Minh bạch để đi đến kết quả tốt đẹp

H.Vũ (thực hiện) 01/06/2020 07:30

Ban Chấp hành Trung ương đã xác định số lượng, cơ cấu, độ tuổi đại biểu Quốc hội, nhất là số lượng cơ cấu đại biểu hoạt động chuyên trách Quốc hội Khóa XV. Trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết, ông Dương Trung Quốc (ĐBQH đoàn Đồng Nai) cho rằng, cần tạo môi trường bảo đảm tính công bằng cho tất cả các ứng viên tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội.

Minh bạch để đi đến kết quả tốt đẹp

ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: Quang Vinh

PV: Thưa ông, vừa qua khi Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã có ý kiến cần dành 5% cơ cấu cho các chuyên gia, nhà khoa học làm đại biểu Quốc hội nhưng không giữ chức danh lãnh đạo. Cá nhân ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi đã tham gia Quốc hội 4 khóa thấy rằng, có những ý tưởng rất tốt nhưng không thực hiện được do đó chúng ta cần phải cụ thể hóa những ý tưởng đã đặt ra.

Ví dụ như đại biểu là người ngoài Đảng, trong quá trình vận động, chủ trương mọi việc đều mong muốn có nhiều người hơn nhưng thực tế qua các khóa lại giảm dần. Có nghĩa từ chủ trương đến tổ chức thực hiện có vấn đề. Có phải thực sự lòng dân muốn thế, hay do cách làm của chúng ta trong quá trình vận động, lựa chọn ĐBQH. Rất khó có thể xác định thế nào là người có chuyên môn hay chuyên gia? Và quan trọng là họ có tự ứng cử hay không. Nó còn tùy thuộc vào việc họ có tham gia hay không. Cho nên để đạt mục tiêu dành một tỷ lệ cho các nhà khoa học, chuyên gia làm ĐBQH theo tôi chúng ta phải đi kèm theo một số giải pháp. Trong đó có vai trò rất quan trọng của MTTQ Việt Nam. Trong thành phần Quốc hội, số đông phải là những chuyên gia giỏi trên từng lĩnh vực. Vì hoạt động chính trị rất rộng lớn, tuy chính trị là chuyên nghiệp, song chính trị cũng phải gắn kết với cái gì đó của đời sống xã hội, thì đó chính là vấn đề chuyên môn.

Để Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp, đã có nhiều ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên 40%, thưa ông?

- Một vấn đề tồn tại rất lâu là tính chuyên nghiệp của ĐBQH. Nó có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội vì vừa là chức năng lập pháp, vừa là giám sát, và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Do đó cân nhắc tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên bao nhiêu và tôi cho rằng tỷ lệ 40% trong bối cảnh hiện nay là được. Nhưng phải đi đến căn bản là tính chuyên nghiệp thì mới được.

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân, vì thế lựa chọn ĐBQH chính là “hạt nhân” của Quốc hội. Là người tham gia Quốc hội nhiều khóa, vậy theo ông làm sao để có thể lựa chọn được những ĐBQH xứng tầm?

- Tôi muốn nhấn mạnh hai điều. Thứ nhất quyền ứng cử của người dân phải được tôn trọng. Tất nhiên chúng ta có sàng lọc theo tiêu chuẩn nhưng phải tôn trọng quyền ứng cử của người dân. Vì vậy cần phải có số dư đông nhất định. Trước đây trong rất nhiều người ứng cử chúng ta mới mới chọn ra được 5 ĐBQH của Hà Nội. Lịch sử cho thấy những người đó là những người trung thành với cách mạng và sự nghiệp chung của đất nước. Thứ hai, nhiều khi người dân chưa có ý thức được quyền lựa chọn của mình vì họ cho rằng làm cho xong việc, bỏ cho ai cũng được. Cho nên trong quá trình vận động bầu cử, chúng ta nên tạo môi trường cho họ vận động mạnh mẽ hơn nhưng được đặt trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm tính công bằng cho tất cả các ứng cử viên tham gia ứng cử làm ĐBQH.

Nhưng thực tế tại các khóa trước có thực tế có nhiều người tự ứng cử làm ĐBQH nhưng lại không được lựa chọn?

- Chính vì thế tôi mới nhấn mạnh đến vai trò của MTTQ, rất là quan trọng. Làm sao hiệp thương, lựa chọn được những người đủ tiêu chuẩn, để đưa người có năng lực vào Quốc hội. Đừng e ngại những chuyện khác biệt về mặt nhận thức, vì Quốc hội là một tập thể đông, quyết định theo số đông. Nếu cái gì cũng nhất trí từ đầu đến cuối cũng không phải là hay, vì Quốc hội là diễn đàn để thuyết phục lẫn nhau. Đôi khi ý kiến trái chiều hay tranh luận tại Quốc hội cũng là hướng tới để tốt hơn, hoàn thiện hơn. Có không ít những khiếm khuyết, chủ quan của người hoạch định thì qua tranh luận nhằm đi đến tận cùng của vấn đề.

Vậy trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV tới, theo ông làm sao để thu hút được người tài làm ĐBQH, và muốn vậy chúng ta cần cơ chế để thu hút từ ngay chính những quy định của Luật bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội lần này?

- Nói chung gói gọn trong hai chữ “dân chủ”. Và dân chủ cũng chính là minh bạch. Ví dụ có người không đủ tiêu chuẩn thì người dân có quyền và sự sáng suốt để lựa chọn. Tôi cho rằng thực tiễn chứng minh cứ minh bạch, bao giờ cũng đi đến kết quả tốt đẹp. Người dân ngày càng có niềm tin hơn về hoạt động của Quốc hội do đó sẽ có ý thức hơn trong quyền lựa chọn của họ. Tôi thấy điều đó tương đối rõ nhưng chúng ta phải có cơ chế để họ có thể thể hiện, phát huy được quyền đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang): Qua 2 nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, và XIV, trong gần 500 ĐBQH của mỗi nhiệm kỳ thì chủ yếu vẫn là đại biểu kiêm nhiệm và chọn theo cơ cấu đại diện. Cho nên vai trò của Quốc hội, chất lượng của từng ĐBQH vẫn chưa thực sự bảo đảm, chưa phát huy đúng tầm đúng trọng trách của Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước của nhân dân. Thực tế cho thấy vẫn còn có ĐBQH trong suốt quá trình hoạt động của mình vẫn còn “ngán”, “ngại” phát biểu thảo luận tại tổ và hội trường; hoặc có đại biểu phát biểu nhưng nội dung phát biểu chưa chu đáo, chưa trọng tâm, chưa đúng tầm của một ĐBQH; chưa thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân. Đây là trăn trở cần phải đổi mới để Quốc hội thực chất hơn và thực quyền hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch để đi đến kết quả tốt đẹp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO