Minh bạch phản hồi

Việt Thắng 26/08/2017 07:50

Vậy là sau những lùm xùm kéo dài, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chính thức cho ý kiến về phiếu chuyển mà Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà Gia Bảo Nguyễn Bá Long cho là “buồn cười quá”.

Theo đó, thông tin từ Công ty Gia Bảo là không đúng sự thật, doanh nghiệp này chưa đủ năng lực để được giao thực hiện dự án. Giá như mọi việc sớm được giải quyết rõ ràng như vậy có lẽ đã không có chuyện ầm ĩ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Vụ việc được bắt đầu từ khi phía Công ty Gia Bảo từng có văn bản đề nghị Chính phủ giao cho họ làm chủ đầu tư thực hiện Dự án đường sắt trên cao tuyến số 1 (Ngọc Hồi-Yên Viên) theo hợp đồng BT phần vốn đối ứng 15% của Việt Nam và giao cho Công ty kiểm toán Deloite hoặc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giám sát công ty thực hiện dự án.

Sau đó Văn phòng Chính phủ có phiếu chuyển số 854/PC-VPCP ngày 16/8/2017 với nội dung chuyển sự việc Công ty Gia Bảo phản ánh đến Bộ GTVT để Bộ này xem xét, xử lý theo thẩm quyền và trả lời công ty trên.

Ông Nguyễn Bá Long- Phó Tổng giám đốc công ty trên cho rằng như thế thì “buồn cười quá” vì “Bộ GTVT đang thực hiện quá chậm, nay Văn phòng Chính phủ lại chuyển đề nghị của Công ty về Bộ thì đó không phải là cải cách thủ tục như Thủ tướng nói và làm”.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc Công ty trên ra văn bản đề nghị hai vấn đề như vậy là không đúng. Đăng tải công khai thông tin không đúng sự thật là không được.

Văn bản mà Công ty Gia Bảo gửi Văn phòng Chính phủ từ trước đó có đề xuất cho bán khu đất ở 107 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để làm ga Ngọc Hồi.

Nhưng doanh nghiệp này là nhà đầu tư, việc đề nghị như trên không thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Gia Bảo. Nếu có đề xuất như vậy, đơn vị đề xuất phải là Tổng Công ty Đường sắt hoặc Bộ GTVT.

Thứ hai, Gia Bảo đề nghị Thủ tướng giao cho họ thực hiện Dự án đường sắt trên cao tuyến số 1 nhưng doanh nghiệp này không có khả năng nên không giao được.

Đề xuất trên không có cơ sở. Nếu có giao phải trên cơ sở doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục đấu thầu, đủ điều kiện và được lựa chọn sau khi xem xét, so sánh với các đối thủ khác nữa”.

“Nếu Bộ GTVT có giao cho Tổng Công ty Đường sắt thực hiện Dự án đường sắt trên cao tuyến số 1 thì Bộ GTVT và Tổng Công ty Đường sắt sẽ phải chủ động bố trí nguồn vốn thực hiện Dự án. Thiếu gì Bộ hoặc Tổng Công ty sẽ đề xuất chứ không phải việc của nhà đầu tư. Nhà đầu tư không thể đề xuất thực hiện dự án theo hợp đồng BT phần vốn đối ứng 15% của Việt Nam như thế được. Văn phòng Chính phủ không có cơ sở để quyết nếu không có ý kiến của Bộ chuyên ngành. Văn phòng Chính phủ cũng không thể trình Thủ tướng giải quyết việc vụn vặt như thế được”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Một trả lời chính thức cho doanh nghiệp đã được VPCP đưa ra. Một đòi hỏi kịp thời trước “cơn khát” thông tin của dư luận cũng như tính xác thực của vụ việc dấy lên những hoài nghi về việc “hành doanh nghiệp”.

Thế nhưng thực tế, Công ty Gia Bảo đã “3 lần” gửi văn bản lên Thủ tướng đề nghị được tham gia đầu tư Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 Ngọc Hồi-Yên Viên và bán lô đất của ngành đường sắt ở địa chỉ 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội để lấy tiền làm dự án.

Bởi vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng, đó là phải kiểm soát, công khai và minh bạch; cân bằng và hài hòa lợi ích giữa các bên. Trong quá trình chỉ đạo và triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, giá như Bộ GTVT nhanh chóng hơn trong việc phản hồi cho doanh nghiệp có lẽ không để xảy ra “lá đơn kiến nghị thứ 3”.

Thực tế đòi hỏi một sự phản hồi nhanh chóng từ phía cơ quan nhà nước trong quản lý điều hành vốn luôn được coi là khâu yếu. Đề xuất của doanh nghiệp gửi đến đã được VPCP chuyển tới Bộ GTVT.

Nếu như Bộ thẩm định và có câu trả lời dứt khoát sẽ không có những lòng vòng chuyển đi chuyển lại mà doanh nghiệp nản lòng, doanh nhân ngao ngán vốn đang là tình trạng chung xảy ra ở nhiều Bộ, ngành, địa phương, thể hiện sức ì của bộ máy hành chính nhà nước.

Thực tế Chính phủ đã có website doanhnghiep.chinhphu.vn bắt đầu vận hành từ ngày 1-10-2016 và chính thức tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp từ ngày 5/10.

Đây là kênh để Chính phủ lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, cơ chế chính sách giao dịch, thủ tục xây dựng, giao đất, thuê đất với cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Nếu có thông tin doanh nghiệp phản ánh về tình trạng bị gây khó dễ, phải “lót tay” cho cán bộ hành chính, Văn phòng Chính phủ sẽ xem xét để xử lý nghiêm minh theo các cấp. Hay ngay đầu tháng 4/2017, VPCP tiếp tục cho ra mắt website tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn để lắng nghe, tương tác thông tin giữa Chính phủ và người dân.

Xét ở khía cạnh nào đó đã có một sự công khai minh bạch trong điều hành của Chính phủ theo tinh thần kiến tạo, phục vụ. Nhưng hiệu quả của nó vẫn đang là một sự “chờ đánh giá” khi muốn xử lý các thủ tục hành chính rườm rà rào cản phát triển không còn cách nào khác là bãi bỏ, trong đó có việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh vốn được coi là những giấy phép con.

Chừng nào còn những giấy phép con là doanh nghiệp còn lo ngay ngáy với những phiền toái, những chi phí không chính thức bủa vây bởi với doanh nghiệp chậm một ngày là hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng cùng với những gánh nặng về lãi suất của ngân hàng đang phả vào gáy, cũng là nỗi lo của những người lao động.

Sự vận hành của bộ máy trong đó có việc sớm phản hồi những thắc mắc, bức xúc đó cũng chính là sự đổi mới trong điều hành, là con đường cải tổ để tạo ra các quá trình xử lý thủ tục hành chính một cách minh bạch, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch phản hồi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO