là một nét riêng của đồng bào Thái ở Sơn Điện.

Rất riêng!

Khi nắng trưa đã nghiêng nghiêng nơi bậu cửa, chị Huyền bắt đầu kiểm tra lại lần cuối những ché rượu đã được phơi kỹ trước sân, chuẩn bị cho mẻ rượu của gia đình. Vừa cẩn thận dùng giấy bản thấm lòng ché, chị vừa hé mở: Để làm ra một ché rượu ngon, đạt tiêu chuẩn, người làm rượu phải tốn khá nhiều công phu.

Đầu tiên là công đoạn làm men. Trước tiên, phải chọn loại gạo từ lúa mới vừa được thu hoạch, sau đó giã nhỏ trộn với thứ lá rừng đặc biệt. Sau khi hai thứ đã quyện sánh vào nhau thì đem viên nhỏ và gác lên gác bếp, hun khói hơn một tuần mới đem xuống. Thứ đến nữa là chọn sắn làm nguyên liệu để kết hợp với men.

Sắn ở đây cũng phải là loại sắn được trồng ở đất Quan Sơn, không sâu, hà, chắc thơm, ăn có vị ngậy và hơi dẻo. Sau khi được lựa chọn kỹ lưỡng, củ sắn được cạo vỏ và gác lên gác bếp khoảng hơn một tháng cho khô rút hết nước mới đem xuống giã nhỏ rồi đem ngâm nước một đêm, vớt ra trộn trấu và đồ lên.

Khi sắn đã chín, người làm rượu phải đổ ra nong, hong cho nguội mới bỏ men vào trộn đều, lấy là chuối tươi gói kỹ lại, ủ đúng 3 ngày, 3 đêm xong mới bỏ vào ché rồi lấy túi ni lon bịt chặt miệng. Tính từ thời gian bỏ nguyên liệu vào ché đến chừng khoảng 1 tuần hoặc 1 tháng sau là có thể đem ra uống được, tùy vào nguyên liệu làm bằng gạo hay sắn.

Theo kinh nghiệm của chị, thì rượu được ủ bằng sắn thường sẽ ngon hơn và để được lâu hơn so với rượu được làm từ gạo. Nếu rượu được ủ bằng gạo chỉ để được chừng 2 – 3 tháng thì rượu làm từ sắn có thể được vài năm, càng lâu, rượu càng ngọt nồng. Dầu tôi đã đôi lần gặng hỏi chị về thứ lá rừng dùng để tạo nên men rượu ở đây thì chị cũng chỉ cười nhẹ rồi nhàng từ chối: “Ồ, đấy là bí mật riêng của bản, mình không nói được đâu!”.

Là người sinh ra và lớn lên tại đây, Trưởng ban Văn hóa xã Sơn Điện Lò Văn Niêm cũng khá hào hứng khi nói về thứ “báu vật” của địa phương. Ông khẳng định rằng: Chỉ nội cách uống thôi cũng đã thể hiện cái chất rất riêng của người Thái ở Sơn Điện. Trước khi ngồi vào mâm, rượu phải được trịnh trọng đem mời người lớn tuổi uống trước, rồi lần lượt theo thứ tự tuổi tác. Thứ nước dùng để đổ vào ché cũng phải là nước suối trong vắt, tuyệt đối không được dùng nước đun sôi để nguội để chế vào.

“Đấy là báu vật của trời ban cho dân bản để đi qua những mùa đông khắc nghiệt, đói nghèo, buồn vui nên rượu làm ra dầu có nhiều đến mấy cũng không phải để bán. Trên tất thảy, rượu cần không chỉ đơn thuần là để góp vui cho dân bản trong mỗi dịp lễ hội, sự kiện trọng đại mà còn là vị thuốc hàn gắn những vết thương lòng, nó làm tan đi những khúc mắc, mâu thuẫn trong cuộc sống thường nhật, sợi dây kết nối, buộc chặt lòng người. Dầu có giận nhau đến đâu đi chăng nữa thì chỉ cần ngồi lại với nhau, uống hết vài trâu, khi rượu đã lâng lâng thì cùng nắm tay nhau nhảy, hát một điệu khặp bên đống lửa rồi ôm nhau cười, vậy thôi là tan biến hết, ngày mai lại vui vẻ bắt tay vào công việc. Cũng chính vì lẽ đó mà bao đời nay rồi, bản làng người Thái ở đây luôn sống trong sự thuận hòa, nhường nhịn, đùm bọc và tượng trợ lẫn nhau về mọi mặt!” - ông Niêm chiêm nghiệm.

Đêm miền thượng ngàn buông nhanh. Bên bếp lửa bập bùng, chị Huyền mở ché rượu mới đãi khách. Tôi ghé môi, vị rượu ngọt nồng chầm chậm lan tỏa từ đầu lưỡi. Chưa hết hai trâu rượu mời, tôi đã thấy như có ngọn lửa mới nhen trong lòng. Ngoài ô cửa, dường như núi rừng đang nghiêng nghiêng đón mùa…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Men của núi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO