Miền Tây lũ về sớm

Nhóm Phóng viên 10/09/2018 10:41

Năm nay, lũ về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sớm và nhanh. So với cùng kỳ năm 2017, mực nước cao hơn 1m, đến trung tuần tháng 9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có thể lên mức báo động 3. Mặc dù đã có sự chuẩn bị của các ban ngành chức năng và người dân nhưng hàng ngàn diện tích lúa, hoa màu đã bị thiệt hại.

Miền Tây lũ về sớm

1. Theo dự báo của các ngành chức năng, đỉnh lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, vùng hạ lưu sông và khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên có thể ngang và vượt qua mức báo động 3. Hiện tổng lượng nước của khu vực trong tháng 8 đã tăng từ 20-40% so với trung bình nhiều năm, một số điểm còn lớn hơn tổng lượng nước năm 2000.

Số liệu thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, tính đến thời điểm đầu tháng 9, các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống gần 450.000 ha lúa vụ thu đông, đạt hơn 60% kế hoạch. Hầu hết diện tích xuống giống đều nằm trong vùng đê bao bảo đảm an toàn khi lũ về. Theo ông Hoàng Văn Thắng- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số diện tích lúa chưa thu hoạch khoảng 311.666 ha thuộc các tỉnh đầu nguồn lũ như An Giang, Đồng Tháp, Long An... đang bị đe dọa. Tuy nhiên, tại các tỉnh đầu nguồn bao gồm An Giang, Đồng Tháp và Long An có khoảng 35.000 ha có khả năng bị ảnh hưởng khi lũ vượt mức báo động 2.

Tại tỉnh An Giang, hiện có khoảng 1.350 ha vùng ngoài đê bao phía Bắc kênh Vĩnh Tế thuộc huyện Tri Tôn đang bị ảnh hưởng do lũ. Đến nay con số thiệt hại đã lên hơn 630 ha lúa thu đông và nếu lũ diễn ra như dự báo, số diện tích còn lại sẽ bị thiệt hại.

Còn tại tỉnh Kiên Giang, do nước từ thượng nguồn đổ về nhanh, đã có hơn 1.100 ha lúa và hoa màu không có đê bao, bờ bao bảo vệ bị thiệt hại. Theo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh, đến trung tuần tháng 9/2018, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên mức báo động 3 sẽ có khoảng 74.000 ha lúa hè thu và thu đông bị ảnh hưởng ngập lũ do đê bao, bờ bao thấp, yếu. Số diện tích bị thiệt hại hầu hết tập trung ở khu vực Tứ giác Long Xuyên thuộc các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất...

Theo ông Trần Anh Thư- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, mặc dù tỉnh An Giang đã chủ động lên phương án ứng phó với tình hình thời tiết nhưng vẫn còn tình trạng người dân chủ quan sản xuất tự phát, không theo quy hoạch và hậu quả là khi lũ về sớm đã gánh thiệt hại.

2. Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là đề phòng lũ lớn có thể xảy ra ở BBSCL, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 45 chủ động ứng phó với lũ lớn.

Theo đó, các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL sẵn sàng phương án ứng phó với lũ, bao gồm phương án bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện ứng cứu đối với các khu vực ngập sâu, có nguy cơ vỡ đê bao gây ngập trên diện rộng; triển khai phương án đảm bảo an toàn các khu dân cư và sản xuất khi vận hành đập tràn Trà Sư và Tha La; đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng tránh đuối nước, nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh; tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung, đưa đón học sinh đi học trong mùa lũ; các khu vực ngập sâu, dòng chảy xiết có kế hoạch cho học sinh nghỉ học, triển khai phương án di dời dân vào các khu vực cụm tuyến dân cư tập trung khi có lũ lên cao.

Công điện cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, cống dưới đê, nhất là các tuyến đê bao vùng thượng nguồn. Chủ động thu hoạch sớm diện tích lúa hè thu, nhất là đối với những khu vực thấp, trũng không có đê bao, bờ bao bảo vệ; khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, chủ động tiêu úng đảm bảo an toàn diện tích lúa thu đông và các cây trồng khác, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để giảm thiểu thiệt hại và phát huy tối đa lợi thế từ lũ, nhất là trong nuôi trồng thủy sản.

Chỉ đạo việc kiểm tra thường xuyên những khu vực bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm lòng dẫn để tổ chức cắm biển cảnh báo và di dời dân đến nơi an toàn, sẵn sàng hỗ trợ người dân ứng phó hiệu quả, đảm bảo an toàn về người, tài sản, hạn chế thiệt hại do lũ gây ra.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng kế hoạch điều động các lực lượng hỗ trợ địa phương trong tình huống lũ lớn. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Trước đó, ngày 14/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ĐBSCL tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống ngập lụt, úng do ảnh hưởng của lũ.

Dự báo tình hình mưa lũ cực đoan và xả lũ của các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mê Kông, diễn biến lũ ở ĐBSCL có thể biến động bất thường, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện cao hơn, ở mức báo động 3.

Miền Tây lũ về sớm - 1

Nước lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên, có khả năng gây ngập 20.000 ha lúa hè thu ở các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất và 11.500 ha lúa Thu Đông ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).

Để chủ động bảo vệ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đề phòng thiệt hại do lũ gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ nội đồng; tăng cường gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở. Thực hiện khẩn cấp các giải pháp bảo vệ các diện tích lúa hè thu có khả năng chịu ảnh hưởng của lũ đầu mùa; tổ chức thu hoạch sớm diện tích lúa vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của lũ để tránh thiệt hại. Các địa phương khuyến cáo người dân thời điểm xuống giống lúa thu đông phù hợp, chỉ tổ chức xuống giống lúa vụ thu đông ở các vùng đê bao triệt để, khép kín, có khả năng chống chịu được lũ chính vụ…

3. Trong diễn biến liên quan, Bộ Y tế cũng đã có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan chuẩn bị ứng phó với thiên tai khu vực ĐBSCL. Công văn nêu rõ, để giảm thiểu thiệt hại về người và làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong mùa nước nổi; Bộ Y tế (Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực ĐBSCL tiếp tục quán triệt Luật Phòng, chống thiên tai và Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Bên cạnh đó, tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án bảo đảm y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị, chú trọng các nội dung sau: Rà soát phương án bảo đảm an toàn cho cơ sở khám, chữa bệnh; có phương án di chuyển trang thiết bị, cơ sở vật chất không để hư hỏng do bị ngập nước. Tổ chức dự trữ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện sẵn sàng phòng chống dịch mùa mưa lũ, mùa nước nổi; bổ sung lượng dự trữ vật chất (thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế) đủ cho các vùng trọng điểm thiên tai; tu sửa kho tàng bảo đảm an toàn trong thiên tai.

Thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” trong xử trí cấp cứu, vận chuyển thu dung, điều trị và khắc phục hậu quả sau thiên tai. Dự trữ lương thực, thực phẩm và các phương tiện phục vụ sinh hoạt khác cho cơ sở khám, chữa bệnh. Trong trường hợp vượt khả năng của đơn vị cần báo cáo đề xuất kịp thời lên cấp trên trực tiếp xin ý kiến chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời.

Sau khi nước rút, khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường; duy trì hoạt động các cơ sở y tế bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân không bị gián đoạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miền Tây lũ về sớm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO