Mẹo sơ cứu khi có người gặp nạn chảy máu

Ngọc Kha 26/09/2016 15:45

TS Dương Đức Hùng (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo nên lượm bất cứ một cành cây hay vật cứng dài nào nẹp vào phía không bị thương của cổ để băng. Nếu không, có thể vắt chéo cánh tay nạn nhân ngược lên đầu làm nẹp, áp sát vào cổ để băng…

Vừa qua có vài trường hợp tai nạn giao thông xảy ra rất thương tâm khiến người gặp nạn tử vong do không được sơ cứu đúng cách, kịp thời gây mất máu quá giới hạn cho phép.

Chiều ngày 26/9, trước đông đảo các phóng viên báo chí, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, phẫu thuật viên tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cùng các cộng sự đã tổ chức tư vấn, trình diễn một số phương cách sơ cứu ban đầu cho những người không may rơi vào tình trạng nói trên, ngõ hầu muốn qua báo chí, phổ biến những kiến thức sơ đẳng này, hy vọng có thể góp phần cứu sống nạn nhân.

Theo TS Hùng, trong mỗi người thường có một lượng máu nhất định, khoảng từ 4-5 lít đối với người lớn chẳng hạn. Nếu mất đi từ 1/3-1/2 lượng máu này, nguy cơ tử vong sẽ là rất cao. Vì vậy, khi có ai đó gặp nạn, chảy máu, một trong những việc cần làm đầu tiên là chúng ta phải cầm máu cho họ.

Theo ông Hùng, trên cơ thể chúng ta có những vị trí mạch máu rất gần da. Cứ chỗ nào trên da mà sờ thấy có nhịp đập thì nơi đấy có động mạch. Nguy hiểm nhất là khi bị nạn, các động mạch bị tổn thương.

Tại hai bên cổ của chúng ta có hai động mạch cảnh: Động mạch cảnh trái và động mạch cảnh phải mà ta có thể sờ thấy được nhịp đập của chúng ở hai bên cổ. Động mạch cảnh có chức năng đưa máu từ tim lên nuôi dưỡng não. Khi gặp nạn gây đứt động mạch này, máu sẽ tuôn ra xối xả.

Việc đầu tiên cần làm là chính nạn nhân phải đưa tay lên cổ dịt chặt chỗ máu chảy (nếu có thể), đồng thời, chúng ta cần lượm bất cứ thứ gì có thể ở xung quanh như áo quần, bông băng… để chặn vết thương không cho máu chảy nữa rồi tiến hành băng bó. Khi băng vết thương cũng phải băng đúng cách vì tại đây, nếu băng chặt quá sẽ làm nạn nhân nghẹt thở.

TS Dương Đức Hùng khuyến cáo nên lượm bất cứ một cành cây hay vật cứng dài nào nẹp vào phía không bị thương của cổ để băng. Nếu không, có thể vắt chéo cánh tay nạn nhân ngược lên đầu làm nẹp, áp sát vào cổ để băng (xem ảnh).

“Đây là một kinh nghiệm rất thông thường nhưng không phải ai cũng biết. Nếu chúng ta cứ thế bế xốc nạn nhân cho lên xe đưa đi viện thì với tốc độ chảy máu xối xả như vậy, nạn nhân không những bị mất máu nhanh mà não do không được cấp máu đầy đủ, thiếu ô xi cũng dần làm nạn nhân mất ý thức, gây tử vong” - TS Dương Đức Hùng nhấn mạnh.

Ga-rô vết thương cho nạn nhân là cách mà tất cả chúng đã từng được học ít nhất một lần trong đời dưới mái trường phổ thông. Tuy nhiên, trong bối cảnh bối rối, nhiều khi chúng ta lóng ngóng hoặc không nhớ cách làm.

“Cứ chỗ nào máu chảy ra xối xả thì ấy là nơi có động mạch bị tổn thương. Nhiệm vụ quan trọng là chúng ta phải bằng mọi cách chặn đứng sự chảy máu trên nạn nhân”, những phút sơ cứu ban đầu như vậy nhiều khi quyết định sự sống còn của họ, theo TS Hùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mẹo sơ cứu khi có người gặp nạn chảy máu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO