Minh bạch tài sản cán bộ

Kiên Long 29/06/2017 08:50

Thanh tra Chính phủ đã bắt đầu tiến hành thanh tra khối tài sản lớn được cho là của gia đình ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Đây là cơ hội để đảm bảo tính minh bạch thông tin với dư luận, trả lời cho nhiều câu hỏi, những vấn đề đồn thổi, băn khoăn lâu nay.

Đồng thời từ đây tiếp tục khẳng định sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ về một giải pháp hữu hiệu cho công tác phòng, chống tham nhũng.

Khối tài sản nằm trên 1,3 ha tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, TP Yên Bái với những kiến trúc, dinh thự có giá trị, đứng tên bà Hoàng Thị Huệ, vợ ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái, nhiều tháng qua đã tốn không ít giấy mực của báo chí, ý kiến của dư luận.

Ngày 9/6, Thanh tra tỉnh Yên Bái với thẩm quyền của mình đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành để làm rõ nội dung báo chí nêu.

Tuy nhiên, dù Thanh tra tỉnh có cam kết rằng, sẽ làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, việc cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép... đã không thể làm dư luận yên tâm.

Các đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến, và như ông Phạm Trọng Đạt- Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ cho biết “để đảm bảo tính khách quan, minh bạch thông tin với dư luận, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc”.

Việc Chính phủ, trực tiếp Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ ý kiến dư luận về tài sản của một giám đốc sở ở Yên Bái, được dư luận rất hoan nghênh.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng khẳng định: “Đoàn thanh tra sẽ không chịu bất cứ áp lực nào và không bị tác động từ phía nào. Kết quả thanh tra sẽ được làm công tâm để đối tượng bị thanh tra cũng như dư luận tâm phục, khẩu phục”.

Những khẳng định của Cục trưởng Cục Chống tham nhũng như “không có vùng cấm’, “hết sức minh bạch, không có gì phải giấu giếm”, “không có sự nương nhẹ”…đã làm dư luận yên tâm.

Tinh thần của Đoàn Thanh tra Chính phủ khi xử lý phải “tâm phục, khẩu phục” làm dư luận yên tâm, mà dư luận càng yên tâm bởi quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng thể hiện từ chủ trương đến các vụ việc, hành động cụ thể những năm qua, nhất là thời gian gần đây.

Đặc biệt, việc tập trung quyết liệt vào những chỗ khó khăn nhất- xử lý kẻ tham nhũng là những người đứng đầu, những con sâu, con mọt có chức, có quyền.

Cùng với các quyết tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả, nói không với tham nhũng tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng đã yêu cầu thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là trong kê khai, kiểm soát kê khai tài sản thu nhập.

Yêu cầu kê khai, minh bạch tài sản của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo là quy định của pháp luật, quy định bắt buộc của tổ chức Đảng.

Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành quy định kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Và rồi những vấn đề liên quan đến tài sản như chiếc xe mang biển xanh của Trịnh Xuân Thanh hay khối tài sản hàng trăm tỉ của gia đình Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đều đã được Chính phủ chỉ đạo làm rõ…

Qua nhiều năm, đặc biệt năm 2016 vừa qua, Báo cáo kết quả về phòng, chống tham nhũng đều cho thấy trong hơn 1 triệu đối tượng phải kê khai, qua xác minh hầu hết đều trung thực, chỉ có một vài người, thậm chí chưa phát hiện trường hợp nào thiếu trung thực.

Trở lại việc thanh tra ở Yên Bái, với một giám đốc sở như ông Phạm Sỹ Quý, việc kê khai, minh bạch tài sản là đương nhiên. Và trong tổ chức, cơ quan ở địa phương, người ta nhìn nhận khối tài sản kia của ông giám đốc đã đương nhiên phải được kê khai trung thực.

Người dân không yêu cầu cán bộ nghèo, mà rất mong cán bộ phải giàu, nhưng việc giàu phải hợp pháp. Tài sản, đồng tiền họ có được là tài sản, đồng tiền chân chính.

Một giám đốc sở, lãnh đạo tỉnh, thành phố, hay lãnh đạo nói chung có khối tài sản lớn, giàu có cũng là chuyện bình thường.

Tài sản của ông Quý và gia đình ông nếu hợp pháp thì dù cho có vài ba ha đất, dăm ba dinh thự cũng là bình thường, dù cho có ở một tỉnh thuộc diện nghèo nhất nước như Yên Bái.

Có điều, với người dân thì mọi sự cần phải được công khai, minh bạch. Khối tài sản với trên 1,3 ha đất biệt phủ giữa trung tâm thành phố của ông giám đốc sở có được từ đâu?

Với đồng lương của cán bộ, dù tích luỹ cả đời cũng chỉ mong có được mấy chục mét vuông nhà ở thì nguồn tiền nào để các vị có thể xây dựng được những dinh cơ như vậy?

Ngay việc chuyển đổi đất rừng, trồng cây lâu năm, nuôi trồng thuỷ sản thành đất ở như vậy có đúng quy định không?.v.v.

Kết quả thanh tra, như Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt khẳng định sẽ “minh bạch, công khai”. Minh bạch, công khai để rồi nếu như có sai phạm thì việc xử lý sẽ làm cho đối tượng sai phạm phải “tâm phục, khẩu phục”.

Minh bạch, công khai để rồi khi không có sai phạm, thì dư luận, người dân cũng “tâm phục, khẩu phục” với khối tài sản của gia đình, của ông giám đốc sở nọ.

Và người dân rất mong đây không chỉ là một cuộc thanh tra đột xuất với tài sản của một giám đốc sở ở tỉnh mà sẽ mở màn cho nhiều cuộc thanh tra đột xuất kiểu trên. Đây rõ ràng là một giải pháp tích cực cho việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch tài sản cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO