Miễn học phí THCS năm học 2022-2023: Cần lộ trình phù hợp

Hàn Minh 30/08/2022 07:30

Đến thời điểm này, cả nước có 6 tỉnh, thành quyết định miễn học phí cho học sinh (HS) năm học 2022 - 2023, trong đó có địa phương miễn học phí cả bậc THCS, THPT. Tuy nhiên, để áp dụng đại trà trên toàn quốc việc miễn học phí bậc THCS ngay năm học này như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo là khó.

Với hơn 60 năm gắn bó với ngành giáo dục, GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, chính sách giáo dục bắt buộc, miễn học phí là chính sách giáo dục nhân văn, xuyên suốt của nhà nước ta. Ngay từ Hiến pháp năm 1946, 1959, năm 1980 đều quy định giáo dục phổ thông được miễn học phí. Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 đã khẳng định mục tiêu: “Nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020”.

Miễn học phí bậc THCS là chủ trương nhân văn. Ảnh: Nam Uyên

“Cơ sở để thực hiện lộ trình miễn học phí bậc THCS đã có. Vấn đề là cân đối nguồn ngân sách ra sao để bù đắp khoản học phí này thì lại phụ thuộc vào từng địa phương. Không thể “ép” khi chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, cân nhắc kỹ. Theo tôi, có thể làm chậm lại trên cơ sở đánh giá tác động thật kỹ, từ đó đưa ra lộ trình phù hợp với từng địa phương trên nguyên tắc, địa phương nào sẵn sàng thì triển khai trước, không chờ đợi” - ông Bành nói.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021- 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2023, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, theo xu thế giá dịch vụ giáo dục phải tăng vì giá cả hiện nay đang tăng, nếu không sẽ khó cho các cơ sở giáo dục bởi đấy là phần cần thiết để các cơ sở giáo dục đảm bảo chất lượng. Phần mà người dân và cha mẹ HS phải đóng lâu nay ta vẫn gọi là học phí cấp giáo dục phổ thông hiện nay thì không nên tăng.

"Hiện nay HS cấp tiểu học đã được miễn học phí. Tiếp theo đây, chúng ta phải bàn tới cấp THCS và THPT, tinh thần những khoản mà người dân phải đóng ở cấp phổ thông hay còn gọi là học phí thì không tăng và tiến tới miễn giảm nhanh hơn lộ trình nếu có thể. Việc miễn giảm học phí này theo tinh thần sử dụng ngân sách của địa phương, với các tỉnh khó khăn thì ngân sách của Trung ương hỗ trợ để các trường còn có nguồn chi tiêu" - Phó Thủ tướng cho hay.

Việc cần làm ngay là chặn lạm thu - đây là ý kiến của GS Nguyễn Mậu Bành và cũng là tâm tư của rất nhiều bậc phụ huynh trước thềm năm học mới 2022-2023. Miễn học phí THCS có thể chậm lại theo lộ trình nhưng vấn đề khiến người dân bức xúc bao năm nay đó là tình trạng lạm thu diễn ra ở nhiều trường trên cả nước dưới những hình thức xã hội hóa thì ngành giáo dục, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò đầu tàu hoàn toàn có thể hạn chế, ngăn chặn được.

Ông Bành nhắc lại câu chuyện những bộ sách giáo khoa kiểu “bia kèm lạc” có giá lên đến 600-700 nghìn đồng trong khi một trường khác cách đó không xa, trong cùng một huyện bán bộ sách chỉ hơn 300 nghìn đồng. Rất nhiều vở bài tập, bộ đồ dùng học tập đi kèm trong bộ sách được nhà trường bán ra theo hình thức bắt buộc cùng sách giáo khoa, không phải phụ huynh tự nguyện đăng ký dẫn đến giá thành bị đẩy lên cao, gây khó khăn cho các bậc phụ huynh.

“Chỉ riêng điều hòa, lớp cuối cấp ra trường có bao giờ tháo đi nhưng phần lớn ở các trường, khi HS đầu cấp vào đều nhận phòng học trống trơn, đến cả khẩu hiệu, rèm cửa cũng không có gì dù chỉ mới cách đó hơn 1 tháng vẫn còn đang dùng bình thường” - ông Bành kể và cho rằng cần phải có biện pháp quản lý tốt để không xảy ra lạm thu.

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, học phí bậc THCS được miễn sẽ có nhiều ý nghĩa đặc biệt với những hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Trong khi đó, một bộ phận người dân vẫn chọn trường ngoài công lập dù học phí cao nhưng các khoản thu chi trong cả năm học rõ ràng, minh bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miễn học phí THCS năm học 2022-2023: Cần lộ trình phù hợp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO