Miền Tây trong cuộc chiến chống Covid-19 – Bài 3: Cần một trung tâm điều phối toàn vùng

Quốc Trung 21/07/2021 09:00

Trước những diễn biến bất thường của dịch bệnh và việc khó khăn truy vết, ngăn chặn lây lan F0 ở khu vực miền Tây Nam bộ, các địa phương đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ điều phối khoanh vùng dập dịch một cách triệt để. Đặc biệt sớm hỗ trợ nguồn vaccine để sớm khống chế lây lan dịch. 

Siết chặt việc khai báo y tế đối với người dân nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

Tốc độ lây lan nhanh

Từ cuối tháng 5/2021, ĐBSCL ghi nhận ca nhiễm đầu tiên ở Long An thì trong vòng 40 ngày, toàn bộ các tỉnh miền Tây đã bị lây lan nhanh chóng. Ghi nhận đến 11/7 (tức sau hơn 40 ngày có ca nhiễm đầu tiên), cả vùng ghi nhận 1.695 ca dương tính. Chỉ trong 5 ngày vừa qua, ĐBSCL đã có thêm 1.332 ca nhiễm, tức bình quân hơn 260 ca/ngày, cao gấp hơn 6 lần so với khoảng thời gian trước đó.

Mặc dù số tăng này được ghi nhận một phần do nỗ lực phát hiện và xét nghiệm, nhưng số ca nhiễm tăng chóng mặt cho thấy tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 nhanh hơn khả năng chống dịch của các địa phương.

Tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 tăng không ngừng, bình quân từ 42 ca nhiễm/ngày (khoảng thời gian 1/6 đến 11/7), lên 267 ca/ngày (trong khoảng 3 ngày từ 12 đến 15/7) và riêng ngày 16/7, ĐBSCL có số ca nhiễm trên 400ca/ngày, tức số ca nhiễm gấp 10 lần so với bình quân tháng 6. Theo tính toán của lãnh đạo các địa phương chắc chắn con số này chưa thể dừng lại.

Thống kê số ca nhiễm trong vùng, Đồng Tháp đang là tỉnh ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất vượt ngưỡng 1.000 ca. Từ ngày 24/6 đến sáng ngày 17/7 tổng số ca nhiễm cộng dồn ghi nhận tại Đồng Tháp là 1.112 ca (Đồng Tháp nằm trong tốp 5 địa phương có trên 1.000 ca nhiễm).

Kế đến là tỉnh Tiền Giang có 731 ca, còn Cần Thơ đến hết 16/7 theo báo cáo Sở Y tế là 129 ca nhiễm, nhiều thứ 17 trên 63 tỉnh, thành (số Bộ Y tế công bố 16/7 là 51 ca và lưu ý rằng Cần Thơ chỉ bộc phát chỉ trong 1 tuần qua).

Để thấy được mức độ lây nhiễm, thử tính tỷ lệ ca mắc trên số dân tại mỗi địa phương sẽ thấy mức độ nguy hiểm đến nhường nào! Trong 5 tỉnh có ca nhiễm nhiều nhất, Bắc Giang hiện đang đứng đầu cả nước với tỷ lệ ca nhiễm là 3,2 ca/1.000 dân; TP HCM xếp thứ hai với tỷ lệ 1,7 ca (tính trên số dân thành phố và nhập cư là 14 triệu), kế đó là Bắc Ninh 1,23, Bình Dương 0,89 , Đồng Tháp 0,61.

Và với tỷ lệ này, cứ bình quân 1.000 dân, 5 tỉnh có số ca nhiễm cao ở ĐBSCL thì tỷ lệ này là 0,53. Một con số không hề nhỏ với 1 vùng rộng lớn và chỉ bùng phát hơn 1 tháng qua.

Cần một trung tâm điều phối toàn vùng

Số liệu cập nhật cho thấy ĐBSCL đang ở giai đoạn rất nguy hiểm trong cuộc chiến chống dịch nên lúc này rất cần giải pháp khoa học và những quyết sách kịp thời để tận dụng “thời gian vàng” này.

Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Chi nhánh VCCI Cần Thơ cho biết: Hiện tại, các chiến dịch khoanh vùng, xác định ca nhiễm (F0), ca nghi nhiễm (F1, F2...), biện pháp cách ly, phác đồ điều trị... nên cần được tính toán hợp lý hơn. Với những gì đang diễn ra, các biện pháp chống dịch hầu như được các tỉnh triển khai như nhau, nhưng với tình hình diễn biến phức tạp, nguồn lực (cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nhân lực tuyến đầu...) tại mỗi địa phương không giống nhau nên sẽ không thể có giải pháp hiệu quả nếu như không đó đội ngũ chuyên gia tham vấn dựa trên những dự báo, tính toán khoa học để cùng nhau giải chung một bài toán.

“Bài học trước mắt đang hiện hữu ở TP HCM mà một nhà nghiên cứu chính sách đã nói với tôi: “thời điểm” và “mức độ” ra quyết sách có vai trò quyết định”, ông Lam nói.

Chống dịch không chỉ quyết liệt mà cần khoa học và sự đồng bộ giữa các địa phương. Với những gì đang diễn ra ở ĐBSCL, thì rất cần giải pháp chung và phối hợp hiệu quả giữa các tỉnh, thành. Xét một cách tương quan, dù TP HCM vẫn đang có số ca nhiễm tăng mỗi ngày, nhưng các giải pháp khoa học đang áp dụng, hiệu chỉnh cho những bất cập trước đây bắt đầu có tác dụng.

Các quận, huyện đều triển khai phòng chống dịch theo chủ trương và cùng một sự chỉ đạo và điều hành của chính quyền thành phố, trong khi đó 13 tỉnh ĐBSCL lại là 13 đơn vị hành chính khác nhau và đang có 13 cách phòng chống khác nhau. Nên nếu không có không có một nhạc trưởng để tìm ra giải pháp chung, nhất quán cho vùng thì miền Tây sẽ vuột mất thời cơ này và chưa thể chuẩn đoán được đến thời gian nào mới hết dịch.

Ông Lam cho rằng: “Thời điểm này, chậm còn hơn không, 13 tỉnh, thành đang rất cần một trung tâm điều phối về công tác phòng, chống Covid-19. Đó là sự chỉ đạo chung từ Chính phủ với sự tham vấn của các nhà khoa học, chính sách để ra một “toa thuốc” chung cho một cơ thể mà các bộ phận đều lâm trọng bệnh... ĐBSCL khó thể chống được dịch bệnh nếu như chiến dịch được thực hiện một cách rời rạc trên cùng trận địa”.

Ông Lam mong muốn được Chính phủ ưu tiên vaccine cho TP HCM, miền Đông và Tây Nam bộ. Tăng cường điều tiết trang thiết bị điều trị cho những nơi còn hạn chế như Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với số ca tử vong tăng mạnh.

Cùng đó, các tỉnh cần xây dựng giải pháp cấp bách mới như tiếp cận khoanh vùng, giãn cách, cách ly, điều trị F0, F1... thay thế cho giải pháp hiện đang áp dụng. Đồng thời, nguồn oxy, lực lượng túc trực sẽ cần rất lớn nếu tình huống xấu hơn xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miền Tây trong cuộc chiến chống Covid-19 – Bài 3: Cần một trung tâm điều phối toàn vùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO