Men say rượu cần

Khôi Nguyên 13/07/2016 16:00

Đà Lạt giờ bắt đầu mùa mưa, nhiệt độ vẫn ở mức thấp, những cơn mưa Đà Lạt càng làm tăng vẻ đẹp lãng mạn và trầm buồn của thành phố trong sương. Tới đây, ngoài những địa chỉ đã trở nên quen thuộc, bạn đừng quên ghé làng rượu cần Bon (buôn) Langbiang, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương cách TP.Đà Lạt khoảng 10 km.

Dâng ché rượu cần lên thần linh trong lễ hội.

Các gia đình người Lạch (một nhóm thuộc tộc người bản địa Kơ Ho sống lâu đời nhất ở Lâm Đồng) đã “giữ lửa” nghề rượu cần từ bao đời nay. Người dân ở đây không ai biết cái nghề làm rượu cần ở Bon Langbiang có từ khi nào. Nhưng huyền thoại kể lại rằng: Thuở xa xưa có người đến nhà thần Nhím chơi và được cho uống thứ nước trắng đục, cảm giác say lâng lâng nên thấy hay mà nhờ thần Nhím bày cách làm, bày cho cách uống.

Vì vậy, đồng bào dân tộc có thói quen trước khi uống phải mời Giàng, mời thần Nhím uống trước, sau đó mới tới khách, chủ. Không phải ai đến nhà chơi cũng được thết đãi cả, khách quí mới được mời uống và phải uống thực lòng, chân tình, nếu sợ thì đừng uống, do đó rượu cần như một thức uống “tâm linh” vừa có thần thánh lại vừa có con người hiện hữu trong cuộc vui bên ché rượu. Người dân tộc thiểu số tin rằng ngoài chức năng thức uống ra rượu cần còn là một bài thuốc gia truyền trị đau bụng, bị phát ngứa, giải cảm.

Ủ men rượu cần.

Huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) được thành lập năm 1979, nhưng nghề rượu cần cùng với dệt thổ cẩm và cồng chiêng đã ăn sâu vào đất này. Cồng chiêng và rượu cần trở thành mạch nguồn, sản phẩm văn hóa tâm linh của tộc người Kơ Ho - Lạch, Kơ Ho - Cil dưới chân núi Mẹ Langbiang.

Hiện nay, Bon Langbiang có 644 hộ với 2.603 nhân khẩu; trong đó, hơn 500 hộ dân tộc thiểu số. Người Lạch ở Bon Langbiang sống bằng nghề làm lúa nước, trồng cà phê và làm rượu cần. Cồng chiêng và rượu cần gắn liền với đời sống tâm linh, luôn hiện hữu trong các hoạt động của người Lạch ở Bon Langbiang.

Bà Kră jăn Dềt, Bon Dơng II gắn bó với nghề làm rượu cần.

Các gia đình người Lạch ở Langbiang đều làm rượu cần và hầu hết phụ nữ đều biết và làm rượu cần giỏi hơn nam giới. Bà Kră Jăn Dềt (60 tuổi, ở buôn Bon Dơng II) - thị trấn Lạc Dương đều cho biết nghề làm rượu cần của gia cho đến nay đã 4 thế hệ rồi. Theo bà Kră Jăn Dềt, để có một ché rượu cần ngọt dịu, thơm ngon thật lắm công phu.

Rượu cần Langbiang có bí quyết riêng, đó là lúa trồng trên rẫy và men rừng (lá, vỏ, rễ của cây dòng). Loại rượu cần được làm theo công thức này rất thơm, thanh khiết, càng để lâu ngày càng ngon và rất quý. Ngày nay, men để làm rượu cần đều là men công nghiệp bán ở chợ, gạo cũng không phải gạo rẫy nên chất lượng không bằng rượu cần ngày xưa… Tuy vậy, rượu cần Langbiang vẫn giữ được kỹ thuật thuần thục và bí kíp lưu truyền. Và với mùa mưa cao nguyên, men say rượu cần cứ thế mà níu chân du khách...

Cồng chiêng và rượu cần luôn hiện hữu trong các hoạt động của người Lạch ở Bon Langbian.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Men say rượu cần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO