Minh bạch - động lực phát triển doanh nghiệp

Thanh Tùng 16/06/2016 13:10

Ngày 15/6 tại Đà Nẵng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng thế giới  (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo  công bố và trao đổi các kết quả của Báo cáo Việt Nam 2035 liên quan đến doanh nghiệp và thể chế.  

Minh bạch - động lực phát triển doanh nghiệp

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam mới chỉ có 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Khoảng cách khá xa

Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” (Việt Nam 2035) do Chính phủ Việt Nam và WB công bố tháng 2/2016 tại Hà Nội đưa ra mục tiêu xây dựng đất nước công nghiệp, hiện đại với chất lượng cuộc sống cao hơn vào năm 2035. Báo cáo xác định chương trình cải cách sắp tới của Việt Nam gồm: Hiện đại hoá nền kinh tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo và lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm…

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI, những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển nhất định nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế có nguyên nhân sâu xa là do năng suất thấp. Trong đó phải kể đến sự yếu kém của khu vực tư nhân. Sự yếu kém này có nguồn gốc từ những hạn chế về thể chế mà nếu gỡ được nút thắt, Việt Nam sẽ tạo được không gian phát triển cho các doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp khu vực tư nhân. Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam mới chỉ có 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động cùng với 4,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Trong khi đó, quy mô trung bình của doanh nghiệp về lao động đang ngày càng giảm.

Ông Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, so với khu vực và thế giới Việt Nam đang có khoảng cách khá xa ở phía sau. Nếu không cải cách về thể chế, chúng ta sẽ còn tụt hậu xa hơn nữa. Khu vực tư nhân chỉ phát triển tốt khi có thể chế tốt. Minh bạch, liêm chính là giá đỡ, là khung pháp lý đảm bảo dân chủ, bình đẳng để mọi tổ chức, cá nhân tiếp cận được các cơ hội phát triển, sáng tạo. Cải cách thể chế, đảm bảo khu vực tư nhân phát triển khỏe mạnh, là yêu cầu bức bách.

Việt Nam chưa có đại gia công nghiệp

Tăng trưởng năng suất ở Việt Nam suy giảm được chuyên gia cao cấp Phạm Chi Lan nhìn nhận do năng suất của khu vực tư nhân trong nước bị giảm sút mạnh, khiến cho khu vực này cũng kém hiệu quả như khu vực Nhà nước. Bà Phạm Chi Lan cũng dẫn lời Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda - Tokyo, Nhật Bản) rằng Việt Nam chưa có đại gia về công nghiệp. Công nghệ cũng vậy. Thực tế - theo bà Phạm Chi Lan thì Việt Nam chỉ có các đại gia về đất đai (bất động sản) và đây là nỗi đau của nền kinh tế Việt Nam sau hàng thập kỷ qua. Vì đại gia bất động sản chỉ có thể đẩy giá đất ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lên cao đến mức khó tưởng tượng, hoàn toàn không thể là trụ cột dẫn dắt doanh nghiệp công nghiệp, công nghệ cùng phát triển. Nguyên nhân của sự trì trệ về năng suất nhìn từ chính sách và thể chế cũng được chuyên gia Phạm Chi Lan mổ xẻ khi đề cập đến tình trạng thương mại hóa dần dần thiết chế Nhà nước. Doanh nghiệp phải dùng tiền để gõ cửa cơ quan nhà nước. Quan hệ thân hữu với Nhà nước quyết định khả năng phát triển của doanh nghiệp. Có thân hữu mới tiếp cận được đất đai, nguồn vốn cũng như quyền và cơ hội kinh doanh, là lý do khiến nhiều doanh nghiệp không muốn rút chân ra khỏi khu vực Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa từ 2 đến 3% cũng được xếp vào khu vực tư nhân thì oan cho khu vực tư nhân quá – chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Nêu câu hỏi Việt Nam ở đâu trong nền kinh tế thế giới? bà Phạm Chi Lan đề cập: Sau đổi mới, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh trên thế giới và tăng trưởng ổn định đi đôi với công bằng. Tuy nhiên GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 chưa bằng 40% mức bình quân của thế giới (tính theo PPP) hay 20% (tính theo giá thị trường). Việt Nam luôn phải thận trong với các bẫy phát triển trong tương lai có thể dẫn đến vài thập niên đình trệ kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch - động lực phát triển doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO